Logo Website

CHƯƠNG I: NHẬN THỨC VỀ Y ĐẠO

02/12/2020
Phương ngôn có câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe..." Trong Luận ngữ có câu: "Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết; như vậy tức là biết đó” “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Nhưng thế nào là "biết", thế nào là "không biết", phân biệt cho được rành mạch điểm này thật rất khó. vì ở đời còn có hạng người không biết mà tự cho là biết, lại chê người khác là không biết... thì làm thế nào mà biết được chỗ không biết của người đó?

ĐIỀU 1. Y GIẢ TỒN TÂM 

Một danh y triều Mãn Thanh bên Trung Quốc thường nói: "Y giả tồn tâm, tu thị thiên hạ vô bất khả trị chi bệnh; kỳ bất trị giả giai ngã chi tâm vị tận dã" (Người thầy thuốc nên có tấm lòng coi ở đời không có một loại bệnh tật nào là không chữa khỏi; sở dĩ có bệnh chữa không khỏi, đều do mình chưa hết lòng đó thôi...). Hải Thượng Lãn Ông cũng viết ở bài Tiểu dẫn trong tập Âm án: "Người ta khi ốm đau, đem cả tính mạng gửi vào trong tay người thầy thuốc. Nếu gặp bệnh biến khó khăn mà khoanh tay từ chối không chữa, thì đời còn quý chi người thầy thuốc ấy nữa? Vậy dù biết là bệnh chết đến nơi, cũng chỉ nên bảo nhỏ cho gia đình bệnh nhân biết, còn tự bản thân ông thầy vẫn phải cố gắng nghiên cứu suy nghĩ, họa may còn cứu vãn được phần nào, tuyệt nhiên không nên "thấy sóng cả mà rã tay chèo". 

Xem hai câu nói của hai vị trên, thật đáng là danh y. 

ĐIỀU 2. ĐẠO LÀM THUỐC KHÓ 

Khu Hoài Tố viết bài tựa tập Lý hư huyền giám của Ỷ Thạch, có câu: "Bất tri thiên địa nhân bất khả giữ ngôn y, bất thông Nho, Phật, Tiên bất khả giữ ngôn y" (Không hiểu biết trời, đất, người, không thể cùng nổi nghề làm thuốc; không thông suốt Nho, Phật, Tiên, không thể cùng nói nghề làm thuốc mới nghe như quá viển vông, người chỉ học khoa học y đời nay cũng không khỏi cho là viển vông. Nhưng nếu học thuộc Nội kinh cho thật kỹ, thì nhận thấy không có gì là viển vông mà đều là chính xác. 

ĐIỀU 3. ĐẠO LÀM THUỐC NÊN UYÊN BÁC 

Các bậc danh y đời xưa dùng thuốc chữa bệnh, trước như lập ngôn, thường hay mắc cái bệnh "thiên chấp", nghĩa là chủ trương một đường hướng riêng,... như Lưu Hà Gian chuyên về khổ hàn, Lý Đông Viên chuyên về ôn bổ, Chu Đan Khê chuyên về tư âm, Trương Cảnh Nhạc cũng chuyên về ôn bổ, Trương Tử Hòa chuyên về công hạ,v.v..1 Các vị đổ, tuy đều có sở trường, đều có công bổ sung thêm lý luận cho nền Đông y, nhưng vì đã có ”sở thiên” nên khi trước thư lập ngôn không khỏi biểu hiện ra thái độ chê bai công kích lẫn nhau, khiến người đời sau, nếu chỉ được đọc có một bộ thì tin ngay bộ đó là hoàn toàn đúng, rồi cũng cứ tuân theo cái "sở thiên” của bộ đó mà hành nghề, mà "cứu nhân độ thế”. Về vấn đề này, ở Trung Quốc tuy cũng có mắc, nhưng sách vở có nhiều, sự lưu hành dễ dãi, nên người có chí muốn tham khảo cũng dễ dàng. Còn như ở nước ta, về ngành y dược, tuy cũng đã có giao lưu với Trung Quốc từ lâu, nhưng về thực tế, các y thư cũng không lưu truyền sang được mấy. Có chăng, chỉ các nhà đại gia thế phiệt, được đảm nhiệm chức vụ ngự y, phục vụ cho vua chúa và gia đình vua chúa thì mới có đầy đủ, nhưng họ chỉ giữ làm gia bào để chức vụ của họ được bền lâu mãi mãi... Còn đem mà lưu truyền ra ngoài dân gian rất hiếm. 

