Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA MẠN TỲ PHONG

02/04/2021

ĐIỀU 174. KINH NGHIỆM CHỮA MẠN TỲ PHONG 

Tôi làm thuốc đã hơn 50 năm, gặp những loại bệnh khó không ít. Mỗi khi gặp một bệnh khó, không những không rụt rè mà còn phấn khởi, vì có khó mới có dịp để nghiên cứu suy xét, mặc dầu có phải chật vật lo lắng, mất ăn mất ngủ, nhưng đến khi đạt được kết quả thì cái niềm vui sướng, thật vô bờ. Tôi thường ví như gặp nước cờ bí, mà đến khi gỡ được chuyển bại thành thắng thì dù là kể bàng quan cũng phải vỗ tay. Riêng đối với Nhi khoa có phần e ngại, vì sức lực của trẻ con còn non nớt, một khi bị phải chứng hậu nghiêm trọng, dù mình có muốn nghiên cứu, nhưng khốn nỗi, khi nghiên cứu được ra manh mối thì em bé đã không còn. Tuy nhiên, ngại thì ngại, mà một khi gặp trường hợp được chữa, vẫn không thể từ chối. Hồi tháng 7 năm 1963 một người từ quê tôi ở Sơn Tây đến xin đơn thuốc cho con. Ông ta nói: cháu bị chứng Mạn Tỳ đã lâu, đã uống khá nhiều thuốc bổ Tỳ và tiêu đờm, trục phong đều vô hiệu. Hiện giờ đờm giãi nghẽn lên nhiều, ho luôn miệng, mình sốt nóng, tay chân co giật, tự ra mồ hôi, chỉ nằm lìm lịm, nhắm không kín mắt, có lúc lại giơ tay bắt chuồn chuồn nói rồi, đưa ra 4, 5 lá đơn của các lương y trước cho tôi xem, và khẩn khoản xin đơn khác. Tôi nói, bệnh này là do phong tự trong sinh ra, có phải ngoại phong đâu mà trục? Còn như đờm cũng là do hư mà có, cũng không cần phải tiêu. Theo ý tôi thì chỉ bổ Tỳ thổ, thác tạp chứng có thể tiêu trừ được hết. Nhưng cần cứ vào các chứng ông kể, tôi e còn thiếu, tất còn phải thêm mấy điểm nữa, như: sắc mặt trắng nhợt, lòng đen mắt to thêm ra, lưỡi tất phải nhớt, và trắng; cổ tất phải mềm mà đầu thường cúi gục. Có nhận thấy thế không?. Ông ta gật đầu lia lịa nói: đúng có như thế, mà vừa rồi tôi quên không kể. Nhưng nghe các lương y đều nói là bệnh của cháu hư lắm rồi, các ông ấy đều dùng thuốc bổ hư, chẳng hay sao vẫn không khỏi? Tôi nói: các chứng của cháu đều thuộc hàn, mà bài thuốc của các ông chỉ bổ hư. Nếu "thiên trụ chưa đổ" - (tức là chứng cúi gục đầu) còn có công hiệu đôi chút, nhưng tất cũng phải giảm bỏ những vị trục phong tiêu đờm. Đến giờ thì cổ đã mềm, đầu đã gục, tức là "thiên trụ đã đổ" đã hư lại càng hư, rõ ràng lắm rồi. Bệnh này nếu không dùng Bào khương, Nhục quế, thì không sao vãn hồi được tình trạng dương đã đi, và khí gần tuyệt. Nói rồi, tôi liền kê bài Sâm Phụ dưỡng dinh thang, bảo mang về cắt 3 thang cho uống làm 3 ngày. Hết 3 ngày, bệnh tình chuyển biến thế nào, lại báo cho biết. Tôi lại dặn thêm, đem về đến cắt ở các lương y kinh tiêu, nếu các ông ấy thấy trong đơn có Khương Quế mà nói là "trẻ bé vô dương”, và "dương không có phép bổ" thì đừng nghe. Quả nhiên khi ông ta về, mang đơn đi cắt thuốc, mấy lương y đều nhao nhao bàn tán, không muốn cắt; có ông lại nói: cụ Tử Siêu mà lại cắt thuốc ẩu đến thế à! Tuy vậy ông ta cũng cứ đòi cắt đúng theo đơn. Uống hết 3 thang các chứng hậu hoàn toàn khỏi hẳn. Lại phóng xe đạp ra báo tin cho tôi biết. Tôi liền kê cho một đơn dùng bài Ngũ vị dĩ công tán gia gừng nướng, Bạch thược (sao) để bồi bổ thêm. 

Đây là một bệnh chỉ căn cứ vào vấn, còn vọng, văn và thiết đều không thực hiện được, vậy mà kết quả, tôi không dám khoe mẽ gì, mà chỉ xem như trường hợp "Mù giời bắt két” 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990