BÀN VỀ NỘI THƯƠNG THẤT TÌNH
ĐIỀU 52. BÀN VỀ NỘI THƯƠNG THẤT TÌNH
Theo nguyên tắc trị liệu thất tình trong Nội kinh, phần nhiều dựa trên qui luật sinh, khắc, chế, hóa của Ngũ hành như: ưu thắng nộ, khủng thắng hỷ, nộ thắng tư, hỷ thắng ưu, tư thắng khủng v.v... các danh y thời trước sử dụng khá nhiều. Nhưng phải là người có học thức sâu rộng, tận tâm với bệnh nhân, áp dụng một cách khôn ngoan khéo léo mới thu được kết quả. Còn nếu chỉ là người mượn dao cầu làm kế sinh nhai, muốn cắt được nhiều thuốc để thu lấy nhiều lời... thì không khi nào sử dụng phương pháp đó. Tiện đây xin trích dịch mấy y án chữa bệnh theo qui luật đó, để các bạn chân chính lương y cùng tham khảo sử dụng, vừa đỡ cho bệnh nhân khỏi tốn tiền uống thuốc, vừa kinh nghiệm thêm một phương pháp vừa thần diệu vừa giản tiện của người xưa.
1. Bi (buồn): Viên quan Tư hầu ở Tức thành nghe tin cha bị giặc giết, khóc thương quá độ, đến nỗi ngất đi. Sau khi người nhà cứu chữa được hồi tỉnh, thấy âm ỉ đau ở giữa khoảng xương mỏ ác (bộ phận tim), rồi ngày càng đau kịch. Tới hơn một tháng, tại nơi đau kết thành một khối ở bên trong, to bằng bát úp, đau đớn lạ thường, uống thuốc gì cũng không khỏi. Đến mời Trương Tử Hòa chẩn trị. Khi Tử Hòa vừa đến nơi, thấy có một bà cốt (5) ngồi bên cạnh bệnh nhân, đương khấn khứa gọi hồn.., Tử Hòa thừa thế bắt chước ngay bà cốt, cũng õng ẹo múa may nói năng đùa cợt... làm cho Tư hầu cũng phải cười phá lên, rồi thẹn đỏ mặt, vội ngoảnh mặt quay vào vách... Qua trận cười đó, khối kết ở bụng tiêu mòn dần, chỉ 3 ngày sau tan hết, không phải uống thang thuốc nào mà khỏi bệnh.
Trên đây là Tử Hòa đã áp dụng qui luật "hỷ thắng bi" để chữa bệnh.
2. Kinh (sợ hãi): Liễu thị là vợ Vệ Đức Tân, đêm nằm ngủ trên nhà lầu. Có bọn cướp đột phá nhà bên cạnh. Liễu thị hoảng sợ từ trên giường cao ngã lăn xuống sàn, người nhà phải xúm lại nhấc lên giường. Từ đó về sau, hễ nghe thấy tiếng động gì hơi mạnh, tức thời sợ ngất, mê man không còn biết gì. Đến nỗi người nhà làm lụng, cắt nhắc việc gì, đều phải gượng nhẹ, không dám để xẩy thành tiếng động. Cứ như vậy tới hơn một năm, các thầy thuốc cứ cho là bệnh tại Tâm, dùng các loại thuốc bổ Tâm, an thần như Nhân sâm, Trân châu và Định chí hoàn v.v... để điều trị, đều không chút công hiệu. Khi đó. Đức Tân mới đi mời Tử Hòa. Sau khi quan hình, sát sắc và chẩn mạch... Tử Hòa bảo Đức Tân: "Phàm các chứng "kinh" là do từ bên ngoài đột nhiên đến, mình chưa từng biết, thuộc về dương; các chứng "khủng" là do tự mình đã từng biết trước thuộc về âm. Kinh Túc Thiếu dương Đảm thuộc Mộc, Đảm có nghĩa là "quả cảm", "mạnh dạn", nếu "kinh" thì Đảm sẽ bị thương, do đó mà sinh bệnh. nói rồi, Tử Hòa bảo Liễu thị ngồi vào chiếc ghế dựa, hai tay để lên hai thành ghế. Bảo hai người nhà đứng 2 bên, mỗi người giữ một tay. Trước mặt Liễu thị để một chiếc bàn nhỏ, cũng chỉ thấp bằng ghế của Liễu thị ngồi. Chuẩn bị xong xuôi, Tử Hòa bảo Liễu thị:
- Bà hãy trông thẳng xuống bàn...
