Logo Website

NHẬN THỨC VỀ ÔN BỆNH

10/12/2020

ĐIỀU 42. NHẬN THỨC VỀ ÔN BỆNH 

Trong Ngoại cảm thông trị của Lãn ông có câu nói: "ở nước ta không có cái tên Thương hàn và bệnh ôn nhiệt..." và "Thương hàn chỉ là cảm hàn... không có chứng Thương hàn phải dùng bài Ma Quế như ở phương Bắc" v.v... Về điểm này tôi rất đồng ý. Riêng về điểm nói không có "ôn nhiệt" thì không ổn lấm. Nước ta ở về ôn nhiệt đới, người bị ôn bệnh chiếm tới ba phần tư trong loại ngoại cảm, sao lại bảo là không có. Nếu cho là thể chất con người ở nước ta mềm yếu tấu lý thưa rỗng, rất dễ cảm nhiễm ngoại tà, nhưng cảm vào dễ thì bài tiết ra cũng dễ... Nên chỉ có thể nói là: không có phục khí ôn bệnh... (tức là một loại bệnh do bệnh tà đã ẩn phục từ năm trước, đến năm sau mới phát). Như trong Tố Vấn nói: "Đông thương vu hàn xuân tật bệnh ôn". Theo kinh nghiệm của tôi thì những chứng hậu như "khái thấu, tự hãn" thuộc loại phong ôn: "Thần hôn, Thiềm ngữ" thuộc loại nhiệt bệnh, và ỉa lỏng ra những chất lầy nhầy"... đều là những hiện chứng của Thủ Thái âm Phế, Thủ Quyết âm Tâm bào và Thủ Dương minh Đại trường... cho tới cả các chứng "họng sưng, tay chân co rút, mê man như người say rượu, vật vã không yên, răng se, lưỡi ráo, phát ban, phát di" (sưng quai hàm) v.v... cũng đều rất nhiều trường hợp biểu hiện; và đều nằm trong phạm vi ôn bệnh cả, vậy mà bảo nước ta không có ôn bệnh được sao. Cho nên tôi nói: "ở nước Nam ta không có bệnh Thương hàn" và "không có ôn bệnh v.v..." đều chưa thỏa đáng. Mà trong Ngoại cảm thông trị không đặt thêm một môn về ôn bệnh cũng là một điểm thiếu sót. Vì ở nước ta chính là một khu vực rất dễ phát sinh ôn bệnh, cũng như các loại thấp ôn, ôn ngược, phong ôn v.v... 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH -TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990