Do đó, các nhà làng ở nước ta đời trước, phần nhiều chỉ được đọc có mấy bộ như Y học, Cẩm nang, Cảnh nhạc, Thọ thế, Vạn bệnh v.v... Vì thế nên kiến thức về chuyên môn cũng không khỏi có hạn và có "sở thiên". Từ Linh Thai có câu: "Bất bác cực quần thư bất năng vi y" (Không xem rộng hết mọi sách, không thể làm nghề y). Lời nói tuy có vẻ tự phụ, nhưng xét cho kỹ thì thật rất đúng. 

ĐIỀU 4. ĐÔI ĐIỀU VỀ Y THUẬT 

Tiết Sấu Ngâm soạn bộ Sấu ngâm y chuế, trong đó có đoạn nói: "Phàm những bệnh mà đời nay gọi là thương hàn đều thuộc về loại bệnh ôn nhiệt cả. Còn như những chứng hậu của các bài Ma Quế và Thanh Long... thuộc thiên Thái dương thì có rất ít. Khi bệnh mới phát sinh chỉ nên dùng Thông sị hợp với Lương cách tán, để vừa tán biểu tà, vừa thanh lý nhiệt, bệnh nhân sẽ ra mồ hôi nhâm nhấp mà khỏi..." 

Lại nói: "... Phàm thăm bệnh ôn nhiệt, nên lấy các chứng trạng biểu hiện như lưỡi nhuận hay ráo, bệnh nhân có khát hay không làm chủ yếu". 

Xét về lịch sử hành nghề của Sấu Ngâm không được phát đạt mấy, suốt đời ở trong vòng khốn quẫn... Nhưng xét về học thức và lý luận thì có thể gọi là giàu. Con trâu có hai sừng thì phải thiếu một hàm răng, con chim đã có hai cánh thì lại chỉ có hai chân... Cái quy luật "thừa trừ" đó, có lẽ không ai tránh được chăng? 

ĐIỀU 5. ĐỞM LƯỢC CƯƠNG QUYẾT CỦA THẦY THUỐC (I) 

Người thầy thuốc chữa bệnh, không những phải có học thuật tinh tường, không sao nhãng thuyết cổ, mà cũng không câu nệ thuyết cổ, lại còn cần phải có đởm lược mới nắm vững được lập trường, khỏi thấy sóng cả mà rã tay chèo. Xem y án của Vương Mạnh Anh, thấy có nhiều trường hợp ông chữa tài tình và cương quyết. Thí dụ. 

Một người đàn bà vừa mới đẻ hôm trước, đến hôm sau bị ngay chứng đi tả, rồi phát nhiệt, kính quyết, hôn, cuồng. Mạnh Anh tới thăm, mạch Huyền, Hoạt, ác lộ vẫn ra như thường. Chẩn xong, Mạnh Anh nói: "Đây là một chứng bị phục thử từ thai tiền, thừa thế khi mới đẻ huyết hư, đờm trệ mà phát sinh. Liền cắt cho một thang lớn, nội dung có các vị như: Tê giác, Linh dương giác, Huyền sâm, Trúc diệp, Tri mẫu, Hoa phấn, Chi tử, Khổ luyện, Kim ngân hoa v.v... Uống hết một thang, khắp mình mọc lắm nốt lấm tấm đỏ mà chứng "kính” khỏi, tinh thần cũng tỉnh táo. Rồi cho uống thêm vài thang khí vị "thanh túc” nữa, khỏi hẳn. 