Dứt lời, Tử Hòa cầm cái thước lớn đập mạnh xuống bàn "chát" một tiếng. Liễu thị giật mình suýt ngất đi. Ngay lúc đó, Tử Hòa vừa dùng tay trái nắm chặt lấy chòm tóc trên đầu Liễu thị, vừa cười nói:
- Tôi đập xuống mặt bàn đấy mà! Can chi phải sợ? (kinh)...
Chờ lúc Liễu thị đã định thần hết sợ.. Tử Hòa lại đập "chát", lần này Liễu thị chỉ hơi sợ... Tức thời "chát, chát, chát..." Từ Hòa lại đập luôn 2, 3 tiếng; đồng thời ngấm ngầm bảo người nhà lấy gập đập vào cửa đằng trước, cửa sổ đàng sau, tiếng động dồn dập cả xung quanh... Lúc này, Liễu thị không còn sợ nữa, cười hỏi Tử Hòa:
- Ông lang chữa bằng phương pháp gì lạ lùng thế?...
Nhân có Đức Tân cũng đứng gần đấy, Tử Hòa liên giải thích cho cả hai vợ chồng cùng nghe:
Nội kinh có câu: "Kinh giả bình chi” - chữ "bình" ở đây có nghĩa là "thường" - (coi thường). Phàm vật, hễ được thấy thường luôn, thì không còn khi nào kinh (sợ) nữa. Khi đã bị kinh, thì "thần" sẽ từ dưới bốc ngược lên, nên tôi đập xuống mặt bàn ở phía dưới, và bảo trông trở xuống, chủ yếu là để thu liễm thần cho khỏi bốc lên; khi thần đã thu liễm được, thì còn "kinh" gì nữa...
Đêm hôm đó, Tử Hòa lại bảo người nhà, đập bàn, đập ghế, om sòm thâu đêm, Liễu thị không hề sợ sệt, ngủ một giấc suốt từ tối đến sáng.
Một chứng bệnh bị đã một năm, Tử Hòa chỉ dùng mấy tiếng động mà khỏi, thật là kỳ diệu.
3. Hỷ (mừng): Viên Thể Am đời nhà Minh, chữa bệnh giỏi nổi tiếng. Gặp năm tại vùng đó có mở khoa thi hương, có một cậu học trò từ tỉnh xa đến thi, được trúng cử nhân. Hôm xướng danh, cậu ta nghe thấy "xướng” đến tên mình, mừng quá, phá lên cười. Rồi cứ cười khanh khách suốt đêm ngày, bỏ cả ăn, mất cả ngủ, không sao cầm lại được. Người nhà đưa đến nhà Thể Am, yêu cầu chẩn trị. Thể Am chẩn mạch xong, làm ra vẻ sửng sốt nói:
- Bệnh của cậu nguy lắm rồi, không sao chữa được nữa, chỉ còn dai dẳng được chừng mươi ngày nữa thôi. Cậu phải về quê ngay mới kịp...
Nói rồi, ông lấy giấy bút viết thư, bỏ vào phong trì dán cẩn thận, rồi trao cho cậu Cử mới và bảo rằng:
- Cậu về quê từ nay, hai hôm nữa sẽ qua Chấn Giang, ở đấy có ông lang họ Hà, đưa thư này cho ông ta, nhờ ông ấy chẩn trị, họa may có còn cứu vãn được chăng"? Vì tôi tin rằng ông ấy học rộng và giàu kinh nghiệm hơn tôi.
Cậu Cử cầm thư vội vàng thu xếp hành lý về quê. Hai hôm sau, qua Chấn Giang, tìm đến ông lang họ Hà, đưa thư; ông họ Hà mở phong thư ra xem thấy trong thư chỉ viết vắn tắt mấy câu:
"Cậu Cử mới này chỉ vì mừng quá mà phát cuồng, do Tâm khí bị kích thích quá mạnh, không thuốc nào làm cho dịu xuống được. Tôi phải dùng lời nguy hiểm đe dọa, cho buôn rầu lo lắng, để cho Tâm trí dịu xuống, chắc đến nay bệnh cười của hắn đã khỏi rồi. Mong Tiên sinh chi bảo cho hắn biết..."
Ông lang họ Hà xem thư xong, cười đưa cho cậu Cử xem, và nói đùa:
- Chà! Ông Thể Am bốc cho cậu thang thuốc đắt tiền quá! Giờ bệnh thật khỏi rồi chứ!
Cậu Cử xem thư, rất kinh ngạc về phương pháp chữa bệnh của ông Thể Am. Hà tiên sinh nói:
- Không lạ lùng gì đâu, ông ấy áp dụng qui luật "khủng tháng hỷ" đấy thôi.
