Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA THỔ HUYẾT

13/03/2021

ĐIỀU 151. KINH NGHIỆM CHỮA THỔ HUYẾT (I) 

Về môn thổ huyết, ở trong các y thư, có sách dùng loại thuốc khổ hàn, lại có sách khuyên không nên dùng khổ hàn. Xem trị án của Cố Hiểu Lan sau đây, ta có thể nắm được điểm mấu chốt của phương pháp đó. 

"Người đàn bà họ Từ, bị thổ huyết ra hàng chậu, 2, 3 ngày không cầm được. Mắt nhắm, tinh thần mê man, mặt đỏ, tay chân rã rời, hơi thở to, không nằm được, coi tình thế rất nguy, chẩn vào mạch: bên tả Trầm, bên hữu Hồng, nhưng trọng án còn hơi có căn. Đó là uất hỏa nung nấu vào Phế Vị đã lâu, lại gặp thời tiết nóng nực ở bên ngoài chèn ép vào, làm thương dương lạc, đến nỗi huyết ra mãi không ngừng. Xem các bài thuốc của lương y trước cho uống đều là khổ hàn, nên hễ uống vào miệng thì thổ ra ngay, không những vô ích mà lại càng thêm mệt. Liền theo ý bài Bát trấp ẩm, mượn khí vị cam hàn có thể vào Vị để dịu khí nhiệt ở bộ phận trên, khi huyết đã cầm được, sẽ tính đến việc trị bản. Dùng nước mía, nước ngó sen, nước rễ cỏ lau, mỗi thứ một chén nhỏ; nước Bạch qủa 2 thìa, nước củ cải nửa chén nhỏ, nước lê một chén nhỏ, nước dưa hấu một chén nhỏ (thứ này để riêng hòa sống), nước lá sen tươi 3 thìa. 7 thứ nước trên hòa làm một, đun cách thủy cho chín, rồi hòa nước dưa hấu vào, quấy đều, đổ cho uống dần dần đến hết. Đêm hôm ấy ngủ yên, huyết không thổ nữa, tinh thần tỉnh táo. Duy có mỏi mệt, biếng nói, nằm lim lịm như người ngủ. Mạch tuy hơi bình, nhưng vẫn Hồng Đại vô lực. Đó là do mất huyết quá nhiều, đã có tình trạng biến thành "hư thoát". Nhân nghĩ Nội kinh có câu: "Huyết thoát thì nên ích khí", liền theo nguyên tắc đó, dùng: Nhân sâm 0,7đ.c (hòa Thu thạch với nước lã tẩm Sâm, sao khô), Hoàng Kỳ 0,7đ.c (tẩm nước Hoàng cầm cho ướt, rồi nướng cháy đen), Đương quy 1đ.c (sao đen), Hoài sơn 1,5đ.c, Phục linh (bỏ vỏ) 3đ.c, Mạch môn (bỏ ruột) 1,5đ.c; Ngũ vị 7 hạt, khi sắc được thuốc, hòa thêm nước mía, nước ngó sen, nước lê cho uống từng chén nhỏ, liên tiếp. Theo phương pháp đó uống luôn ba thang, ăn được, tinh thần tỉnh táo, rồi khỏi. Môn nhân hỏi: "Về chứng thổ huyết, các sách đều dùng loại thuốc khổ hàn để điều trị, giờ tiên sinh lại chuyên dùng loại thuốc cam hàn mà khỏi bệnh là vì sao? Hiểu Lan đáp:" Đan Khê có câu: "hư hỏa thì nên bổ"; người phụ nữ này góa bụa lâu năm, lo nghĩ uất tích, Tâm Tỳ bị thương đã nhiều, lại bị thử thiệt nung nấu ở bên ngoài, vị huyết tràn lên, hễ gặp khổ hàn vào miệng thì thổ ngay, đủ chứng tỏ là hư hỏa rồi, cho nên dùng loại thuốc cam hàn mới cầm được. Nếu quả là thực nhiệt dồn lên, thì Trọng Cảnh đã có phương pháp dùng Đại hoàng; hoặc huyết thoát cần phải ích khí, thì Đông Viên đã có phương pháp dùng Độc sâm thang. Không thể cố chấp được". 

