CẢNH NHẠC ĐIỀU TRỊ HẦU TÝ
ĐIỀU 126. CẢNH NHẠC ĐIỀU TRỊ HẦU TÝ
Cảnh Nhạc có một y án chữa về Hầu tý như sau:
"Vương Bồng Tước, ngoài 30 tuổi, bị hầu tý gần 10 ngày. Cả đầu và mặt đều sưng to, cổ phình ra như thân cây chuối, hơi thở gấp, nói không thành tiếng, họng sưng miệng loét, đau đớn lạ thường. Phải nhờ một người tựa cho ngồi, không sao nằm được. Trương chẩn mạch: Tế, Sác, Vi, Nhược. Hỏi xem có nói được hay không, thì tiếng nói nhỏ yếu như không nói tiếp. Hỏi người nhà về những thuốc uống bấy lâu, thì hoàn toàn là Cầm, Liên, Tri, Bá.. Xét bệnh này: do phần Âm bị thương tổn, đồng thời lại bị loại thuốc hàn lương bức bách mới đến nỗi hàn thịnh ở dưới, "cách" dương lên trên, dù chỉ uống nước không cũng khó nuốt trôi, nhất là lại rất sợ phiền nhiệt... Thăm bệnh xong, Cảnh Nhạc nói: bệnh nguy lắm rồi, nếu chậm nửa ngày nữa thì khó cứu... Liền cắt cho bài Chấn âm tiễn (Thục địa, Ngưu tất, Cam thảo, Trạch tả, Nhục quế, Chế Phụ tử) sắc đặc, để thật nguội lạnh cho uống từng hớp dần dần. Qua một đêm, đầu, cổ rọp hẳn, trong cổ chỉ còn hơi đau. Kế đó, cho uống Ngũ phúc ẩm (Nhân sâm, Thục địa, Đương qui, Bạch truật, Cam thảo), chỉ vài thang khỏi hẳn.
Nhận xét về chữa Hầu tý, Du chấn nói: "...án chữa Vương Bồng Tước của Cảnh Nhạc rất hay. Nhưng cũng may Bồng Tước chịu được ôn bổ, nên mới uống một thang mà đã khỏi. Tựu trung cũng có người cho uống ôn bổ mà không khỏi, tức là loại âm chứng mà dương mạnh... Chưa nên coi trị pháp của Cảnh Nhạc là chữa được hết thảy. Một người họ Hứa ở làng tôi, bắt đầu bị ngoại cảm phát nhiệt, mấy ngày sau, tại nhĩ môn bên tả mọc một nốt nhỏ, vỡ loét, tưởng là đinh nhĩ, dán thuốc cao, lại càng loét, toàn thể tai đều sưng đỏ, dần dần lan tới cả đầu mặt đều sưng đỏ. Đến lúc đau quá, mồ hôi toát ra đầm đìa, nhờ vậy mà chứng sốt nóng lại lui, thấy hơi dễ chịu. Qua 3 ngày lại phát sốt nóng, toàn thể tai bên trái và đầu mặt lại sưng, dần dần đến mê man nói sảng. Hỏi ra mới biết là vì được vài ba ngày bệnh bớt, hàng ngày tự đi ra chuồng tiêu cách nhà tới 4,50 thước, lại cảm nhiễm phải phong tà, nên mới ngã lại. Lúc đó các lương y nội ngoại khoa đều nói: "Mạch Tiểu và Sác, trọng án vô lực, e thuộc về chứng "hư hãm”. Bạn tôi là Lý quân tới thăm nói: "Bệnh này tên là Nhĩ du phong, chỉ là một bệnh xoàng, không đến nỗi chết, vì lại nhiễm thêm phong tà, nên mới biểu hiện thành chứng trạng nguy hiểm. Bấy giờ, ngoài thì đắp nước, trong thì cho uống thuốc tán phong... chỉ vài thang, các chứng sưng đau và sốt nóng đều khỏi. Riêng có chứng mê man nói sảng lại càng nặng thêm, nước hay cháo, uống vào khỏi miệng lại thổ ra, tay chân đều quyết lãnh, lại luôn luôn phát nấc... Bệnh thế càng nguy. Lý lấy đũa ngáng hai hàm răng, trông vào miệng, thấy đầy miệng lở nát, "huyền chung” sưng đỏ và to bằng quả cà chua... Mạch vẫn Tế Sác, tay phải càng tệ hơn. Lý nói: vì mấy ngày không ăn uống gì, Vị khí hư quá, nên mới phát sinh chứng nấc và thổ... Liền bảo nấu một nồi cháo lớn, để nguội, gạt lấy cái màng tụ ở trên, xúc vào thìa nhỏ đổ cho nuốt, nuốt được không bị thổ. Lại dùng thuốc giải độc mát, tẩm vào bông, lau sạch trong miệng, rồi dùng Thạch cao sống 5 lạng, Trúc diệp một nắm to, đun lấy nước đặc, bảo vừa súc miệng vừa uống. Qua một đêm, uống hết, đỡ mê, đỡ nói sảng, khỏi nấc, tay chân lại ấm. Tiếp đó dùng đại tễ Bạch hổ gia Hoàng Cầm, Hoàng Liên, Chi tử, Liên kiều cho uống vài ngày sau khỏi hẳn. Xem án này với án của Cảnh Nhạc thật tương phản nhau như nước với lửa. Suy đó, y giả đọc sách, quyết không nên chỉ cố chấp vào một thuyết, tự lấy làm phải, mới khỏi di hại.
Tôi nghĩ: thuộc về bệnh ở Yết hầu, kèm nhiệt có tới 6,7 phần 10; kèm hư với hư hàn chỉ có 2, 3 phần 10; đến như do phong hàn và bao gồm cả hỏa thì có tới 8, 9 phần 10. Như án của Mậu Đình và Cảnh Nhạc đều thuộc về loại hư hàn, án của Lý quân thì bao gồm cả phong, hàn và hỏa. Hiện nay, thuốc nam của ta, dùng để chữa được loại bệnh thực và hỏa không phải ít, duy đối với
loại hư và hư hàn, phải sử dụng và phối hợp rất khéo, mới vừa hợp với nguyên tắc trị liệu, vừa đạt được mục đích khỏi bệnh... về điểm này, bạn đồng nghiệp ta còn phải tích cực nghiên cứu.
Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