Logo Website

BÀN VỀ Y LÝ

10/01/2021

ĐIỀU 83. BÀN VỀ Y LÝ (I) 

Phàm tật bệnh phát sinh, vô luận là nội thương hay ngoại cảm, chủ yếu là "nội nhân quyết định ngoại nhân". Lão tử có câu: "Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu". Ta cũng có thể nói: "Tật bệnh vô môn, duy nhân tự triệu". Câu: "Khí chi sở hư, tà tất tấu chi" trong Nội kinh, cũng hàm ý đó. 

ĐIỀU 84. BÀN VỀ Y LÝ (II) 

Chủ yếu khi lâm sàng, phải làm theo bốn nguyên tắc sau đây:

1. Nhân thời chế nghi 

2. Nhân địa chế nghi

3. Nhân nhân chế nghi

4. Nhân bệnh chế nghi 

Trước phải nhận định khí hậu ở ngoài giới tự nhiên ấm hay lạnh, ráo hay ẩm, các khí đó có đúng mức hay trái thường... Nếu trái thường thì sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân đó như thế nào?... 

Sau xét tới khu vực của bệnh nhân đó ở là nơi cao ráo hay nơi ẩm ướt, là rừng núi hay đồng bằng. Như ở ta: thuộc miền thượng du, hay trung du, hay hạ du v.v... để nhận xét bẩm phú và cơ thể thích ứng của bệnh nhân đó như thế nào? 

Rồi xem xét bệnh nhân đó là già hay trẻ, trai hay gái, béo tốt hay gầy còm, vốn khỏe hay yếu, lao động hay an nhàn; hoàn cảnh trong gia đình thuận hay nghịch, vui hay buồn; trước sướng sau khổ hay trước khổ sau sướng? Nếu là đàn bà: con gái hay đã có gia đình, vợ cả hay vợ lẽ; là sư ni hay góa chồng v.v... Những cái đó đều có ảnh hưởng tới bệnh nhân rất sâu sắc. 

Cuối cùng mới xét tới bệnh, thuộc nội thương hay ngoại cảm, thuộc hư hay thực, hàn hay nhiệt, mới bị bệnh hay bị đã lâu v.v... 

Bốn nguyên tắc đó đều có liên hệ với nhau rất mật thiết. Nếu bỏ sót một, đều có ảnh hưởng tới kết quả điều trị. 

ĐIỀU 85. BÀN VỀ Y LÝ (III) 

Chữa ngoại cảm (bao quát cả Thương hàn, Ôn bệnh, Thương thử, Trúng át, v.v.,.) như đối với toán quân ngoại xâm đã kéo tới biên cương; chữa nội thương như đối với toán loạn dân nổi lên ở trong nước, 

Đối với quân ngoại xâm phải tiêu diệt cho kỳ hết; đối với toán loạn dân thì trái lại, nếu cũng tiêu diệt cho kỳ hết, thì ở với ai? Chỉ có một cách là vừa "tiễu" vừa "phủ”. 

Có một điều nên chú ý là: quân ngoại xâm không bỗng dưng vô cớ mà dám đột nhiên kéo đến. Tất nó đã thám thính thấy mình có chỗ sơ hở, có thể thừa hư xâm lấn được, nên mới kéo đến. Toán loạn dân sở dĩ dám nổi lên, tất cũng phải do một điều kiện gì không được thỏa mãn nên mới bất đắc dĩ bùng nổ để tự cứu lấy đời sống của mình. Chất gỗ có mềm, mới có thể sinh ra mối mọt. Chứ như Đinh, Lim, Trác, Gụ thì mối mọt ẩn nấp vào đâu? 

Vậy dù đối với ngoại xâm hay nội loạn, ta đều phải nhằm vào "chính khí" làm chủ yếu. Nội kinh có câu; "Khí chi sở hư - tà tất tấu chi..." chữ "tà" ở đây không chỉ nói về "ngoại tà" như lục dâm... mà hết thảy các "mầm mống” gây nên tật bệnh, đều có thể gọi là "tà" được cả. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990