Logo Website

CÁC PHƯƠNG THUỐC DO CẢNH NHẠC CHẾ RA

18/02/2021

ĐIỀU 128. CÁC PHƯƠNG THUỐC DO CẢNH NHẠC CHẾ RA 

Cảnh Nhạc chế các bài Lý âm tiễn (Thục địa, Đương qui, Cam thảo, Can khương, Nhục quế), Lục vị hồi dương ẩm (Nhân sâm, Chế phụ, Can khương, Cam thảo, Thục địa, Đương qui...), Vị quan tiễn (Thục địa, Hoài Sơn, Biển đậu, Cam thảo, Can khương, Ngô thù, Bạch truật...) v.v... đều dùng Thục địa gia vào Quế, Phụ, Khương, Thù... để làm loại thuốc phù dương. Có lẽ do quan điểm Nhân sâm quá đắt, không thích hợp với toàn thể bệnh nhân, bất đắc dĩ phải tìm ra một con đường khác để đạt tới mục đích hồi dương, thực cũng là một nỗi khổ tâm của một nhà danh y, vậy mà các y giả đời sau như Trần Tu Viên... chỉ trích không còn nể lời, như "dương đã hư lại còn dùng Thục địa là một loại thuốc "trệ nhị", thì hồi dương sao được? v.v... thật là quá đáng. Sao không nghĩ: bài Bát vị thang, hoàn... chữa chứng dương hư, người xưa rất khen ngợi, tin tưởng. Như Vương Thái Bộc nói: 

"Giúp ích cái nguồn gốc của hỏa để tiêu tán mây mù..." trong bài đó chẳng dùng Thục địa tới 8 lạng đó sao? Chắc Cảnh Nhạc cũng dựa theo cái phương thức đó mà chế thành mấy bài trên. Ta nên biết rằng: Thục địa được phối hợp với Quế, Phụ thì sẽ bổ mệnh hỏa để sinh Tỳ thổ; Thổ vượng sẽ sinh được Kim. Như vậy tức là bổ từ cái nguồn của khí. Tôi nghĩ: gặp những chứng âm thịnh dương suy, nên kíp phải cứu dương, nên dùng những bài như Lý trung, Ôn Vị v.v... Nếu âm dương đều hư thì nên chọn dùng những bài của Cảnh Nhạc, hàn nặng lắm thì liệu gia Quế, Phụ, Khương, Thảo cho đúng mức, rất công hiệu. Chữa bệnh, lấy khỏi bệnh làm chủ yếu, hà tất cứ phải nêu cao cổ phương, đè bẹp kim phương, mới tỏ ra là mình có học lực hay sao? 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990