Logo Website

Y ÁN CỦA TỪ HỒI KHÊ

21/02/2021

ĐIỀU 131. Y ÁN CỦA TỪ HỒI KHÊ 

Làm một người lương y, vừa phải có học thức, lại phải có đởm lượng. Có học thức mới nhận bệnh được chính xác; có đởm lượng, khi gặp chứng nguy nan mới dám cương quyết trị liệu, không thấy sóng cả mà rã tay chèo. Xem y án của Từ Hồi Khê chữa bệnh cho con của Mao Lý Hòa là Giới Đường, nhận thấy Từ tiên sinh vừa đủ cả học thức và đởm lượng: 

"Con Mao Lý Hòa là Giới Đường bị cảm Thử, nhiệt tới cực độ, mồ hôi ra như tắm, mạch Vi, tay chân lạnh, mặt đỏ, hơi thở ngắn, các y giả vẫn điều trị theo nhiệt chứng. Từ Hồi Khê đến thăm, 

sau khi qua tứ chẩn, nói với Lý Hòa, bệnh này vong dương đến nơi rồi! Kíp dùng Sâm, Phụ, họa may hồi dương mới kịp. Lý Hòa có vẻ trù trừ. Hồi Khê nói: vì là chỗ quen thân, tôi không nỡ trông thấy chết mà không nói. Vả tôi có nhận bệnh được đích rồi mới dám định phương... Ông thử nghĩ tôi bấy lâu có phải là người nói mò không?... Nếu chữa sai, tôi xin đền mạng... Lý Hòa thấy Hồi Khê cương quyết, đành phải tuân theo. Uống một thang, cầm mồ hôi, mình ấm, ngủ được... Tiếp đó gia giảm thêm, chỉ một tuần khỏi hẳn. Hồi Khê nói: "Các chứng hậu trước là do biến chứng của nhiệt bệnh, vì nhiệt quá độ nên mồ hôi toát ra mà vong dương. Nhưng nếu không có các hiện tượng mạch Vi, chân tay lạnh, mồ hôi đầm đìa, lưỡi nhuận... thì vẫn hoàn toàn là nhiệt chứng, lỡ dùng Sâm, Phụ sẽ chết ngay. Vậy đối với loại bệnh trên, nếu không nhận định được chính xác, không nên chữa mò.

Trên đây là một y án chữa về chứng "hãn nhiều vong dương”. Hồi Khê chuyên chú dùng Sâm, Phụ "hồi dương, cường tâm", kết quả thu được rất chóng. Nhưng về đoạn cuối y án, tiên sinh lại nêu rõ: "Có đủ các hiện tượng mạch Vi, tay chân lạnh, mồ hôi nhiều và lưỡi nhuận mới được dùng Sâm, Phụ...” Tôi xét, mấy hiện tượng kể trên “lưỡi nhuận” là một điểm rất trọng yếu. Nếu lưỡi khô mà mạch có kiêm cả "sác" thì dù tay chân lạnh, mồ hôi nhiều, cũng không thể dùng Sâm Phụ. 

Do án trên này, ta lại nhận ra được một vấn đề: "Dù là nhiệt bệnh mà cũng có khi vong dương, đồng thời cũng có thể dùng ôn được để điều trị...”. Có một số y gia cho là bệnh ôn nhiệt tuyệt đối không nên dùng nhiệt dược. Nên biết rằng: bất cứ loại bệnh tà gì, đều tùy theo thể chất của từng người để thay đổi. Những người dương khí kém sút, dù bị nhiệt bệnh cũng có thể biến thành âm chứng. Tại thiên luận về Ngoại cảm ôn nhiệt của Diệp thiên Sĩ cũng có nói: "Bệnh nhân sắc mặt trắng bợt, nên phải chiếu cố tới dương khí; dù theo nguyên tắc phải dùng thanh lương, nhưng khi bệnh lui được 6, 7 phần mười, không nên quá dùng thanh lương nữa, e sẽ chữa nhả hóa mù. Vì sao vậy? Vì một khi thấp nhiệt đã bài trừ hết, thì dương khí e cũng khó lòng tồn tại...". Xem đó, ta nhận thấy về môn ôn nhiệt, phương pháp dùng ôn dược để cấp cứu cũng không thể bỏ qua. Lại như bệnh nhân ở y án trên, có chứng "mặt đỏ..." không phải là hiện tượng nhiệt, mà chính là chứng "đới dương”. Phàm học y án, cần phải phân tích tỷ mỉ, mới hiểu được dụng tâm của lương y đời xưa. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990