Logo Website

CẢNH NHẠC VỚI NHI KHOA

17/02/2021

ĐIỀU 127. CẢNH NHẠC VỚI NHI KHOA

Không chỉ riêng tôi e ngại chữa bệnh trẻ em, cả đến bực đại danh y đời xưa như Trương Cảnh Nhạc, lắm khi cũng lâm thế bí, phải hết sức suy nghĩ mới thu được kết quả. Xem y án của Cảnh Nhạc chữa cho người con thứ hai càng thấy chữa nhi khoa là khó. 

"Cảnh Nhạc nói: con trai thứ hai của tôi khi mới lên hai, đầu mùa thu bị cảm hàn, phát nhiệt, mạch hơi Khẩn. Tôi vốn biết tạng khí của nó thuộc âm, không dám dùng phương pháp thanh giải. Dùng các vị Khung, Tô, Khương, Chỉ, Tế tân, Sinh khương v.v... để tán bỏ hàn tà. Sau khi uống hết một thang, không những nhiệt không lui mà lại đại tả. Đi tả luôn 2 ngày, lại thêm chứng khí suyễn. Lúc đó, nếu là hàn khí thịnh, thì sao cho uống ôn dược mà lại tả? Nếu cho là hỏa hình kim... thì có lẽ nào đã tả luôn 2 ngày mà còn có thể dùng thuộc hàn lương? Nếu cho là biểu tà chưa khỏi, thì sao dùng phương pháp sơ tán mà lại không hợp? Thật hoang mang chưa biết xoay sở ra sao... Lại nhận thấy chứng hậu biểu lý đều nặng, quyết không thể dùng những bài thuốc tầm thường có thể vãn hồi; nghĩ đi nghĩ lại mãi sau mới mạnh dạn dùng: Nhân sâm 2 đ.c., Sinh khương 5 phiến, sắc lấy nước đặc, dùng thìa nhỏ đổ cho 2, 3 thìa rồi bế vào lòng, đi vòng quanh nhà, để nghe xem hơi thở lên lui như thế nào.. Bế một lúc lâu, suyễn tuy chưa giảm, nhưng cũng không thấy tăng... lại cho uống 3, 4 thìa nữa. Nghe một lúc, hơi thở hình như đỡ gấp, liền cho uống thêm đến lưng chén. Nhận thấy đã có công hiệu. Liền từ trưa đến chiều cho uống hết một thang. Vừa lúc đó có một lương y đến chơi, thấy tôi cho uống như vậy, liền nói: ông nhầm to rồi, thở suyễn đến như thế, dùng Sâm sao được, phải kịp mài Bảo long hoàn cho uống, không thì nguy... Tôi không theo, lại dùng Sâm 2,5 đ.c. và gừng sống 5 phiến sắc cho uống, từ chập tối đến nửa đêm uống hết. Thở suyễn khỏi hẳn, ngủ một giấc rất say, đồng thời chứng tả và sốt nóng cũng đều khỏi. Bệnh này sở dĩ chữa như vậy mà khỏi, là vì tối thấy đã tả mà vẫn suyễn, tất là trung khí đã hư. Nếu là thực tà, thì suyễn phải theo với tả mà giảm... Chỉ một điểm đó đủ thấy rõ là hư với thực. Nhưng nếu lập trường không vững, thấy sự chỉ trích của ông lương y kia, mà đổi sang phương pháp thanh nhiệt, thì Trung khí tất phải thoát, sẽ nguy tính mạng... Lúc đó, tất có người lại đổ cho là tại uống Sâm! Ai phải, ai trái, còn biết căn cứ vào đâu mà thanh minh...?”. 

Cảnh Nhạc lại còn một án nữa, chữa cho người con út, cũng rất chật vật như: 

