Logo Website

BỆNH ÁN ĐIỀU TRỊ ÔN BỆNH

11/12/2020

ĐIỀU 44. BỆNH ÁN ĐIỀU TRỊ ÔN BỆNH 

I. Tôi bình sinh rất ngại chữa Ôn bệnh, vô luận là bệnh phát sinh tại mùa Xuân hoặc mùa Hạ, vì sự truyền biến của nó rất chóng, nếu sai một ly đi một dặm, không dễ xoay trở như các tạp bệnh khác còn có thể dùng thang nhỏ uống thử, nếu đúng bệnh sẽ dùng thang to, hoặc có lúc vội không kịp tính thì "bắt cá hai tay” cũng tạm được... Tuy vậy, đôi khi cũng chữa được một vài trường hợp khó khăn, tà đã hãm tới âm phận, mà cứu cấp kịp thời, thu được kết quả, ví dụ: 

- Hoàng Văn Ất, 32 tuổi, cán bộ Thủy lợi tỉnh Hà Bắc... Vào khoảng tháng 6 dương lịch, bị bệnh ôn nhiệt, y giả không biết dùng phương pháp "Tân lương giải cơ" mà lại dùng "Tân ôn biểu tán” làm cho hỏa tà dồn lên, huyết ra đằng mũi (nục huyết) mãi không cầm được; các lương y ấy lại dùng các vị như Tê giác, Linh dương (phần nhiều là dùng sừng bò, sừng dê rừng) và Hoàng liên v.v... để thanh nhiệt, kết quả dồn dương tà vào cả Thiếu âm Tâm... chứng trạng biểu hiện: lưỡi nổi gai nhọn, nói sảng luôn miệng, sốt nóng, ráo khát, ban ngày hơi nhẹ, đến đêm nặng hơn... Các ông ấy lại cho uống Thừa khí thang, cũng không chút công hiệu. Dùng dằng tới hơn 10 ngày, bệnh nhân đã quá yếu, không ngồi dậy được nữa. Bấy giờ mới mời tôi đến chẩn trị.. (Suốt đời tôi chữa bệnh, 

phần nhiều chỉ được chữa những bệnh thừa của các lương y khác để lại nên đều gặp khó khăn, ít được dễ dàng), Tôi chẩn mạch trên dưới (tức Thốn Xích) đều không có, chỉ còn thấy ở Quan bộ, nhưng lúc thì Khẩn Tật, lúc thì Trì Tế, rất khó đoán định... Nhưng qua Vọng, Văn, Vấn... cũng có thể nhận định được là ” nhiệt tà hãm vào Tâm bào" theo phép cần phải hạ mới được. Người nhà bệnh nhân thấy tôi nói dùng phép hạ, có người võ vẽ thuốc, nói: "Mang tiêu, Đại hoàng đã uống nhiều lắm rồi".. Tôi nói: "Dương tà truyền vào dương phận, thì Mang tiêu, Đại hoàng có thể phá tan được chất kết rắn trong Trường Vị; nhưng nếu hãm vào âm phận, thì Mang Tiêu không còn tác dụng nữa. Bởi Mang tiêu tính hàn, chỉ vào dương phận mà không vào được âm phận. Vậy tuy cũng là hạ, mà phương pháp hạ của tôi khác"... Nói rồi, tôi liền lập phương; dùng Hậu phác 3 đ.c., Chỉ thực 3 đ.c., Sinh địa 6 đ.c. Cam thảo 1 đ.c để phá nghịch khí và trừ nội nhiệt. Lại dùng Sinh Đại hoàng 5 đ.c., Hắc phụ 5 đ.c., hai vị sắc riêng lấy nước đặc, rồi hòa với nước thuốc trên cùng uống, uống hết một thang, đại tiện thông lợi. Tức thời đổi cho uống bài Nhân sâm Bạch hổ thang gia giảm... Uống hết một thang, rêu lưỡi nhẵn hẳn và nhuận. Bấy giờ mới đổi sang dùng loại thuốc thanh bổ, uống vài thang nữa, khỏi hẳn. 

