NHẬN THỨC VỀ CHỨNG KHÁI THẤU
ĐIỀU 165. NHẬN THỨC VỀ CHỨNG KHÁI THẤU (I)
Phàm chứng khái thấu, thuộc về hỏa tới 7, 8 phần 10, thuộc về hàn cũng 5, 6 phần 10; thuộc về hư chỉ 1, 2 phần 10. Người xưa chữa khái thấu thông dụng bài Ma Hạnh Thạch cam thang. Người đời nay sợ Ma hoàng Thạch cao như thuốc độc. Gián hoặc có người cũng dùng, nhưng Ma hoàng chỉ dùng tới 4, 5 phân, Thạch cao cũng chỉ 1, 2 đ. c, bệnh nặng uống nhẹ, nên không chút công hiệu, tôi kinh nghiệm 40, 50 năm nay, chữa bệnh khái thấu có tới hàng ngàn. Người ta chỉ biết Ma hoàng phát hãn, mà không biết Ma hoàng cùng dùng với Tang bì, Huyền sâm, không bao giờ phát hãn. Người ta chỉ biết Thạch cao làm lạnh Vị mà không biết Thạch cao cũng dùng với Ý dĩ, Bán hạ không khi nào lạnh Vị. Đôi khi tôi gặp bệnh khái thấu nếu có hàn có hỏa, thì Ma hoàng ít nhất cũng phải dùng tới 1-3 đ. c, Thạch cao ít nhất cũng phải dùng tới 4-5 đ. c, bệnh khái thấu sẽ giảm ngay, mà không ra một giọt mồ hôi mà tân dịch sinh ra và uống ăn gấp bội. Nhân nghĩ: về bệnh khái thấu Nội kinh tuy có nói: "Năm tạng sáu phủ đều đủ làm cho sinh bệnh khái." Chẳng qua chỉ là phân tích rõ hình tượng bệnh khái của các tạng phủ, mà trọng tâm trọng điểm thì vẫn ở Phế. Phế chủ bì mao, bì mao là hợp của Phế. Bì mao cảm nhiễm phải tà khí, do đó mới sinh ra khái. Tà khí do bì mao mà vào lại phải theo bì mao mà ra, và chữa chứng khái, nếu không dùng Ma hoàng để tuyên thông tấu lý dồn tan Phế tà, thì bệnh khỏi sao được? Vị quản với Phế quản cùng ở phía dưới hầu (họng), thức ăn chứa đựng trong Vị, uất mà thành nhiệt; phong tà lọt vào Phế tạng, tụ ở đó thành bệnh tà; cái "thực tà" ở trong Vị, cùng với cái phong tà vô hình từ ngoài cảm nhiễm, cùng nhau kết hợp, Phế và Vị đều bị thương, chỉ có thể dồn cho nó đi ra, không nên dẫn cho nó lọt vào. Do đó, bài Ma Hạnh Thạch Cam thang mới có tác dụng sở trường về chữa chứng đó. Ma hoàng bài tiết Phế tà, Hạnh nhân dẹp yên Phế khí, Thạch cao thanh Vị nhiệt, Cam thảo hòa Vị khí, cùng hợp làm một bài, công hiệu rất chóng. Nếu người già ho lâu ngày, lúc ho lúc toát mồ hôi, đổi Ma hoàng làm Ma hoàng căn. Tôi chữa khỏi rất nhiều. Những người khái thấu lâu, hỏa nhiệt tất nặng, nên ở trong bài Ma Hạnh Thạch Cam thang gia thêm Huyền sâm, để thu liễm thứ hỏa "phù du", đồng thời khống chế Ma hoàng, không để cho làm ra mồ hôi. Nếu bệnh nhân "yết táo hầu khô”, nhận xét: nếu là do Tâm kinh có nhiệt, thì gia Sinh địa, Mạch môn; do Phế kinh có nhiệt, thì gia Chi tử, Bạch thược; do Tỳ kinh có nhiệt, thì gia Hoa phấn, Cát cánh; do Thận kinh có nhiệt, thì gia Hoàng Bá, Đơn bì; đờm giãi đặc dính là nhiệt đờm, gia Hoa phấn, Hoàng Cầm, Thổ bối; đờm giãi lạnh và trong là hàn đờm, gia Bán hạ, Bạch giới, Tô tử v.v... Chứng khái tôi nói trên, chỉ ở trong phạm vi do ngoại cảm, chủ yếu là nhiễm phải phong hàn, cùng những diễn biến hợp tình của nó. Còn như các chứng cửu khái, can khái, lao khái, hư khái mà trong đờm có lẫn huyết v.v... không được dùng bài Ma Hạnh Thạch Cam thang.