Xem thuyết của họ Cố trên thì biết rằng: chứng thổ huyết do thực hỏa, vốn có thể dùng loại thuốc khổ hàn; nhưng ngoài chứng do thực hỏa ra, thì hoàn toàn không thể dùng khổ hàn. Người đời nay bị thổ huyết, đại đa số là do hư, vậy mà y giả nhất thiết dùng khổ hàn để điều trị, trách nào kết quả mười không được một. 

ĐIỀU 152. KINH NGHIỆM CHỮA THỔ HUYẾT (II) 

Phạm Văn Hổ là một đanh y cuối đời Mãn Thanh, đối với bệnh thổ huyết vô luận là thổ ra huyết hay ho ra huyết, đều quen dùng hai bài: 

1. Phụ tử lý trung thang: Phụ tử (chế) từ 1 - 3đ.c, Đảng sâm 3đ.c, Bạch truật (sao) 3đ.c, Khương thán từ 1 đến 3đ.c, Chích thảo từ 1 - 3đ.c. 

2. Sinh thục địa phương: Đại sinh địa từ 5 - 10đ.c., Đại thục địa từ 5 - 20đ.c, Tam thất từ 1,5 - 3đ.c, Đan bì 3đ.c, Kinh giới thán 1,5đ.c, Đan bì 3đ.c. 

Phàm người thổ huyết không ngừng, sắc mặt xanh nhợt, mạch Trì và Nhược, dùng bài Phụ tử lý trung ôn trung để cầm huyết. 

Nếu bỗng dưng thổ ộc ra huyết, sắc huyết đỏ tươi, mạch Hư Sác, thì dùng bài Sinh thục địa tư âm để bổ huyết. Phạm thị nói: "Bệnh thổ huyết thuộc âm hư dương thịnh vốn có nhiều mà 

thuộc dương hư hiệp hàn cũng không ít." Nhân dựa vào thuyết cổ như: "Trung tiêu tiếp thụ khí và hút lấy chất nước, biến hóa ra sắc đỏ thành huyết" và "dương hư âm tất phải chạy." mà nhận ra là "Ôn bổ trung tiêu" và "tư âm sinh huyết" là hai phương pháp căn bản chữa bệnh thổ huyết. Phạm thị lại nói: "Uống thuốc hàn lương để cầm huyết, huyết gặp hàn lương sẽ tự đọng lại, huyết dù có cầm được cũng chỉ là tạm thời; huyết tụ mà không trôi chảy, sẽ có lúc tràn lan đi càn, cho nên bệnh dự khỏi mà thường lại tái phát. Huyết gặp ấm thì lưu hành dễ dàng, lưu hành dễ dàng thì cứ nói theo đường kinh mà đi, không còn lo gì tràn ra ngoài nữa. Vì vậy sau khi bệnh đã khỏi thì khỏi hẳn không còn lo tái phát nữa. Xem thuyết của họ Phạm vừa dẫn trên, hợp tham với thuyết của Cảnh Nhạc, trong Cảnh nhạc toàn thư quyển thứ 30, án về chữa bệnh thổ huyết của họ Nghê. Cảnh Nhạc nói: "Chứng này do lao quyện làm thương Tỳ, khí dương của Tỳ Vị bị hư, khí không có gì giữ gìn, nên mới động huyết, nếu lại dùng thuốc hàn lương, Tỳ tất hại mà chết.". Bài thuốc của Cảnh Nhạc dùng: Phụ tử, Nhân sâm, Bào khương, Bạch truật, Cam thảo làm một thang, sắc uống mà khỏi. Như vậy thì thổ huyết dùng Phụ tử cũng không phải là một việc lạ. Chỉ cốt khi lâm sàng biện chứng cho tinh, thì dù Sinh địa, dù Phụ tử cũng đều là linh đan cả, có hề chi. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990