KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH CỦA ĐAN KHÊ
ĐIỀU 140. KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH CỦA ĐAN KHÊ
Đan Khê chữa một người thiếu phụ ngoài 20 tuổi, thân thể béo mập, bị nghẹn tác ăn không được. Hằng ngày cứ nằm suốt từ sáng đến chiều, và chỉ uống một bát cháo loãng, sau một lúc lại thổ ra lưng bát nước trong, rồi lại nằm. Đã tới 3 tháng, không hành kinh. Trước 3 tháng, kinh có ra nhưng sắc huyết đen sẫm. Chẩn mạch, vào khoảng giờ Thìn (khoảng 8, 9 giờ) hai bộ Thốn Quan đều Hoạt có lực; từ giờ Ngọ trở về sau (khoảng 13 giờ) mạch ở Quan bộ Hoạt, ở Thốn bộ lại không. Hỏi lại nguyên nhân khi phát bệnh, chỉ vì đương cơn giận giữ mà ngồi vào ăn uống... Rồi sinh ra bệnh như vậy. Đan Khê liền dùng: Bạch truật 1,5 lạng, Hậu phác, Hoàng liên, Chỉ thực mỗi vị 10 đ.c.; Bán hạ, Phục linh, Trần bì, Sơn tra, Nhân sâm, Hoạt thạch mỗi vị 8 đ.c; Sa nhân, Hương phụ, Đào nhân mỗi vị 5 đ.c. Hồng hoa 2 đ.c. Các vị hợp lại, chia đều làm 10 gói nhỏ mỗi ngày uống một gói. Khi uống hòa thêm lưng chén con nước gừng. Sau đó 3 ngày, cho uống Thần hựu hoàn (1), Thần bí trầm hương hoàn (2) để hạ nhẹ. Đến ngày thứ 12, không thổ nữa, đã ăn được, qua 40 ngày điều trị hoàn toàn bình phục.
Tôi xét: bệnh nhân chỉ uống một bát cháo loãng, lại thổ ra lưng bát nước trong, suốt ngày chỉ nằm không dậy được, tưởng chừng như bệnh đã quá hư rồi. Sở dĩ nắm được không phải hư là do bệnh tình "nghẽn tác" và trước 3 tháng hành kinh ra máu đen. Đó là "nội hỏa" với "thực tích", uất lại thành chứng thấp nhiệt. Trên thì có nước đọng, dưới chỉ có huyết ứ, chính là chứng thực mà biểu hiện trạng thái hư. Sở dĩ giờ Thìn mạch ở Thốn quan Hoạt và có lực,... vì giờ Thìn chính là thời gian khí huyết đều rót vào Vị, Vị đầy quá nên ảnh hưởng tới Thượng tiêu; tới sau giờ Ngọ, chỉ có mạch ở Quan bộ Hoạt, tức là mới biểu lộ cái hiện tượng "thực” của Vị Bài thuốc của Đan Khê nhằm mục đích "tiêu đờm, tiêu thực phá khí, hoạt huyết”, gia Hoàng liên, Hoạt thạch để thanh thấp nhiệt, lại dùng cả Nhân sâm để cổ vũ Vị khí, đồng thời lại giúp các vị kia có đủ sức để sơ thông: lại dùng cái vị cay của nước gừng làm tá để mở đường lối và ngăn chứng nôn. Thật là một toán quân có kỷ luật, đã đánh là thắng. Vậy mà còn e sức thuốc chưa đầy đủ, cách 3 ngày lại dùng 2 thứ thuốc hoàn để hạ, xông thẳng vào sào huyệt của địch để trừ gốc bệnh.. Thật là tinh tế và khôn khéo.
PHỤ CHÚ:
(1) Thần hựu hoàn: Cam toại, Nguyên hoa, Đại kích mỗi vị 1 lạng (đều tẩm dấm sao); Đại hoàng 2 lạng; Hắc sửu giã lấy lượt bột đầu (bỏ lõi) 4 lạng; Khinh phấn 1 đ.c. Các vị cùng tán bột, luộc Đại tảo nghiền làm hồ, luyện với bột thuốc, viên bằng hạt đậu xanh. Bài này của Lưu Hà Gian, chủ trị về bệnh thấp, bụng đầy và trướng, suyễn, thấu, lâm, bế; thủy khí phù thũng; lưu ẩm đình tích, khí huyết úng trệ, da mình tê đau, đau nhức chạy khắp mình; chứng "ngược lỵ" mới phát hoặc đã lâu; đàn bà kinh bệnh và đái hạ... Thường uống có tác dụng thông khí huyết, tiêu các chất uống ăn. Lúc bắt đầu, uống 4, 5 viên, tiêu bằng nước nóng, mỗi ngày uống 3 lần, sau tăng dần lên, khi nào hạ lợi thì thôi. Muốn hạ trùng độc (cổ) gia Vu di 5 đ.c., cho trẻ em uống, viên nhỏ bằng hạt vừng, tùy theo thể chất mạnh yếu mà cho uống nhiều ít. Bài này dựa theo bài Thập táo thang của Trọng Cảnh, thêm 3 vị Đại hoàng, Hắc sửu, Khinh phấn, lực lượng mạnh hơn bài Thập táo nhiều. Nhưng đem làm hoàn thì hơi chậm, tuy “có oai mà không dữ tợn", rất công hiệu.