Xem y án trên này, ta nhận thấy: Sau khi đẻ mới có một ngày mà đã phát sinh chứng hậu khá nặng. Nếu gặp lương y câu nệ thuyết "sau khi đẻ kỵ hàn lương" mà dùng ôn dược để dòn bỏ ứ huyết, hoặc dùng ôn dược để bổ nguyên khí v.v... thì bệnh tật càng thêm nặng, mà có khi không thể cứu. Mạnh Anh đối chứng dùng thuốc, cương quyết dùng phương pháp "thanh nhiệt tức phong” kết quả chỉ một thang mà thu được hiệu quả rõ rệt. Thật là vừa có Đởm lại vừa có Thức. Xem án này, càng nhận thấy Mạnh Anh biện chứng luận trị rất tinh tế. Căn cứ vào vấn chẩn: "ác lộ vẫn ra", nên không dùng đến loại thuốc hành ứ; căn cứ vào "mạch Huyền", nên biết là Can phong nội động; căn cứ vào "mạch Hoạt" nên biết là đờm nhiệt làm hại. Còn sở dĩ dám đoán là "thai tiền phục thử” là căn cứ vào chứng "phát nhiệt, kính quyết” Vậy ta có thể nói tóm lại rằng: "Đó là một bệnh án thai tiền phục thử, nhân sau khi đẻ huyết hư, âm khuy, đờm trệ mà kích động phong dương". Về ý nghĩa sử phương thì là: "tức phong tư âm, rửa sạch và làm mát đờm nhiệt". Mạnh Anh kế thừa học thuyết “Sản hậu bệnh kính, lấy tư âm tức phong làm chủ yếu”của Diệp Thiên Sĩ và Ngô Cúc Thông mà vận dụng một cách linh hoạt. Ngô Cúc Thông có nói: "Trong Tâm điển nói: “Huyết hư mồ hôi ra, gân mạch không có gì nuôi dưỡng, phong lại lọt vào làm cho càng thêm kính (thân thể cứng đờ), đổ là bệnh tại Cân. Vong âm huyết hư, dương khí liền bị quyết (bi át lại lạnh đi), mà hàn tà lại làm cho uất át thêm, thì váng đầu và mờ mắt... Đó là bệnh tại Thần, Vị chứa tân dịch, để tưới khắp các Tạng; mất tân dịch thì Vị táo, Đại trường sẽ mất thấm nhuần, sinh ra chứng đại tiện khó. Đó là bệnh tại tân dịch. Ba loại bệnh trên tuy khác nhau, mà nguyên nhân do mất huyết và tân dịch thì như một. Và đều là những loại bệnh hiếm mà sau khi đẻ đều có thể có". Tôi nghĩ ba loại bệnh trên, đều có thể sử dụng các bài như Tam giáp phục mạch, Đại, Tiểu định phong châu và Chuyên hấp cao làm chủ. Các bài đó đều chú trọng vào “tư âm". Như ông Mạnh Anh chữa bệnh trên là chỉ bắt chước ý mà không sử dụng bài. Thật là "học cổ mà hóa”. 

ĐIỀU 6. ĐỞM LƯỢC CỦA THẦY THUỐC (II) 

Mạnh Anh lại có một y án chữa cho Trương Võ Nông cũng rất tài tình. Y án như sau: 

