Logo Website

PHÂN TÍCH BỆNH ÁN CỦA MẬU HI ĐÌNH

05/03/2021

ĐIỀU 142. PHÂN TÍCH BỆNH ÁN CỦA MẬU HI ĐÌNH 

Thục đô Mậu Đình Thị chữa bệnh yết hầu sưng đau (tức là "hầu tý"), một giọt nước cũng không nuốt vào được, vô luận là hư là thực, đều dùng một chén đồng tiện đun nóng, đổ cho uống, dù chứng hậu nặng đến đâu cũng nuốt được ngay rồi mới cho uống các loại thuốc khác. Mậu Đình nói: đồng tiện là một loại thuốc về trọc âm, dùng nó để làm cho giáng khí trọc âm xuống, do quy luật "đồng khí tương cầu” nên dù cổ bị nghẽn đến đâu cũng nuốt được ngay. Mậu Đình cho phương pháp đó cực kỳ hiệu nghiệm, nên ghi ra đây để góp vào chuyên khoa yết hầu một y án chữa yết hầu của Mậu Đình để làm chứng: 

"Lưu Lan Đình khi đóng quân tại Lôi thành bỗng bị bệnh yết hầu sưng đau, ngày nhẹ đêm nặng, một giọt nước cũng không nuốt được. Viên Thông Thú ở Lôi Ba vốn có tiếng là hay thuốc, chẩn trị vài ngày, chuyên dùng các loại thuốc thanh nhiệt, khu phong, bệnh thế càng nặng thêm. Khi mời tôi tới chẩn, 6 bộ mạch đều Trầm Tế như sợi tơ, miệng tuy khát mà không ưa uống nước, tiểu tiện trong trắng như thường... Rõ ràng là một chứng Thận thủy hư kiệt, nguyên dương ở trong Thận không yên được ở bộ phận dưới. Bởi không có thủy để dưỡng hỏa, hỏa sẽ bốc lên, xông lên yết hầu, yết hầu là một bộ phận chật hẹp không thể để cho hỏa khí được tự do ra vào, nên gây thành sưng đau, tuy hình dạng tựa Song nga mà thực không phải Song nga Giờ nếu không bổ thủy để chế dương quang, dẫn hỏa về Mệnh môn, thì không sao cứu chữa được nữa. Các lương y chung quanh đều nhận là chứng hỏa, duy có một mình tôi bảo là chứng hư, bàn tán mãi vẫn không được nhất trí. Tôi e để lâu bệnh thế nặng thêm lại càng khó gỡ, bảo hãy tạm cho uống một chén đồng tiện nóng xem sao... Lan Đình nói: một giọt nước mát còn không uống trôi, uống thế nào được đồng tiện nóng? Tôi bảo hãy cứ thử uống. Quả nhiên Lan Đình chỉ uống một hợp hết cả bát đồng tiện nóng và nuốt được ngay, bấy giờ mới chịu bảo tôi thanh đơn... Tôi liền dùng: Thục địa 1 lạng Sơn thù nhục 4 đ.c.. Mạch môn đông 3 đ.c. Sinh phụ tử 3 đ.c. Bạch Linh 5 đ.c. Nhục quế 1 đ.c. Bấy nhiêu vị làm 1 thang, sắc kỹ, để thuốc thật nguội lạnh cho uống. Vừa uống khỏi miệng, thấy mát mẻ khoan khoái lạ thường, tức thì bao các chứng trạng hỏa, bao các chứng trạng nhiệt, đều tiêu tán hết sạch". 

Xem y án trên, ta nhận thấy chữa bệnh theo Đông y, nếu xét chứng và dùng thuốc đúng, thì công hiệu rất chóng. Tôi lại thấy: đối với bệnh yết hầu, không riêng dùng thang dược của Đông y chữa được chóng, đến chữa bằng khoa Châm cứu, nếu tìm kinh cho đúng, dùng huyệt cho đúng, thủ thuật cho đúng, thì có khi chỉ rút kim châm ra khỏi huyệt, bệnh đã khỏi được tới 6,7 phần mười, rồi chỉ châm lần thứ hai là khỏi hẳn, ít khi phải châm đến lần thứ ba. 

