Logo Website

NHẬN XÉT VỀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LỴ

21/03/2021

ĐIỀU 159. NHẬN XÉT VỀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LỴ 

Chữa chứng kiết lỵ (Đông y gọi là Trệ hạ) với chứng ỉa chảy (Đông y gọi là Hoạt tiết) không ngừng, khác nhau rất xa. Ỉa chảy không ngừng có thể làm cho "rít" (sáp) lại, cho tiện người xưa đôi khi dùng các vị như Túc xác, Kha tử để rít lại, khỏi cứ tuồn tuột chảy ra mãi. Còn như kiết lỵ, vốn do thấp nhiệt bị ứ, trệ không dồn đi được, cần phải dùng thứ thuốc làm cho khơi thông, rất kỵ vít lấp. Đại trường là phủ của Phế. Đại trường đã bị thấp nhiệt ứ trệ, thì Phế tất cũng phải có nhiệt. Nội kinh nói: "Tỳ khí đưa những chất tinh vi, dồn lên Phế; thông điều đường dẫn nước dồn xuống Bàng quang". Xem đó, nhận thấy Phế khí ưa được thông lợi, ghét bị vít lấp. Cho nên trong dược tính của người xưa, thường hay nói đến "lợi Phế khí", đủ nhận thấy tầm quan trọng đó. Nếu lỡ dùng Túc xác, Kha tử, khiến thấp nhiệt không bài tiết ra được, đồng thời Phế khí cũng không dẫn được xuống bộ phận dưới, không những càng thêm ứ trệ (kiết lỵ, lý cấp hậu trọng), mà khí thấp nhiệt hun bốc lên Phế. Các chứng bụng trướng, khí nghịch, mất ngủ, biếng ăn,. đều thừa cơ-phát sinh, bệnh nhẹ hóa nặng, lỗi đó tại ai? 

Tôi chữa chứng kiết lỵ, sau khi đã nhận rõ là thấp nhiệt ứ trệ, thường dùng Đại hoàng làm chủ, mỗi khi dùng tới 7, 8đ.c chỉ uống một nước, đái ra rất nhiều và sắc vàng như nghệ. Bệnh tức thời giảm đi 7, 8 phân 10. Cách chừng 4, 5 tiếng đồng hồ, lại uống một nước nữa là khỏi, ít khi phải uống tới hai thang. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990