"Mùa xuân năm Mậu Tuất, viên quan Tư mã là Trương Võ Nông có ý muốn mời Mạnh Anh cùng đến Hoàn Sơn với hắn. Mạnh Anh thấy bệnh của Võ Nông bị đã lâu và nặng, lại thêm việc công bề bộn, tâm tình không được thoải mái, khó lòng trông cậy về thuốc mà khỏi được. Đã từ chối không đi, sau vì khẩn khoản quá, đành phải cùng đi. Trong khi cùng ngồi thuyền đi đến Diễm Khê, Võ Nông thuật lại quá trình bị bệnh tình của mình rất tỉ mỉ. Mạnh Anh bỗng dưng cất tiếng hỏi: "Có lẽ đã từ lâu đến giờ ông chưa từng hắt hơi bao giờ chăng?” Võ Nông nói: "Vâng! Đã ngót hai năm nay tôi không hắt hơi lần nào. Vậy chẳng hay có can hệ gì không?” Mạnh Anh nói: "Đó là do dương khí không được tuyên bố. Từ xưa đến nay chỉ có ông Trọng Cảnh là bàn tới vấn đề đó, nhưng chưa lập phương. Giờ tôi xin lập một phương để giúp ông, xem sao?”. Nói rồi liền kê một đơn, dùng các vị: Cao ly sâm, Can khương, Ngũ vị tử, Thạch xương bồ, Giới bạch (sao rượu), Bán hạ, Quất bì, Tử uyển, Cát cánh, Cam thảo... Bấy nhiêu vị làm một thang. Kê xong đơn, cho lên bờ cắt thuốc, sắc thuốc ngay ở trong thuyền. Sau khi uống nước thứ nhất, cách chừng một giờ Võ Nông đã hắt hơi luôn 3, 4 tiếng. Dụng được thật là tài tình! 

Thuộc về vấn đề "hắt hơi", do cơ năng sinh lý của con người biến chuyển như thế nào, thiên Khẩu vấn trong Linh khu đã có thuật một cách tường tận: Hoàng đế hỏi: "Con người có khi hắt hơi, do khí gì gây nên?" Kỳ Bá đáp: "Dương khí điều hòa thuận lợi, đầy ở Tâm, phát tiết lên mũi thì thành hắt hơi..". Xem đó ta nhận thấy có lẽ Võ Nông là một người tạng thể dương hư, nên Mạnh Anh mới chế một phương có tác dụng "ôn khí” và "tuyên khí" như trên. Chính hợp với ý nghĩa "dương khí điều hòa thuận lợi” ở Nội kinh, nên mới thu được hiệu quả. Do đó, càng chứng tỏ Mạnh Anh rất khéo vận dụng Nội kinh. Về ý nghĩa bài thuốc, Thạch Lan Tôn trong Vương Thị y án 

dịch chú có viết: "Trong bài này dùng Ngũ vị có ý nghĩa rất tinh. Theo nguyên tắc trị liệu: Muốn làm cho thăng, phải làm cho giáng trước. Phàm thuộc về khí, chưa từng không giáng được mà lại thăng được bao giờ". Thuyết của họ Thạch kể cũng đúng. Nhưng ý riêng tôi thì còn có một nhận xét khác. Vì xem kỹ lời thuật trong y án, thì Võ Nông là một người bị bệnh lâu ngày và hư yếu. Nên chỉ dụng dược còn cần phải chiếu cố tới thể chất của bệnh nhân. Trong bài dùng các vị Giới bạch, Bán hạ, Thạch xương bồ, Quất bì, Tử uyển, Cát cánh... đều là các vị có tác dụng tuyên khí, điều khí, giáng khí, thông khiếu... khá mạnh. Tựu trung, tuy có Nhân sâm, Can khương có sức mạnh "ôn phù dương khí" để nên bớt sức mạnh của các vị kia, nhưng cũng còn e sức không đầy đủ, không phù hợp với thể chất hư yếu của bệnh nhân, nên mới thêm Ngũ vị có vị "toan" để làm cho liễm bớt thêm một phần nữa, đồng thời lại làm dịu cả cái vị "tân" của Can khương. Không biết dụng ý của Mạnh Anh có phải như vậy không? 

ĐIỀU 7. TỪ LINH THAI BÀN VỀ Y ĐẠO 

Từ Linh Thai là một đại danh y đời Thanh, vốn sống thanh cao, nên không ai có thể dựa vào quyền quý để mua chuộc. Ông thường nói: "Không xem rộng hết các sách, không thể là lương y“... Văn ông viết giản dị và hùng hồn, nhất là phê phán những nhận thức sai lầm của các thầy thuốc đương thời, lời lẽ lại càng thống thiết và thẳng thắn, không kém phần "chặt sắt, chém đinh" như thầy Mạnh Kha. Như bài luận về "Y gia" tức là một thiên phê phán về hành động của các y giả đời bấy giờ. ông viết: 