Năm 1962 tôi chữa một người ở làng Hiệp Hiếu, thuộc Quốc Oai, Sơn Tây, tên là Tạ Văn Minh, 27 tuổi, đã có vợ con, xã viên HTX nông nghiệp của xã. Minh là lao động chính, làm việc rất tích cực, được ban Quản trị tín nhiệm. Hôm đó vừa xong vụ gặt chiêm, Minh dọn dẹp cửa nhà, rồi tắm gội sạch sẽ, định đến hôm sau ra Hà Nội chơi. Không ngờ chiều hôm ấy lên cơn sốt kịch liệt, ố hàn phát nhiệt, đầu nhức như vỡ.. Rồi dần dần thấy đau nhức và nóng ở trong cuống họng, trằn trọc suốt đêm, không sao chợp mắt được. Đến sáng hôm sau, trong họng sưng to đến nỗi nước cũng không nuốt được. Cả nhà đều hoảng sợ, vội đến y tế xã xin giấy giới thiệu đi bệnh viện, không may y tế xã cũng đi họp vắng, bảo đến chiều mới về... Ngẫu nhiên hôm trước tôi lại về thăm một người bà con gần đấy, có người biết là tôi biết châm cứu, liền mời tôi đến châm... Theo ý họ chẳng qua cũng chỉ là "có tội thì vái tứ phương" chứ cũng chẳng tin gì châm cứu; mặt khác, họ cũng muốn chữa nhùng nhàng như vậy để chờ lúc y tế về thì xin giấy giới thiệu đi bệnh viện... Khi tôi đến nơi, thấy bệnh nhân mặt đỏ bừng, sốt nóng hầm hập, người nhà nói suốt từ đêm đến giờ (9 giờ sáng) chưa từng ăn uống gì, uống một hớp nước cũng đau. Tôi chẩn mạch thấy 6 bộ đều Phù Sác, trọng án có lực... Nhận định đó là chứng Hầu phong. Liền châm các huyệt Hợp cốc, Thiếu thương,đều cho ra huyết; thêm các huyệt xích trạch, Phong phủ, Quan xung, Ngoại quan, Toàn kỵ... lưu châm 5 phút, nằm châm 1 lần, lại lưu châm 10 phút nữa mới rút châm. Khi rút châm xong, bệnh thế 10 phần đã giảm được 6, 7 phần. Cả nhà đều vui mừng sung sướng. Liền chấm dứt việc xin giấy y tế, không đi bệnh viện nữa. Định mời tôi ở lại chữa cho khỏi hẳn. Tôi vì bận việc cần phải về, bảo người nhà đào lấy một nắm rễ cỏ Tranh chừng hai lạng, rửa sạch, sắc lấy nước đặc, hòa một nửa nước rễ cỏ tranh với một nửa nước đồng tiện, để hơi nóng cho uống. Tôi bảo cách uống nhu vậy rồi về. Vài hôm sau, tiếp được thư chính tay anh ta viết ra cảm ơn, và nói chì uống hết một ấm rễ cỏ Tranh với 2 lần pha đồng tiện, bệnh đã khỏi hẳn. Đã tiếp tục công tác được như trước rồi. 

Trên đây là trường hợp chữa Hầu tý bằng khoa châm cứu. Có một điều cần phải thanh minh thêm: Dùng châm chữa Hầu tý tuy công hiệu rất chóng, nhưng chỉ công hiệu với các thực chứng, nếu lại thuộc về loại âm hư hỏa bốc do Tỳ Thận đều suy, thì tất phải kết hợp với thang dược, như y án của Mậu Đình ở trên, mới thu được kết quả. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990