Logo Website

SỰ KHÁC NHAU GIỮA ÔN BỆNH VÀ ÔN DỊCH

10/12/2020

ĐIỀU 43. SỰ KHÁC NHAU GIỮA ÔN BỆNH VÀ ÔN DỊCH 

"Ôn bệnh" vốn không phải là "ôn dịch", mà "ôn dịch” phát sinh rồi nhiều trường hợp gây nên bởi bệnh "ôn". "Thử bệnh" vốn không phải là bệnh "ôn", mà bệnh "ôn" đến mức độ nặng thường khi cũng giống như bệnh "Thủ". 

Tôi thường xem y án của Từ Linh Thai thấy trong đó có một y án chữa bệnh "ôn dịch" và một y án chữa bệnh "Thử", nhận thấy họ Từ là một nhà "ôn bệnh đại gia", chứ không phải chỉ là "tạp bệnh đại gia" mà thôi. Xin dẫn chứng y án của họ Từ và góp bàn ý kiến như sau: 

1. Án về bệnh ôn dịch: Niên hiệu Ung chính năm thứ 10, vùng Côn Sơn, bệnh ôn dịch tràn lan, chết tới vài nghìn người. Có người tên là Uông Thiên Thành cũng mắc bệnh. Mình sốt nóng, tinh thần hôn mê, buồn bực, vật vã, mạch Sác mà không nhất định. Tôi dùng loại thuốc mát mẻ thơm tho như Xương bồ tươi, Trạch lan, Bạc hà, Thanh cao, Lô căn... sắc lấy nước cho uống; đồng thời cho uống thêm các loại hoàn tán có tác dụng "tịch tà, giải độc"... dần dần khỏi hẳn. Khi tôi đến Côn sơn là vì có chút việc riêng, rất ngại tiếp xúc, nên không để cho mấy người biết. Gặp khi Thiên Thành bệnh đã khỏi, và tôi cũng đã sắp về quê, nên không giấu giếm nữa... Tức thì có tới 27 bệnh nhân đến yêu cầu chẩn trị. Tôi xét lại những đơn thuốc trước của 27 người đó uống, đều có tính 

chất "hương táo, thăng đề” cùng với bệnh chứng hoàn toàn mâu thuẫn. Xem xong các đơn, tôi bèn dùng phương pháp chữa Thiên Thành kê đơn cho họ. Sau khi tôi về quê được ít lâu, có anh Diệp Sinh từ Côn Sơn về, cho tôi biết: trong số 27 người tôi cho đơn, có 24 người khỏi hẳn. Còn 3 người chết. Mà 3 người đó là mới uống đơn của tôi có một thang rồi lại theo thuốc mấy lương y khác. 

Phàm chữa bệnh, cần phải biết sự chuyển di của vận khí. Vì năm trước "thủy thấp" quá thịnh mà gây nên bệnh biến. "Thấp khí đến cực độ, tất phải hóa thành táo", thuyết của Nội kinh rất là rành mạch. Vậy lẽ nào lại có thể cố chấp cái phương pháp "khư phong trục thấp" từ năm trước để chữa chứng "ôn tà táo hỏa" hay sao? 

2. Án về bệnh "Thủ": Một nhà sản xuất hương ở cửa Xương Môn, bị bệnh Thử nhiệt, đã bị uống nhầm thuốc, lại ở trên nhà gác nhỏ hướng tây, phía dưới lại chứa đầy nguyên liệu làm hương, mùi thơm ráo bốc lên, làm khô mất tân dịch. Biểu hiện chứng "quyết" hôn mê không biết gì, lưỡi khô, đuôi mắt nứt rách. Nhà anh ta cách xưởng chừng 2, 3 dặm. Các đồng nghiệp muốn khiêng ngay anh ta về nhà giữa lúc trưa nắng, để hoặc có chết cho tiện việc. Tôi thấy vậy liền bảo: Bệnh này kể thì cũng nguy thật, nhưng nếu uống đúng phép, còn có cơ sống. Nếu bây giờ lại khiêng đi giữa lúc trời nắng như thế này, thì sẽ chết ở dọc đường mất. Nghe vậy mọi người đành không dám khiêng. Tôi liền bảo mài cho uống mấy viên Chi bảo đan, rồi bốc bài Hoàng Liên Hương nhu ẩm hợp với bài Trúc diệp Thạch cao thang gia Lô căn và mấy vị "Thanh lương tư nhuận" khác, để cho uống dần, qua một đêm, mắt khỏi đỏ, nói lên được, tinh thần tỉnh táo, đã tự trở mình được. Qua 2 ngày sau, mình đã mát, ăn được cháo. Liền đưa về nhà điều dưỡng, chỉ nửa tuần, trở lại bình thường. 

