Logo Website

ĐỌC BÚT HOA Y KÍNH

01/02/2021

ĐIỀU 109. ĐỌC BÚT HOA Y KÍNH 

Giang Hàm Đôn soạn bộ Bút hoa y kính bố cục rất giản ước, bút pháp rất sáng sủa, chủ yếu là để cho những người từ trung lưu trở xuống dễ xem, dễ hiểu, khi lâm sàng dễ bắt chước, khỏi nhắm mắt chữa mò... Thật là ý thức tốt. Nhưng cần nêu rõ: "Y giả hành y, không chỉ dễ dàng như thế đâu" muốn cho được đến nơi đến chốn còn phải học sâu rộng hơn nhiều, đúng như câu nói của Từ Linh Thai: "Không đọc nhiều sách, không thể làm lương y...". Vậy bộ Bút hoa y kính chỉ giúp đỡ chúng ta một phần nào thôi, không thể dựa vào đó làm cơ sở vững chắc. Đặc biệt về Nhi khoa có nhiều ưu điểm, không những cách hành văn sáng sủa dễ hiểu, mà về chủ yếu là y lý cũng chính xác, khác với các sách Nhi khoa khác. Ví dụ: Biện về ngoại nhiệt và nội nhiệt: 

Ngoại nhiệt với nội nhiệt không giống nhau. 

Ngoại nhiệt: sốt nóng suốt ngày, hoặc tay chân co quắp, giá lạnh, rức đầu, ngạt mũi, mạch Phù không khát... Đó là loại bệnh cần phải giải ra bên ngoài, không nên dùng lương dược, nên dùng bài Kinh phòng tán để phát biểu, ra mồ hôi sẽ khỏi. Nội nhiệt: như sốt nóng về đêm, sốt nóng từng cơn, ngày nhẹ, đêm nặng, hoặc miệng khát, hoặc bụng đầy, hoặc mồ hôi trộm... Các chứng hậu trên phần nhiều do thương thực, đình tích, phục hỏa, âm hư, dương hư v.v... cần phải phân biệt để điều trị. Đó là loại bệnh cần phải giải từ bên trong, không thể dùng biểu dược. 

Bệnh do thương thực thì dùng Bảo hòa hoàn gia Địa cốt bì để làm cho tiêu; do đình trệ thì dùng bài Hòa trung hoàn gia Miết giáp, Mẫu lệ để làm cho tiêu; do phục hỏa thì dùng Hoàng cầm, Thược dược thang gia Sơn chi, Đơn bì để làm cho thanh; do Âm hư thì dùng Cao bì Tứ vật thang để làm cho lui; do dương hư thì dùng Tứ quân tử thang để bổ dưỡng. Loại bệnh nhiệt này nếu để lâu tất hại đến Âm, dần dần gầy mòn, thành chứng Can lao khó chữa. Vậy phải cẩn thận không nên coi thường. 

Thuộc về chứng Kinh phong, trong Ấu ấu tập thành của Trần Phi Hà và Ngụ ý thảo của Dụ Giang Tây đều có lập luận chỉ trích, cho là không đúng bệnh tình, di hại đời sau... Nhưng thuyết của hai nhà, nhà thì lập luận quá cao, người xem khó bề lĩnh hội (Dụ), nhà thì dẫn chứng, biện luận quá nhiều, trong vườn hoa thơm không khỏi còn nhiều gai góc (Trần)... Giang Hàm Đôn cũng có bài chuyên luận về chứng bệnh này, văn pháp và lý luận rõ ràng và xác đáng, ví dụ: 

Phi kinh luận: 