ĐIỀU 166. NHẬN THỨC VỀ KHÁI THẤU (II)
Ông Nguyễn Đình quán làng Tân Phong, Quảng Oai, Sơn Tây, ngoài 60 tuổi, vì con chết, kêu khóc nhiều đến nỗi táng khí, phát sinh chứng khái thấu khí suyễn. Các lương y gần đó, nhận lầm là hàn, dùng các vị Ma hoàng, Khương hoạt v.v... để phát tán, không khỏi; lại dùng Tô tử, Hậu phác để giáng khí, do đó, Phế khí đã bị thương lại bị thương thêm; Tân dịch do biểu dược làm cho tiêu hao. Chỉ trong vòng một tháng mà trong miệng khô ráo như lau, đại trường cũng tùy theo khái mà thoát ra (tức là lòi rom), dùng khá nhiều thuốc mà cũng không co lên được. Khi mời tôi tới chẩn, thấy mạch ở 6 bộ đều Tật, nhất là Phế bộ. Tôi nói: đây chỉ là cái hiện tượng Phế bị khô ráo quá, dễ chữa thôi. Một lương y ở gần đấy nghe tin tôi đến chữa, cũng đến chào tôi và xem tôi chẩn trị. Hỏi tôi: mấy ngày gần đây, đại trường càng ngày thoát ra nhiều không cách nào làm cho co lên được, đó là vì sao? Tôi đáp: đó là do bệnh Phế không khỏi, mà đi xuống Đại trường. Ông này, vì con chết, khóc quá thương đến khí, các lương y trước dùng các vị giáng khí, hóa khí để chữa, làm cho Phế khí lại càng thương thêm, nên mới phát hiện chứng trạng như vậy. Nên biết rằng: Phế ở trong con người là một kiều tạng, giữ gìn hết sức, còn e hao tổn, lại có thể công phạt liều sao được, Phế không thể chịu đựng được khô, nên mới đi xuống Đại trường. Đó là nguyên nhân của chứng thoát giang. Các chất tân dịch ở trong thân thể, bị dồn ra thành mồ hôi, vì phát hãn quá nhiều, kiệt hết tân dịch nên trong miệng mới khô ráo như lau. Bây giờ muốn chữa bệnh này, chỉ có một phương pháp là "sinh tân bảo Phế”. Tôi liền kê đơn: Mạch đông (bỏ ruột, sao) 8 đ. c, Thiên đông (bỏ ruột, sao) 8đ.c, dùng 2 vị đó chủ yếu là cho sinh tân được nhanh chóng, Sinh địa 5đ.c, Bạch thược 5đ.c, dùng 2 vị đó chủ yếu là làm cho thấm nhuần "hóa nguyên" để dẹp yên Can nghịch; lại dùng Hoàng cầm 3đ.c, để thanh Phế nhiệt; Thăng ma 1đ.c để thăng Phế khí; Cam thảo 2đ.c, để điều hòa Trung châu, vì ông ta tuổi đã già nên dùng Sa sâm 1 lạng (không có Sa sâm dùng Sâm bố chính 3 lạng) để bổ khí. Uống hết một thang, nước miếng đã thừa, hết thang thứ hai khỏi ho; thang thứ ba, vị Thăng ma trước 1đ.c, giờ thêm lên 1,5đ.c, Uống hết, chứng thoát giang cũng khỏi hẳn.
Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