"Y giả trình độ hơn kém không đều, điểm này ai cũng rõ. Nhưng nếu thực tâm cẩn thận thì cũng chưa đến nỗi giết người. Nếu lại xoay ra mưu toan lừa dối, thời tai hại thật không thể lường. Hoặc đặt ra kỳ phương để lập dị, hoặc dùng những vị hiếm để dối đời; hoặc dùng những loại thuốc bổ nhiệt như Sâm Nhung để xu phụng bọn giàu sang; hoặc thác danh là phương thuốc của thần tiên để lừa dối người khờ đại; hoặc đặt ra các luận điệu quái gở viển vông, để dọa đời lấy tiếng; hoặc bịa đặt làm các thuyết của sách cổ; kinh xưa để nạt chúng khoe tài; hoặc biết là bệnh này thì ai cũng hiểu, lại nặn ra một cái tên bệnh khác để tỏ ra mình là học rộng biết sâu; lại như chữa bệnh Thương hàn về mùa đông, lại gia thêm vị Hương nhu vào trong bài thuốc chữa Thương hàn, rồi rêu rao đó là thử bệnh.... Thực ra thì Hương nhu đã hết khí vị, làm như vậy chẳng qua chỉ là một cách bịp đời.... Lại có kẻ chữa bệnh nhiệt mà lại gia Phụ tử vào trong lương dược mà bệnh khỏi, rồi nói ba hoa rằng bệnh đó chính là chân hàn... có biết đâu rằng Phụ tử họ đã luộc tới trăm lần, còn có chi là tân nhiệt nữa... Những hạng người đó chẳng qua chỉ là muốn dối người để cầu lợi, hoặc giả cũng có hiểu đôi chút y lý, nhưng vì tấm lòng tư lợi quá nặng, thời cũng khó lòng thu được kết quả. 

Xem những lời miêu tả về hành động của các "danh y" (chữ danh đây là ranh mãnh) ở trên, ta nhận thấy: thiên lý tuy không đồng phong, mà nam bắc sao lại cùng lối, có lẽ ở đời chưa bao giờ xóa bỏ được chữ "ngã", thì con người cũng chưa bao giờ gột rửa hết được niềm "tư"? 

ĐIỀU 8. HIỂU ĐÔNG Y HÃY NHẬN XÉT ĐÔNG Y 

Phương ngôn có câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe..." Trong Luận ngữ có câu: "Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết; như vậy tức là biết đó” “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Nhưng thế nào là "biết", thế nào là "không biết", phân biệt cho được rành mạch điểm này thật rất khó. vì ở đời còn có hạng người không biết mà tự cho là biết, lại chê người khác là không biết... thì làm thế nào mà biết được chỗ không biết của người đó? 

Có hiểu Đông y mới phê phán được Đông y.... Ý này là một sự cảnh tỉnh cho những người không phải Đông y mới sắp bước vào Đông y. Chỉ đáng tiếc trong giới Đông y lại có những người có học, có tài, có danh vọng, tự cho mình là đã thấu triệt y lý của Đông y, có thể làm lãnh đạo cho Đông y, lại chuyên đi cóp nhặt cái "da lông, cặn bã" của Tây y để chê bai chế diễu Đông y như Lục Uyên Lôi, Dư Vân Tụ v.v... Dư Vân Tụ chẳng đáng kể, còn Lục Uyên Lôi trong Thương hàn kim thích, Kim quỹ kim thích, có nhiều chỗ nghị luận thật đáng tiếc... Khiến cho khi đọc đến, không khỏi ngậm ngùi bực tức, tiếc cho cái tài, cái học của Uyên Lôi! 

ĐIỀU 9. SỰ SỐNG CỦA CON NGƯỜI 

Con người, nếu không biết vì đâu mà sống, thì không biết vì đâu mà chết; không biết vì đâu mà chết thì không biết vì đâu mà ốm; không biết vì đâu mà ốm thì không biết do đâu để chữa. Cho nên biết được sống, biết được chết, mới biết được ốm và yên, đồng thời biết được cả phép chữa. 