II. Câu chuyện trên tôi nói về chữa bệnh ôn nhiệt, một lần khác tôi lại gặp một bệnh ”Xuân ôn" cũng không kém phần nguy hiểm mà may cũng chữa khỏi. Ví dụ: 

Tăng Văn Hòa, 47 tuổi, trưởng ban quản trị HTX nông nghiệp làng Hiệp Hòa, thuộc Quốc Oai, Sơn Tây... bị bệnh Xuân ôn. Các lương y vùng đó chữa nhầm, chuyển thành chứng nói sảng, họng khô, miệng khát, lưỡi mọc gai nhọn, ngày đêm phát nhiệt, mắt đờ, thở mạnh, bệnh tình khá nguy, mời tôi đến chữa. Chẩn thấy cả 6 bộ mạch đều Trầm Tật. Tôi bảo người nhà, bệnh này đã đi đến tình trạng "dương tà hãm vào âm phận", phải dùng nhiệt được để hạ mới được. Liền dùng Huyền sâm 5 đ.c., Sinh địa 5 đ.c., Hậu phác 3 đ.c., Chỉ thực 3 đ.c., Sinh Chi tử 3 đ.c., Sinh Thạch cao 6 đ.c., Sinh Cam thảo 1 đ.c, Bấy nhiêu vị làm 1 thang sắc trước; ngoài ra lại dùng Sinh Đại hoàng 5 đ.c., Hắc phụ 5 đ,c. Sắc thật kỹ, lấy nước đặc rồi hòa vào nước thuốc trước cho uống. Lại dùng Sinh địa tươi 2 lạng, giã vắt lấy nước, lúc nào khát đòi uống nước thì cho uống thay nước. Uống chưa hết thang thuốc, bệnh nhân bỗng phát rét, run cầm cập, đến nỗi chuyển cả giường nằm. Người nhà thấy vậy hoảng sợ, hỏi tôi. Tôi nói: Tình trạng đó theo thuật ngữ Đông y gọi là chiến hãn nghĩa là run lên để ra mồ hôi... Không hề chi, cứ để vậy lặng yên, khi nào mồ hôi ra được, bệnh sẽ khỏi. Quả nhiên sau cơn run chừng 30 phút, mồ hôi toát ra đầm đìa. Tức thời nằm ngủ thiếp đi, qua 4 tiếng đồng hồ mới tỉnh. Đại, tiểu tiện đều thông lợi. Tôi liền cắt bài Nhân sâm (đổi làm Sâm Bố chính, dụng lượng nhiều gấp ba), Bạch hổ thang cho uống, hết một thang, rêu lưỡi hết. Kế đó, tôi liền cắt bài Hương sa Lục quân tử thang để điều hòa bổ dưỡng, uống hết 2 thang, khỏi hẳn. Sau khi chữa khỏi bệnh trên, một học trò của tôi có ý thắc mắc hỏi: lưỡi mọc gai nhọn, nhiệt nhiều, khát nhiều, nói sảng... là chứng hậu của Thái dương truyền vào Dương minh, tức thuộc về chứng hậu "Vị gia thực" ở trong Thương hàn. Giờ tiên sinh căn cứ vào đâu mà nhận định là "tà hãm vào Thiếu âm". 

Tiên sinh dùng thuốc để hạ, nhưng sao bệnh đó không do hạ khỏi, mà lại do hãn khỏi...? Xin giải rõ cho biết. Tôi nói: Dương tà truyền vào dương phận với dương tà hãm vào âm phận, cũng đều có hiện tượng lưỡi mọc gai nhọn, nóng nhiều, khát nhiều, nói sảng... Nhưng tại dương phận thì môi rộp, miệng nứt, lưỡi không ẩm ướt, nói sảng luôn miệng mà có nấc. Nếu tại âm phận, thì 

lưỡi tuy mọc gai mà còn có ẩm ướt, miệng tuy khát cũng chỉ có từng lúc, môi khô mà không rộp, miệng ráo mà không nứt, có lúc nói sảng, có lúc tỉnh táo, khác với chứng ở Dương minh là mê man không biết gì... Căn cứ vào những chứng trạng biểu hiện đó, nên mới nhận định là tà hãm vào âm phận. Nhưng dương tà truyền vào dương, với dương tà hãm vào âm, đều cần phải cấp hạ. Tại dương phận thì dùng hàn dược để hạ, tại âm phận thì dùng nhiệt dược để hạ. Chủ yếu là mượn dương làm dẫån đạo, thẳng vào âm phận, chứ không phải là dùng dương dược để trừ bỏ bệnh Sau khi đã thông lợi được, lại phải kíp dưỡng âm để thoái dương và phù Tỳ trợ Vị... Không những nhiệt dược không thể dùng, cho tới những vị hơi tân táo một chút cũng không thể dùng. Còn như bệnh đó sở dĩ giải ra đường "chiến hãn" không phải là Đại hoàng, Phụ tử có năng lực làm cho phát hãn, chính bởi trước kia uống nhiều biểu dược, bị âm tà cố kết, chưa đạt ra cơ biểu được, giờ bị lực lượng của Đại hoàng Phụ tử phá tan âm khí, bao các hàn tà cảm nhiễm trước, đều phải dòn dập tìm đường theo hãn mà ra, nên mới biểu hiện tình trạng "chiến hãn” mà khỏi. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990