BỆNH ÁN VỀ VỌNG CHẨN
ĐIỀU 74. BỆNH ÁN VỀ VỌNG CHẨN
Trong tứ chẩn, vọng chẩn là đứng đầu. Người xưa cho là bậc "Thần”. Nhưng thực tế thì đồng nghiệp ta từ xưa đến giờ ít có người chú ý đến công tác đó, chỉ đổ xô cả về môn "thiết" là bậc "Xảo", thật là một chủ quan đáng tiếc. Tuy vậy, về công tác đó cũng không phải là hoàn toàn không có người đặc sắc.
Trong Phúc Kiến Trung y tạp chí năm 1959 có đăng một bài bút ký đầu đề là "Xem sắc mặt dự biết ngày ốm chết" của Lý Kiệm Di, nội dung tự thuật và phân tích khá tinh vi và lý thú. Tóm tắt giới thiệu bài viết của Lý Kiệm Di như sau:
"Ông nhạc tôi là Vương Hữu Toàn, bình nhật rất ham nghiên cứu học thuyết Âm Dương - Ngũ hành và có tài nhận xét khí sắc để quyết đoán việc sống chết. Có bác họ Du làm nghề chở đò, bạn thân với ông nhạc tôi. Bác ta thể lực rất khỏe, bình sinh chưa từng ốm đau bao giờ. Hôm đó gặp tiết nguyên tiêu, trăng trong gió mát, ông nhạc tôi mời mấy ông bạn đến ngồi chơi ở nhà tôi, uống trà, nói chuyện. Đương lúc chuyện trò vui vẻ, ông nhạc tôi cứ chú ý trông sắc mặt bác Du, bỗng tỏ vẻ không vui, nói với bác Du: hai gò má bác có hai điểm sắc đỏ bằng đầu ngón tay, mà đầu mũi lại có vẻ xanh xám. Đến cuối mùa hạ năm nay e sẽ bị bệnh, mà là bệnh nặng, không khéo nguy đến tính mệnh.... Bác Du nghe nói, đỏ bừng mặt, không bằng lòng, hất hàm một câu: có lẽ nào thế được, tôi không tin....
Không ngờ đến trung tuần tháng 6, bác Du bỗng dưng tinh thần mê man. Bệnh càng ngày càng nặng... Qua các thầy thuốc Trung Tây chẩn trị và cả châm cứu đều vô hiệu. Tôi bấy giờ mới ngoài đôi mươi, mới bắt đầu làm nghề thuốc, cũng điều trị 5, 6 ngày, tự nhận thấy mình học thuật còn nông, kinh nghiệm còn ít, tìm hết cách xoay xở, cũng chỉ nhu ném đá xuống nước, không chút thuyên giảm, rất lấy làm áy náy. Một hôm tôi rủ ông nhạc tôi cùng đến thăm, ông nhạc tôi bảo nhỏ tôi: Ấn đường, sơn căn đen như ám khói, sắp mặt khô khan. Đó là hiện tượng "Hỏa đương phạm kim" sắp hóa thành đốt cháy; khí của Tỳ Vị đã kiệt, hễ gặp ngày Bính Đinh là ngày hỏa vượng, tất sẽ chết. Qua 3 ngày sau, bỗng thấy đờm kéo lên cổ, hơi thở gấp rút, tay chân co giật... dần dần tắt nghỉ.
Qua cái chết của bác Du, tôi mới tin ông nhạc tôi đoán là đúng. Tôi liền yêu cầu giải thích cho tôi biết nguyên nhân cái chết của bác Du. Ông nhạc tôi nói: "Hai gò má với đầu mũi biểu hiện sắc đỏ sẫm, là tượng trưng hỏa thắng hình kim. Ấn đường, Sơn căn ám đen là tượng trưng thổ khí suy kiệt, không còn năng lực sinh khí kim nữa. Mùa Hạ Hỏa vượng, Kim càng bị nung đốt, có khác chi hai búa cùng chặt một cây... Nên mới đoán là sẽ chết về khoảng cuối Hạ đầu Thu.
Nghe qua lời chỉ dẫn, tôi nhận thấy là có căn cứ, có đầu mối rành mạch, không có gì là trừu tượng. Vậy thì nhận xét sắc mặt mà đoán được sống chết có phải là chuyện viển vông đâu".
Trên đây là lời tường thuật lại của Lý Kiệm Di. Xem xong, ta lại liên tưởng đến câu chuyện Biển Thước đoán bệnh Tề Hoàn Hầu và Trọng Cảnh đoán bệnh Vương Trọng Tuyên cũng không phải hoàn toàn là người xưa thêu dệt. Nếu bác họ Du là người có cảnh giác, biết tin theo lưu ý của bạn, mà dùng phương pháp" tả hỏa thanh kim" hoặc "bồi thổ, ức can" ngay từ trước, thì lo gì cuối Hạ sang Thu còn phát sinh bệnh. Xem vậy ta càng nhận thấy học thuyết "Ngũ hành" và "Thiên nhân hợp nhất” của người xưa là đúng.
Nguồn trích: CHƯƠNG V: CHẨN ĐOÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