Tôi nghĩ: ôn tà, táo hỏa” tức là một danh từ đại biểu của "ôn bệnh”. Mà những loại "thanh lương, phương nhiệt và tư nhuận" là những loại chữa bệnh ôn rất hay. Đến như các chứng tinh thần hôn mê, bực dọc vật vã, và "quyết" không biết gì..." tức là nhiệt tà đã vào Tâm bào, nên cần phải dùng đến các loại thuốc hoàn tán "tịch tà giải độc" như Ngưu hoàng hoàn, Tử tuyết đan, Chí bảo đan v.v... Các loại thuốc đó có tác đụng tiêu viêm, giải độc, tỉnh não, an thần, trừ đờm và trấn tĩnh v.v. Đều là những loại thuốc rất công hiệu đối với các chứng ôn tà hãm vào trong, mê man, cứng đờ, nói nhảm và bực dọc, vật vã v.v... Giờ chúng ta thử coi các y án chữa về Ôn bệnh của Diệp Thiên Sĩ, Vương Mạnh Anh và Ngô Cúc Thông... Xem phương pháp trị liệu của 3 nhà đó, có ai ra ngoài được phạm vi 2 y án trên kia không? Tóm lại, nếu nắm vững được nguyên nhân, thì dù ôn, dù thử, dù ôn dịch, cũng chỉ "đại đồng tiểu dị”. Cho nên phàm đã chữa được ôn bệnh, tất sẽ chữa được thử bệnh và ôn dịch; mà đã chữa được ôn dịch tất cũng chữa được ôn bệnh và thử bệnh. Quyết không đến nỗi như Lâm Xương Di nói: "Các lương y ở miền Đông Việt, phần nhiều nhầm bệnh phong ôn là Thương hàn, nên bệnh nhân bị thiệt mạng khá nhiều!”. 

Do quan điểm trên, tôi nhận thấy: khi mới bắt đầu học nghề y, chưa nên học Thương hàn luận ngay. Vì học Thương hàn luận, mở đầu đã thấy ngay đoạn nói: "Thái dương trúng phong, mạch dương phù mà âm nhược; dương phù là do phát nhiệt, âm nhược là do mồ hôi tự toát ra, ghê ghê sợ lạnh, rợn rợn sợ gió; hầm hập phát nóng, và mũi ngạt nôn khan... Quế chi thang chủ về bệnh ấy...". Vừa đọc xong đoạn đó, lại thấy tiếp đến đoạn: "Bệnh ở Thái dương, dầu rức, phát nóng, mình đau, eo đau, các khớp xương đều đau, sợ gió, không mồ hôi và thở suyễn. Ma hoàng 

thang chủ về bệnh ấy...”.Biết đâu, 2 đoạn kinh văn đó đã in sâu ngay vào trong đó, từ đó về sau, phàm gặp bệnh “phong ôn”, "thấp ôn, hoặc "thử” hoặc "táo”, không bệnh nào là không nhớ đến các bài Ma, Quế để điều trị... Bởi các bệnh ôn và thử, lúc mới phát sinh, các chứng trạng thường hơi giống với Thương hàn, nếu dùng Ma, Quế để điều trị, thì chẳng khác gì đã sa xuống giếng lại còn lấp đá thêm, khó lòng thoát khỏi, Vậy về vấn đề "nên học sách nào trước", tôi nghĩ nên cho học Ôn bệnh trước. Qua một thời gian thấu triệt hết chi tiết của ôn bệnh rồi, bấy giờ mới học Thương hàn... Sẽ không còn lầm tưởng ôn bệnh, thử bệnh là Thương hàn nữa. Cái nạn chết vì chữa lầm, may ra hạn chế được chăng? 

Xem 2 y án dẫn trên, ta nhận thấy khí hậu, hoàn cảnh đối với cơ thể con người có quan hệ rất mật thiết. Như đoạn nói: "Phàm chữa bệnh cần phải biết sự chuyển di của vận khí”... Vậy lẽ nào lại có thể cố chấp cái phương pháp “khu phong trục thấp" từ năm trước, để chữa chứng "ôn tà táo hỏa" năm sau? V.v... Xem câu đó, ta nhận thấy: "phàm những hoàn cảnh, khí hậu không giống nhau, sẽ cảm nhiễm các loại bệnh không giống nhau".Về điểm này, tôi xin dẫn chứng cụ thể. Trong Quảng Đông Trung y tạp chí số 10, xuất bản năm 1955, có bài nói về chứng Lưu hành tính ất hình não viêm (Viêm não B), một đoạn cuối nói: "Năm ngoái tại Bắc Kinh chữa chứng Lưu hành tính ất hình não viêm, lúc bắt đầu, dùng bài kinh nghiệm của Thạch gia trang năm trước. Kết quả hầu hết không khỏi. Sau một nhóm y sinh có kinh nghiệm tìm ra được nguyên nhân nói: "Vì năm ngoái, sau tiết lập Thu, ở Bắc Kinh mưa dầm khá lâu, khí trời ẩm thấp ảnh hưởng đến bệnh nhân phần nhiều biểu hiện ở chứng hậu thiên về Thấp. Xem lại những kinh nghiệm của Thạch gia trang mấy năm trước, phần nhiều là loại bệnh thiên về "nhiệt", giờ các y giả đem kinh nghiệm chữa loại bệnh thiên về "nhiệt” ở Thạch gia trang để chữa loại bệnh "thiên về thấp" ở Bắc Kinh, kết quả làm cho "thấp tà" càng bị ngăn chặn, không còn lối thoát, muốn khỏi sao được? Xem đoạn báo trên đây, ta còn có thể cứ nhắm mắt mà dùng bừa những bài thuốc kinh nghiệm được chăng? Do đó ta lại càng nhận thấy học thuyết Âm dương Ngũ hành và Vận khí của người xưa là rất giá trị. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH -TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990