4. Nộ (giận): Trần thị bị bệnh cáu giận, lúc nào cũng thấy tức tối bực bội, bỏ cả uống ăn, suốt ngày chỉ kêu gào chửi bới; có lúc vung dao định giết cả những người xung quanh. Các thầy lang chữa đủ mọi mặt, nửa năm trời vẫn không khỏi. Bấy giờ mới mời Trương Tử Hòa đến chữa. Tử Hòa quan hình sát sắc xong, nói với người nhà:
- Bệnh này chữa bằng thuốc thế nào được?...
Rồi cùng bàn với người nhà, mượn hai người đàn bà khỏe mạnh, cho đánh phấn thoa son, mặc quần áo như phường chèo, nhởn nha õng ẹo, đùa bỡn cợt nhả ở trước mặt Trần thị... Trần thị thấy điệu bộ hai người đó, bất giác phì cười... Ngày hôm sau lại bảo hai người đó ăn mặc lòe loẹt hơn, cùng vật lộn nhau trước mặt Trần thị... Trần thị lại càng phá lên cười. Đồng thời lại bảo người nhà làm các thức ăn thật ngon, bày ở trước mặt Trần thị, cho hai người kia ăn, cơm trắng khói bốc lên nghi ngút, các thức ăn như thịt xào, chả nướng, mùi đưa lên ngạt cả mũi... Hai người vừa mời nhau, vừa tấm tắc khen ngon, và cùng ăn một cách rất ngon lành và thỏa thích... Trần thị thấy vậy, cũng chạy lại xúc lấy một thìa ăn thử, thấy ngon miệng, tức thời ăn luôn 3, 4 miếng.
Thế là từ bữa đó trở đi, Trần thị tính nết trở nên vui vẻ, ăn uống tăng dần. Không phải uống thuốc mà bệnh khỏi.
5. Ưu (lo): Em trai Trần mỗ... vì lo nghĩ quá độ ho nhổ ra huyết, sắc mặt xạm đen, uống thuốc mãi không khỏi. Đan Khê chẩn mạch xong, bảo Trần mỗ:
- Bệnh này nguyên nhân do "thất chí” hại đến Thận, chỉ có một cách làm cho "mừng” mới có thể khỏi được. Trần nghe lời, liền tìm cho một nơi có công việc làm lương bổng rất hậu... Từ đó bệnh cứ khỏi dần, không phải uống thuốc. Nội kinh có câu: "Trị bệnh tất cầu kỳ bản” và "hỷ thắng ưu"... Đan Khê đã thực hiện được phương pháp trị liệu đó.
6. Một thiếu phụ mới về nhà chồng được ít lâu, chồng đi buôn luôn 2 năm không về. Thiếu phụ dần dần biếng ăn, cứ nằm li bì suốt ngày như người ngây, mà phần nhiều chỉ nằm ngoảnh mặt vào trong... Ngoài ra không có bệnh gì hết,
Đan Khê chẩn mạch, thấy: Can mạch Huyền quá ra ngoài Thốn khẩu. Ông nói:
- Đây là một bệnh phát sinh bởi nhớ chồng quá độ, khí kết tại Tỳ, không thể chỉ đơn thuần dùng thuốc mà chữa được, chỉ có "mừng" mới có thể giải được bệnh "kết" đó. Nếu không có cách gì làm cho được mừng, thì phải làm cho "giận". Tỳ chủ về "tư” tư lự quá độ Tỳ khí kết lại, thành chứng không ăn được. "Giận" thuộc Can mộc, Mộc khắc được Thổ. Giờ làm cho giận thì Can khí sẽ bốc lên mạnh. Xâm phạm sang Tỳ thổ, tức là "mộc năng sơ thổ”... Chứng "kết" ở Tỳ sẽ nhờ đó mà “khai tiết” (mở để thoát ra) được.
Người bố chồng nghe lời liền kiếm cớ quở máng nàng dâu thậm tệ, đồng thời lại tát luôn cho nàng mấy cái. Nàng kêu khóc luôn 2, 3 giờ, người nhà phải khuyên nhủ, dỗ đành mãi mới nín. Thừa thế lúc đó, Đan Khê cắt cho một thang giải uất, bệnh giảm nhẹ ngay, đó biết đòi ăn và ăn rất ngon.
Đan Khê bảo ông bố:
- "Tư khí " (cái khí phát sinh bởi nghĩ ngợi) tuy đã giải, nhưng phải cần được "mừng", bệnh thế mới khỏi tái phát.
Ông bố chồng liền nói dối nàng: chồng nàng sắp về, đã biên thư về báo tin trước... May sao, sau đó 3 ngày thì người chồng về thật. Bệnh của thiếu phụ từ đó khỏi hẳn.
Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