"Cảnh nhạc chữa người con út, mới sinh được nửa năm, bị nhiễu hàn, vừa thổ vừa tả, bệnh thế rất kịch. Trước dùng loại thuốc ôn Vị hòa Tỳ, không khỏi, liền đổi cho uống Lý trung thang. Qua 3 ngày sau, gia Nhân sâm và các vị Khương, Quế, Ngô thù, Nhục quả... cũng không khỏi. Đến 4, 5 ngày sau, thì bú vào được bao nhiêu, lại thổ ra một nửa và tả ra một nửa. Trong bụng không còn chứa đựng chút gì... Liền dùng Nhân sâm 6 đ.c, Chế phụ, Khương, Quế mỗi vị 2 đ.c. sắc cho uống. Uống vào miệng lại thổ tả ra ngay, cũng không sót một giọt. Mà chất nước tả ra, vẫn trắng sạch, không hôi thối, hoàn toàn là sữa không hề thay đổi... Nhận xét về hình thể và chứng hậu thật là muôn phần khó khăn, không còn hy vọng sống. Nhân tự nhủ: khí hàn phạm Vị mà thổ tả mãi không cầm, ngoài Sâm, Phụ, Khương, Quế... còn cách gì chữa hơn được nữa. Nghĩ đi nghĩ lại mãi, sau lại tự nhủ: Vị hư đã đến cực độ, nếu khí vị các vị thuốc hơi có chút không thích hợp, tất nó sẽ ngăn cản lại mà không thu nạp... huống chi là cái vị mặn của Phụ tử, cũng có thể làm cho phát nôn... Giờ chỉ có cách dùng thứ gì khí vị vừa ngọt vừa cay may ra mới hợp với Vị khí... mà không khỏi sinh ra bệnh biến. Nghĩ vậy liền dùng Hồ tiêu 3 đ.c. giã nát, gừng nướng 1 lạng, hai vị hợp làm 1 sắc lấy nước đặc. Lại dùng Nhân sâm 2 lạng cũng sắc riêng lấy nước đặc. rồi cứ mười phân nước Sâm thì hòa với một phân nước Hồ tiêu đong vào thìa nhỏ, đổ cho uống. Lần này uống vào không thổ nữa. Cứ thế cho uống dần, bắt đầu từ giờ Sửu hôm trước, đến giờ Mùi hôm sau vừa hết một thang. Bỗng dưng trằn trọc rên rỉ, có vẻ rất khó chịu. Người nhà đều ngờ là vì uống nhiệt được nhiều quá mà sinh ra biến chứng. Tôi nghĩ: Nếu thuốc không hợp bệnh có lẽ nào lại chịu đựng được từ gà gáy đến chập tối, mới sinh ra biến chứng? Tất là do 2, 3 ngày không ăn uống gì, đến giờ Vị khí mới hồi phục, mà trong bụng rỗng không, nên mới sinh ra trằn trọc như vậy... Liền bảo lấy bát cháo loãng để lại gần xem sao, thì thấy có vẻ thèm thuồng, như muốn vồ ngay lấy, liền lấy thìa xúc cho ăn, ăn rất ngon, hết cả lưng bát... ăn xong, nằm ngủ rất ngon lành. Ngày hôm sau, lại gia thêm Phụ tử, chứng đi tả mới hoàn toàn khỏi, Xem vậy thì chứng trằn trọc ở trên, chẳng qua chỉ vì đói... Nếu lúc đó sơ ý mà dùng thuốc lương giải, thì bao nhiêu công lao trước đây đều mất hết. Lại như lúc bắt đầu dùng 2 đ.c. Sâm không chút công hiệu, nếu không biết là dược lực chưa đầy đủ mà đổi sang dùng loại thuốc khổ hàn, thời cũng đến chết uổng, mà kẻ xấu lại có thể dựa vào đó để chỉ trích mình dùng Sâm là nhầm...” 

Xem 2 y án của Cảnh Nhạc trên, càng nhận thấy chữa Nhi khoa là khó. Cả 2 y án, cái nào cũng dùng Quế Phụ mà đều thu được kết quả tốt.. Cảnh Nhạc có thật hoàn toàn là “Trương Thục địa" đâu! Có một điều, Nhân sâm mà dùng tới 2. 3 đ.c. và 2 lạng thì là một điểm "gây” cho người đời nay (hiện nay (1963) Sâm Cao ly hạng nhất hơn 70 đồng 1 lạng), nhưng Cảnh Nhạc cũng không phải là không biết sử dụng linh hoạt quyền biến, như ngại Phụ tử vị mặn, trung khí uống vào dễ thổ, chuyển dùng Hồ tiêu vừa cay vừa nóng cho thích hợp với Vị khẩu.. Vậy thì chúng ta ngại gì mà không quyền biến, Nhân sâm đắt quá và hiếm thì nên đổi dùng Sâm Bố chính, sâm Nhẫm, miễn là biết cách bào chế, và dùng gấp bội lên. Đó là những quan điểm mà đồng nghiệp chúng ta hiện nay (1963) cần khắc phục và quyền biến. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990