Logo Website

ĐỌC Y LÂM NHÀN THOẠI

31/01/2021

ĐIỀU 108. ĐỌC Y LÂM NHÀN THOẠI 

Trong Y lâm nhàn thoại có một truyện như sau: 

Đàm Xuân Phủ nhân có việc đến chùa Thạch Giác, sau khi cơm chiều xong, đi tản bộ ở ngoài hành lang, thấy có một thiếu niên ngồi chễm chệ ở trong nhà. Xuân Phủ vái chào, thiếu niên không đáp, chỉ gật đầu. Đêm hôm đó, trời quang trăng sáng, Xuân Phủ ngẫu nhiên tản bộ ra vườn trông trăng, lại thấy thiếu niên nằm trên chiếc chõng ở dưới gốc cây lớn. Xuân Phủ lại tới gần vái chào, thiếu niên cũng chỉ gật đầu như trước. Xuân Phủ không bằng lòng, trở vào chùa thuật truyện với nhà sư trụ trì, và nói: ở đời lại có hạng người kiêu ngạo đến thế bao giờ. Dù sao chăng nữa, thấy có người lạ chào hỏi, cũng nên trả lời một cách tử tế mới phải. 

Nhà sư mỉm cười, nói: 

- Xin ông đừng vội trách, anh ta là người ở huyện Dương Xuân, vốn là con nhà giàu, bị bệnh Phế lao, đã bán nửa cơ nghiệp để chạy chữa thuốc men vẫn không khỏi. Nhân ông bố có người bạn ở Thượng Hải, biết tin như vậy, viết thư bảo phương pháp trị liệu: 

1. Không ở gần gia đình 

2. Học câm

3. Điều tiết việc ăn uống 

4. Không uống thuốc 

Ông bố vốn quen tôi, giới thiệu xin cho con đến ở nhờ cửa Phật, đồng thời chọn một người nhà đứng tuổi chân thành, cho đi theo trông nom mọi việc ăn uống. Anh ta nếu có muốn hỏi han hoặc ăn uống gì đều phải viết vào giấy... Khi anh ta mới đến chùa, người gầy còm, chỉ còn trơ có bộ xương, đi lại đều khó khăn. Tới nay đã được 2 năm... Ông trông thấy trạng thái anh ta, chẳng đã béo tốt và khỏe mạnh đấy chứ? Người nhà đã nhiều lần muốn đón về nhưng anh ta còn muốn ở một hai năm nữa mới về. 

Xuân Phủ nghe nói rất lấy làm lạ, về thuật truyện với tôi. Hai năm sau, tôi nghe nói tại chùa đó có bộ Pháp hoa kinh tính lý hội giải, đến mượn để nghiên cứu. Vị sư trụ trì vui lòng cho mượn ngay, tiện thể tôi hỏi thăm đến chàng thiếu niên huyện Dương Xuân. Nhà sư thuật truyện đúng như lời của Xuân Phủ và nói tiếp: 

- Hắn đã khỏi hẳn căn bệnh, béo tốt khỏe mạnh, đã về quê rồi. 

Tôi nghĩ: thiên Sinh khí thông thiên luận trong Tố Vấn có câu: "... phần tinh của dương khí thì dưỡng thần, phần nhu thì dưỡng cân". Dương khí ở con người rất là quan trọng nếu không khéo điều dưỡng cho khỏi khuy khuyết, thì sẽ bị nguy hại ngay. Cho nên thiên Sinh khí thông thiên luận lại có câu nói: "... dương khí như thiên với nhật, nếu để lỡ, sẽ bị thiệt tới thọ mệnh". Ngẫm như bệnh phế lao đã đến nỗi thịt hết xương trơ, thở thoi thóp, mà muốn trông nhờ vào dược vật thì thật là khó. Chỉ cấm tuyệt nói năng, thì khí không bị tiết lên phía trên; cấm tuyệt phòng dục, thì khí không bị tiết xuống phía dưới. Trong Trường Vị không bị các loại tạp dược làm rối loạn, lại thêm sự uống ăn có chừng mực, thì khí sẽ được bổ sung ở bên trong. Lâu dần dương khí sẽ chan chứa khắp thân thể, vô luận là các bộ phận hữu hình đều được nuôi dưỡng... Do đó, tôi muốn bổ sung thêm câu nói của Nội kinh: dương khí như Thiên với Nhật, nếu không bị lỡ, sẽ được sống lâu mãi... (Trích Y lâm nhàn thoại cửa Tào Tử Tài). 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990