Con người sở dĩ sống được là nhờ ở "Thần", Thần sở dĩ yên được là nhờ ở khí. Khí được bình hòa thì thần sẽ yên mà không ốm; khí mất bình hòa thì thần sẽ tán loạn mà chết. Thần với khí là tính mạng của con người. Thần thuộc Tâm, khí thuộc Thận. Vậy hai tạng của Tâm Thận, là nơi tính mạng của con người gửi ở đó. Quan trọng biết chừng nào! Cho nên: mạch quí có thần, hình quí có khí. Thần khí chữa được, bệnh tuy nguy cũng yên; thần khí rối loạn, bệnh tuy nhẹ cũng nguy. Nhưng thần khí sở dĩ suy hay vượng là do Dương minh Vị. Phàm người chữa bệnh, quyết không thể bỏ quên Vị. Cho nên ở Nội kinh nói: "...Vị khí là bản". Nhưng Thận lại là cửa của Vị, con người khi mới sinh, bắt đầu từ Thận; con người khi bị ốm, phần nhiều cũng ở Thận. Thận – Thận chính là gốc của sinh mạng. Nếu mạch ở Thận bộ không kém sút, ốm dù nặng cũng có thể sống, mạch ở Thận bộ bị kém sút, bệnh dù nhẹ cũng có thể chết. Bởi Thận bị thương tức là Tiên thiên bị thương, do đó Hậu thiên là Vị cũng bị đứt rễ mà không khỏi tai hại. Phàm người ốm lâu mà không chết, là do Thận thương chưa tới Vị; nếu tới Vị, tất sẽ chết. Cho nên, cái bí quyết đoán bệnh là ở hai "Thiên". Một thiên bị thương thì ốm, cả hai bị thương thì chết. Bệnh thế khi đã đến cả hai Thiên đều thương, mà cố chữa là rất ngu; nếu cả hai đều chưa bị thương mà chết, là người chữa làm cho chết. Khi lâm sàng không biết nắm vững hai điểm đó là người chưa biết làm thuốc. Người biết làm thuốc, cần phải nắm vững hai điểm đó để định hướng điều trị và tiến thoái. 

ĐIỀU 10. DÙNG THUỐC KHÔNG NÊN CÂU NỆ 

Y lâm tân luận của Lục Lệ Kinh có đoạn nói: "Người ta dầu dãi trong mùa nắng nực, mà vẫn mạnh khỏe như thường là nhờ có nguyên khí bền vững, thắng được thử tà. Theo thói quen của người đời, cứ đến mùa Hạ, thường đem bài Hương nhu ẩm để uống thay nước. Nhưng không biết rằng Hương nhu tính vị tân ôn, có thể làm tẩu tán mất chân khí; Hậu phác khí lực cay và mạnh, làm tiêu tán nguyên dương, sẽ mở lối cho Thử tà phạm vào... Thật là tai hại. Lại có người chuyên pha Lục nhất tán để uống. Không biết rằng Cam thảo tính tuy bình hòa, nhưng nếu là người thường có chứng bụng đầy, thở suyễn và bụng nhiều tích trệ, cũng không nên dùng, Hoạt thạch có tác dụng lợi khiếu; người biểu hư mà uống nó, thường làm cho vệ khí kém bền chặt; người có chứng di tinh mà uống nó, thì "tinh quan" (1) lại càng lỏng lẻo... Lợi chưa thấy đâu mà đã bị hại. Người có chí dưỡng sinh, nên thận trọng. 

ĐIỀU 11. BÀN VỀ PHÉP TẮC TRỊ LIỆU 

"Tắc nhăn tắc dụng: Thông nhân thông dụng" là hai phương pháp "quyền biến" trong nguyên tắc trị liệu của Đông y. Trước khi muốn sử dụng phương pháp đó, cần phải biện chứng luận trị cho thật tinh xác, không một chút hàm hồ, mới đạt được mục đích yêu cầu, trái lại nếu biện luận không tinh thì sẽ đi đến tình trạng "hư hư, thực thực" gây nên tai vạ rất dễ. Tôi hành nghề y đã hơn 50 năm, gặp những trường hợp phải sử dụng đến nó mà vẫn phải lo lắng từng giờ từng phút, nghe từ tiếng nói, hơi thở, trông từ lúc co tay lúc duỗi chân, có lúc quên cả ăn, mất cả ngủ, bao giờ thấy bệnh tình chuyển hướng được đúng như mong mỏi của mình, bấy giờ mới như trút được gánh nặng, nỗi niềm sung sướng có phần hơn cả những thân nhân người bệnh. 