(2) Thần bí Trầm hương hoàn, tức Mông thạch cổn đờm hoàn: Thanh mông thạch "chế" 1 lạng; Trầm hương 5 đ.c., Đại hoàng (tẩm rượu), Hoàng cầm mỗi vị 8 lạng. Các vị cùng tán bột, phun nước làm hoàn. Tùy bệnh nhân hư thực, cho uống nhiều ít. Tiêu bằng nước gừng. Bài này của Vương Ẩn Quân. Chủ trị thực nhiệt lão đờm, các bệnh quái lạ (phong mộc thái quá, khắc chế Tỳ thổ, khí không vận hóa, tích trệ sinh đờm; nghẽn tắc Thượng tiêu và Trung tiêu, lẩn quất vào những chỗ gấp khúc ở Trường Vị, gọi là "lão đờm", nó biến sinh các bệnh lạ lùng, không thể lường trước).
Vương Ẩn Quân nổi: các sách xưa nay, chưa sách nào nói rõ đến chứng hậu của đờm... Tuy có cái danh hiệu là "ngũ ẩm, chư ẩm"... nhưng cũng không nêu rõ cái nguồn gốc của nó tự đâu mà ra. Các chứng trạng biểu hiện như: choáng đầu, chóng mặt, mắt hoa tai ù; hoặc mí mắt và môi tự nhiên mấp máy; đầu lông mày, quanh vành tai đau ngứa, hoặc tay chân sưng rắn, như đau mà không thật đau; hoặc răng mép sưng đau và ngứa; hoặc ợ hơi nuốt chua, trong tâm nôn nao, hoặc
đau, hoặc oẹ; hoặc trong họng vướng mắc, nuốt không vào, khạc không ra; đờm nhổ ra đen như mực, hoặc như miếng bông nát, như ruột hến; hoặc dưới tâm lạnh ngắt như ướp nước đá, tâm khí lạnh và đau; hoặc mơ mộng quái gở; hoặc khuỷu chân mỏi nhức, các khớp xương sống đều đau, mà không nhất định ở một chỗ nào: hoặc cánh tay tê đau như bị phong thấp; hoặc dọc đường xương sống có một luồng giá lạnh; hoặc khắp mình nhấm nhói như nằm lên đống gai; hoặc mát khô rít và ngứa, miệng lở lưỡi nát họng đau; hoặc nổi hạch xung quanh cổ như tràng nhạc; hoặc phía dưới ngực, phía trên trên bụng như có 2 luồng khí quấn quít, thở nuốt khó chịu; hoặc như có ngọn lửa từ dưới bốc lên, đầu và mặt nóng bừng; hoặc như mất trí điên giản; hoặc như trúng phong nan hoán; hoặc lao sái triền miên; hoặc phong độc cước khí; hoặc trong tâm hồi hộp như sắp bị bắt; hoặc ho suyễn nôn mửa; hoặc mửa ra giãi lạnh và nước sắc xanh hoặc đen; nặng hơn thì thành Phế ung trường độc, ỉa ra mủ, chân bị trệt... Các chứng trạng rất nhiều, nói không kể xiết, mà đều do đờm gây nên cả. Bởi tân dịch sau khi đọng lại thành đờm, không còn thấm nhuần tam tiêu, nên mới miệng ráo họng khô, đại tiện bí kết, mặt như xương khô, lông tóc bơ phờ. Đàn bà thì do đó mà kinh nguyệt không thông... Nếu dồn bỏ được chất lão đờm đó, uống thuốc vào mới có công hiệu. Tôi xét: bài này chủ yếu là chữa về các kinh Thủ, Túc Thái âm và Dương minh. Mông thạch tính chất mạnh tợn, có năng lực dồn bỏ những thứ đờm ứ đọng lâu ngày; Đại hoàng tả nhiệt, trừ chất thực, để mở đường lối đi xuống; Hoàng cầm tả Phế mát Tâm, để dẹp cái hỏa bốc lên. Trầm hương có tác dụng thăng giáng các loại khí, từ trên đến dưới, dùng làm sứ... Nhưng là một bài thuốc mạnh, nếu không phải người còn khỏe, không nên dùng.
Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