Logo Website

LẠI BÀN VỀ CHÂM CỨU

09/01/2021

ĐIỀU 81. LẠI BÀN VỀ CHÂM CỨU (I) 

Từ năm 1960 đến nay (1964), khoa châm cứu ở nước ta phát triển khá rộng. Song khá tiếc chỉ có rộng mà không có sâu, nên ảnh hưởng tới giá trị của khoa châm cứu cũng không phải ít. Đó là một điểm đáng tiếc. Tôi thiết nghĩ, châm cứu tuy chỉ là một phương pháp ngoại trị, nhưng nếu không nắm vững được lý luận cơ bản của Đông y và không sử dụng được bát cương, bát pháp trong nguyên tắc trị liệu, cũng không sao thu được kết quả tốt. Nhất là vấn đề thủ thuật, lại càng phải rèn luyện tốn công phu, chứ không phải chỉ cầm châm, châm được đúng vào huyệt, rồi lay lay mấy cái, hoặc rút châm ra ngay, hoặc lưu châm mươi lăm phút, đã là đủ. Chủ yếu của thủ thuật là "bổ" với "tả”. Dùng thủ thuật, nếu không đúng, sẽ đưa đến tình trạng: đáng lẽ có bổ mà lại hóa ra tả, đáng lẽ tả mà lại hóa ra bổ, phạm vào lỗi "hư hư thực thực" chữa nhả hóa mù".

- Tôi thường thấy có người chữa cho một bệnh nhân bị chứng "mất ngủ" do Tâm hư thần không ổn định, châm huyệt Thần môn để định chí, an thần, đáng lẽ phải dùng thủ thuật bổ, đàng này lại tả, không những không thu được kết quả, bệnh tình lại thêm trầm trọng. 

- Tôi lại thấy có người chữa một bệnh nhân bị chứng "thấp nhiệt úng trệ, Vị quản bị trướng....” đáng lẽ phải tả Túc Tam lý, đồng thời tả cả Hợp cốc để dồn bỏ các chất "đục" và nghịch khí xuống, thì Trung cung nới rộng, mà chứng trướng và khó chịu ở Vị quản sẽ tiêu...đằng này lại bổ cả Túc Tam lý và Hợp cốc, làm cho chứng bĩ trướng ngày càng nặng. Gặp những trường hợp như vậy, ta có nên trách khoa châm cứu là không công hiệu chăng? 

ĐIỀU 82. LẠI BÀN VỀ CHÂM CỨU (II)

Về thủ thuật bổ tả của khoa châm cứu, căn cứ vào các sách cổ, như Châm cứu đại thành của Dương Kế Châu (bộ này tôi đã dịch từ năm 1958, sơ cảo lưu tại Viện Nghiên cứu Đông y) và Tiêu u phú, Thông huyền chỉ yếu phú, Hành châm chỉ yếu ca (những tài liệu này tôi đều đã dịch thành văn vần) v.v... có tới hơn 30 loại..Dưới đây tôi chọn ra 14 phép giản đơn để đồng nghiệm tham khảo. 

A. Thủ thuật bổ: 

1. Khinh (nhẹ): lúc tiến hành châm nhẹ nhàng, chỉ hơi thích kích. Dùng thủ thuật này, một mặt để cho bệnh nhân đỡ đau; mặt khác, chỉ hơi có phản ứng. Thích hợp với những bệnh nhân hư yếu. 

2. Hoãn (chậm): tiến châm thong thả, rút châm thong thả
3. Đè (nhấc): Sau khi đã châm đúng huyệt, và đúng vời phân thốn đã ấn định, thỉnh thoảng 

nhắc (rút) châm lên một chút (chừng 1 phân), lại ấn xuống như cũ. 

4. Hô (hơi thở ra): Theo đúng lúc bệnh nhân thở hơi ra thì tiến châm vào, chờ lúc bệnh nhân hít hơi vào thì rút châm ra... Như vậy là bổ. 

5. Thiền (nông): châm vào nông, chỉ 1 phân đến 2 phân là cùng. Đối với người gầy, người hư yếu và về 2 mùa Xuân Hạ... dùng phép này là bổ. 

6. Tế (nhỏ): dùng loại châm nhỏ (tiểu hào châm) để châm vào xoay chuyển là bổ. 

7. Tùy (theo): Lúc tiến châm, mũi châm xuôi theo đường kinh là bổ. Một cách khác khi đã châm đúng huyệt rồi, xoay chuyển mũi châm theo đường kinh là bổ. Thí dụ: châm 3 dương kinh thuộc thủ, dùng ngón tay cái đưa ra phía trước, ngón tay trỏ lùi về phía sau để xoay chậm, là bổ. 

B. Thủ thuật tả: 

1. Trọng (nặng tay): lúc tiến châm hơi mạnh, thích kích mạnh, do đó phản ứng cũng mạnh. Phép này thích hợp với bệnh nhân sức khỏe và bệnh thực. 

2. Cấp (nhanh): tiến châm nhanh, rút châm nhanh, phép này thích hợp với loại bệnh cấp tính. 

3. Sáp (cắm): sau khi tiến châm đã đúng với phân thổn ấn định, thì cứ cắm như vậy, không nhắc châm lên nữa. 

4. Hấp (hít hơi vào): chờ lúc bệnh nhân hít hơi vào thì tiến châm, lại chờ lúc bệnh nhân thở hơi ra thì rút châm. Phương pháp châm theo "thở hít” này thích hợp với những huyệt ở lớp thịt nông mỏng, như huyệt Đầu duy v.v. 

5. Thâm (sâu): tiến châm sâu, từ 3, 4 phân đến 6, 7 phân, có khi tới 1 tấc. Phép này thích hợp với những bệnh nhân béo mập và về hai mùa Thu, Đông... dùng phép này là tả. 

6. Thô (châm lớn): Tiến mũi kim, đón ngược đường đi của kinh là tả. Một phép khác: sau khi đã châm đúng huyệt, xoay chuyển mũi châm ngược lại đường kinh để tả. Thí dụ: châm 3 kinh dương thuộc thủ, cho ngón tay cái lùi về phía sau ngón tay trỏ tiến lên phía trước để xoay châm là tả. 

Các phép trên, có thể dùng cả 2, 3 phép một lúc cũng được, nhưng cần phải chú ý: đã dùng huyệt nào bổ thì chuyên bổ, huyệt nào tả thì chuyên tả, không nên vừa bổ vừa tả cùng một lúc, cùng một huyệt. Sau khi đã thông thạo được 14 phép trên, sẽ dần dần luyện tập thêm các thủ thuật khác như: Thiêu sơn hỏa, Thấu thiên lương, Thanh long bãi vĩ, Bạch hổ giao đầu v.v... lo gì không "rút châm bệnh khỏi”. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VI: KINH LẠC VÀ CHÂM CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990