Trong phương mạch (tức các y thư) có các chứng trúng hàn, trúng thử... các thầy thuốc bình thường đều nhận lầm là Trúng phong, Đông Viên và Cảnh Nhạc dùng chữ "Phi phong" để phân biệt, thật rất đúng. Trong Nhi khoa có hai loại chứng Cấp kinh phong và Mạn kinh phong... không những chữ "kinh" dùng đã không đúng, cả đến chữ "phong” cũng rất dễ nhầm. Nhưng từ sau khi có cái danh hiệu "kinh phong" ra đời, các y giả liền dùng bừa các loại thuốc viên cho uống, tác hại cho khá nhiều trẻ em. Giờ thử nghĩ: chữ "kinh” nghĩa là gì? Phàm bị sợ thì gọi là kinh, bị sợ thì thần hồn không yên ổn, tâm thần hoảng hốt, hồi hộp run rẩy... Chỉ "Tâm hư" là dễ bị chứng đó. Trong các phương mạch cũng có chứng đó. Trong nhi khoa có chứng "đại kinh thốt khủng" tức là chứng đó, và đó mới thực là "kinh". Cho nên về trị liệu, lấy những vị như Nhân sâm, Ngũ vị, Táo nhân, Đan sâm... có tác dụng "an thần định hồn" làm chủ yếu, quyết không thể dùng các loại thuốc "công đờm, tán phong" mà chữa được. Vả lại, chữ "phong” cũng có hai nghĩa: ở ngoại cảm thì là phong tà, nên dùng phương pháp biểu tán; ở nội thương thì là can phong, nên dùng phương pháp "chấn, tức". Giờ gọi chung cả lại là phong, vậy nó là ngoại phong chăng? hay là nội phong? Loại thuốc chữa ngoại phong không thể dùng để chữa Can; loại thuốc chữa Can phong không thể dùng để giải biểu... Thật là sai lầm hết sức. Nên biết rằng cái chứng mà họ bảo là “cấp kinh", chẳng qua chỉ là "đờm hỏa bế". Trẻ em bị thử nhiệt thì sinh hỏa, bị sữa ứ đọng thì sinh đờm. Đờm với hỏa cùng cấu kết với nhau, thì huyết bị hư mà Can mất chất nuôi dưỡng; Can chủ về gân, gân mạch khô và nóng thì sinh co giật. Cho nên ở bên ngoài thì hiện ra trạng thái co quắp, mật hiện sắc xanh... Đó là Can táo mà nội phong động, chứ không phải là ngoại phong, lại là do đờm hỏa làm vít các khiếu nên sinh ra mắt lộn ngược, răng nghiến chặt và phát quyết, chứ không phải do kinh sợ. Chỉ cần làm cho thông lợi các khiếu, đồng thời lại thanh hỏa và giáng đờm, thì sẽ tỉnh lại ngay. Chứng này dù không chữa cũng có thể tự tỉnh... Vậy mà lại đặt bừa cho nó cái tên là kinh phong là nghĩa gì? 

Lại như chứng Mạn kinh phong là do Tỳ hư mà sinh phong. Trẻ em bị thổ tả lâu ngày không khỏi, Tỳ sẽ bị hư, Can mộc sẽ thừa tập, tay chân hơi giật. Như vậy là Nội phong vũ thổ, cũng không phải là ngoại phong. Dương khí kém sút, tinh thần uể oải, hơi thở gấp và ngắn... Đó là do trung khí bị khuy tổn, cũng không phải do kinh sợ, phép chữa chỉ nên bổ Tỳ hồi dương, thì thổ sẽ phấn chấn mà mộc cũng yên tỉnh... Thuộc về loại bệnh này, không dùng bổ thì tất sẽ chết. Vậy mà cũng gán 

cho nó cái tên là kinh phong là nghĩa gì? Vả cấp kinh thuộc về thực hỏa, mạn kinh thuộc về hư hàn.. Về phương pháp trị liệu, loại thuốc chữa cấp kinh không thể dùng để chữa mạn kinh; loại thuốc chữa mạn kinh không thể dùng để chữa cấp kinh... Vậy mà ở đời có loại thuốc viên đề là "chữa cấp mạn kinh phong”.. Định đánh lừa cả người và trời chăng? 

Giờ đây xin nêu rõ là: "không phải kinh”, mà chia làm hai loại: một là chứng "Đàm hỏa bể” hai là chứng "Mộc vũ thổ"... khiến thầy thuốc khi lâm sàng nhận rõ được đằng nào là thực, đằng nào là hư, rồi tìm tới nguồn gốc để điều trị... Các trẻ em có thể nhờ đó mà đỡ chết oan chăng? 

Lý luận của Bút Hoa nói trên thật là rõ ràng xác đáng, chỉ vì cái danh từ "kinh phong” xuất hiện từ lâu, đã in sâu vào óc khắp cả mọi người trong y giới và ngoài y giới, hầu như đã biến thành một danh từ quen miệng... Thường thấy có nhiều người khi con bị sốt nóng, thỉnh thoảng có giật mình đã nói ngay với người ngoài là cháu bị kinh phong; khi đến ông lương y để cắt thuốc, cũng kể với lương y là cháu bị kinh phong. Hoặc đến các hiệu thuốc để mua thuốc hoàn tán... cũng nói là bán cho cháu thuốc kinh phong. Cũng do tập quán đó, nên ở các hiệu thuốc, loại kinh phong cao, đơn, hoàn, tán cũng thấy nhan nhản, bày khắp quầy tủ,.. Thật là một tai hại lớn, không sao ngăn chặn được. Cũng như bệnh trúng phong của người lớn, hết thầy các phương thư của danh gia từ xưa đến nay, đã tốn bao nhiêu giấy mực, để phân tích thế nào là chân trúng, thế nào là loại trúng mà đại đa số là giới hạn vẫn chưa được rành mạch, vẫn đem các bài Đại, Tiểu tục mệnh, Địa hoàng ẩm tử, Tam sinh ẩm v.v... để chữa các chứng hậu phát sinh bởi Can phong nội động, ngã ngất hôn mê... Hy vọng từ giờ về sau các nhà biên soạn các sách cho lớp thừa kế, không biết chữ Hán, nên cắt đứt bỏ những dây dưa ấy, hoạ may mối hại mới có thể bớt đi được chăng? 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990