Logo Website

CHÂM CỨU CHỮA HOÀNG ĐẢN

05/01/2021

ĐIỀU 77. CHÂM CỨU CHỮA HOÀNG ĐẢN 

Đinh Vãn Quang, 47 tuổi, nghề nông, quê làng Phù Long, huyện Phúc Thọ (Sơn Tây), tháng 7 năm 1957 khi vụ gặt chiêm phơi phóng vừa xong, bị bệnh sốt nóng, sợ rét, tinh thần mỏi mệt, ăn uống kém sút... Mỗi cơn sốt kéo dài tới 3, 4 giờ mới lui... Trước còn mỗi ngày một cơn, sau dần dần 2, 3 ngày một cơn... cứ dai dẳng như thế mãi tới tháng 5 năm 1958, bỗng thấy màu da biến thành sắc vàng, cả lòng trắng mắt cũng vàng. Trong gần một năm trời đó đã uống khá nhiều các thuốc Tây, Ta, mà chỉ như muối bỏ bể. Đến lúc da biến sắc vàng, lại xoay sang chữa Hoàng đản, chữa mãi tới tháng 4 năm 1959 cũng vẫn không kết quả. Tới trung tuần tháng 10, người nhà đưa đến nhà tôi điều trị. Xét về hiện chứng sốt nóng, rét run, cứ 2,3 ngày lên một cơn. Sắc mặt vàng xạm, không có vẻ bóng; hai bên lòng trắng mắt đều vàng; khắp mình màu da cũng xạm xỉn; bụng trên đầy tức khó chịu, uống ăn kém sút; khi ăn vào, bụng lại càng đầy tức; thường váng đầu hoa mắt, trong tâm hồi hộp, tinh thần mỏi mệt, tay chân gầy róc, nhiều khi giá lạnh; ỉa lỏng, sắc vàng; nước tiểu vàng đục, có lúc đỏ sẫm; rêu lưỡi trắng nhợt và nhớt... Mạch Huyền, Trì, Hoãn; bên trái cường, bên phải nhược. Xét về hiện tượng, đúng như bệnh Cốc đản trong Kim quỹ Trọng Cảnh nói: "Bệnh cốc đản, phát hàn nhiệt, không ăn được, hễ ăn vào thì choáng đầu hoa mắt, Tâm Tỳ không yên, lâu thì phát hoàng, gọi là Cốc đản...” So với bệnh này thật không khác. Đến như các nguyên nhân phát sinh chứng Cốc đản, trong Kim quỹ cùng nói rõ: "Phong với hàn chọi nhau, ăn cơm vào hoa mắt, cốc khí không tiêu; trong Vị chứa nhiều trọc khí, sẽ luôn luôn chảy xuống phạm vào Thận; Thận âm bị trọc tà xâm phạm, không những làm cho tiểu tiện không thông lợi, đồng thời những chất vẩn đó lại chạy vào Bằng quang, ứ đọng lại, đến nỗi làm cho khắp mình biến thành Hoàng đản... Như vậy gọi là Cốc đản". Xem đoạn nói đó, đủ thấy rõ là bệnh này phần nhiều do phong hàn từ bên ngoài phạm vào, Tỳ hư không tiêu hóa được thức ăn, ăn vào không tiêu, thì trong Vị sinh ra trọc khí, trọc khí đó trước phạm vào Thận, sau dồn ra Bằng quang, gây nên tình trạng phát hoàng. Lại xét: bệnh nhân vốn là nông dân, hằng bị mưa dầm dãi nắng, uống ăn lại khi no khi đói không đều, Tỳ Vị rất dễ bị thương, mất sự vận hóa nên mới phát sinh bệnh này. Căn cứ vào hiện chứng và tài liệu trong Kim quỹ có thể đoán định bệnh này là "Cốc đản" vì bệnh phát sinh đã quá lâu, bệnh tà và chính khí đều đi tới tình trạng kém sút, nên phải dựa vào mặt "âm hoàng" để điều trị. Chủ yếu là ôn bổ Tỳ Vị, một khi Tỳ Vị đã khỏe, thì thấp khí sẽ tiêu, không chữa hoàng mà hoàng tự khỏi. Phương pháp điều trị: cứu làm chủ yếu, châm là thứ yếu. Các huyệt sử dụng, ngoài các huyệt kinh nghiệm của người xưa, như Uyển cốt, Chí dương, Lao cung, Nội quan... còn lấy các du huyệt, Mộ huyệt làm chủ, như Can du, Tỳ du, Vị du, Đởm du, Trung quản, Chương môn, Kỳ môn v.v... đều thay đổi sử dụng. Bởi Du với Mộ đều là nơi lưu trú, du tổng của bản kinh bản tạng; châm cứu các huyệt đó có mục đích là trực tiếp tới bản tạng để đi tới tác dụng điều chỉnh và khôi phục. Ngoài các huyệt của Đốc mạch như Đại chùy, Thân trụ, Chí dương v.v... Các huyệt của Nhâm mạch như Quan nguyên, Khí hải và các huyệt của Tỳ Vị như Túc tam lý, Tam âm giao v.v... đều có tác dụng cường tráng và điều bổ... cũng đều thay đổi sử dụng. Phần nhiều châm rồi lại cứu, có khi chỉ cứu không châm. Tôi ấn định cứ 4 ngày là một liệu kỳ. Hết một liệu kỳ, nghỉ 2 ngày, lại tiếp tục trị liệu. Qua 2 liệu kỳ trước, bệnh tình chỉ đứng vững, không hề thay đổi. Từ liệu kỳ thứ 3 trở đi, mỗi ngày thấy giảm bớt dần dần.... Tới hết liệu kỳ thứ tư, ăn đã ngon, mỗi bữa 3 bát, mà sau khi ăn xong, không còn có những hiện tượng hoa mắt, đầy ưu tư như trước nữa. Trước sau, cứu và châm tới 8 liệu kỳ, các chứng trạng hoàn toàn khỏi hẳn. Bệnh nhân xin về quê. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VI: KINH LẠC VÀ CHÂM CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990