Xin kể lại một trường hợp tôi chữa cho em bé Nguyễn Toán nắm 1962 làm thí dụ: 

Em Nguyễn Toán mới đầy tuổi thôi, bị bệnh nôn mửa, ỉa tháo, miệng khát, nước tiểu đỏ và ít, lúc khóc lúc nín không nhất định. Lúc đầu một lương y dùng thuốc "tiêu đạo" và "lợi thủy" cho uống luôn hai thang, không chút công hiệu. Sau ông ta lại cắt bài Vị linh tán gia giảm cho uống. Khi uống bài đó, em bé đi rửa ra toàn nước trong mà sắc xanh, không chút mùi phân, càng bực dọc, càng khát nước, càng nôn mửa. Từ hôm bị bệnh đến hôm đó đã qua 5 ngày mà ngày thứ 4 và thứ 5 lại nặng hơn trước nhiều, trằn trọc suốt đêm, không lúc nào yên. Bấy giờ bố mẹ em bé mới mời tôi đến chữa. Qua sự nhận xét về hình sắc và hỏi người nhà về quá trình của bệnh, tôi nhận thấy: Bấy giờ đương mùa nóng nực, hai khí thấp nhiệt đang cùng tranh giành. Trong Trường Vị của em bé vốn có tích nhiệt, lại kết hợp với thức ăn ứ đọng chưa tiêu nên chỉ mới biểu hiện ỉa ra toàn nước trong mà không mùi thối, trằn trọc vật vã không mấy lúc yên...Giờ lại cho uống bài Vị linh làm cho Trường Vị càng thêm khô ráo, có chút nước nào bài tiết ra hết, mà cặn bã thì vẫn ứ đọng; ứ đọng muốn ra mà không ra được, nên mới quặn ruột mà khóc.

Sau khi nhận xét kỹ càng, tôi liền áp dụng phương pháp "Thông nhân Thông dụng" để "công kích khứ trệ". Bài thuốc như sau: Đại hoàng (tẩm rượu) 1 đ. c. - Chỉ thực (sao) 1 đ. c.- La bặc (sao) 2 đ. c. - Mạch nha 1,5 đ. c. - Hoạt thạch 6 đ. c. 

Bấy nhiêu vị làm một thang sắc với một bát rưỡi nước, cạn còn lưng bát, chia uống làm 3 lần, cách 2 giờ uống một lần. Sau khi uống lần thứ nhất, cách chừng một giờ, thấy em bé đánh rắm, đã có mùi phân. Uống lần thứ hai cũng cách hơn một giờ, em bé ỉa ra không phải là nước trong nữa, mà toàn là những chất lầy nhầy, có lẫn cả những chất như thức ăn chưa tiêu, ỉa xong, em bé nằm im lịm không nhúc nhích, cả nhà hoảng sợ chạy đến nói với tôi. Tôi nghe nói cũng ngạc nhiên, vội tới thăm, thấy em bé nằm thiếp trong lòng mẹ, hơi thở đều đặn, tuy ngủ mà thình thoảng vẫn mút vú, nuốt sữa ừng ực. Bấy giờ tôi mới nhận ra không phải là biến chứng, mà chỉ là ốm lâu mệt mỏi đấy thôi. Cách đó chừng một giờ, liền đái ra một bãi rất dài, rồi tỉnh dậy, chơi đùa tươi tỉnh như lúc chưa ốm. Tiếp đó tôi cho uống thêm một thang "Hòa trung thanh nhiệt" nữa, hoàn toàn bình phục. 

Nghĩ lại từ lúc bắt đầu chẩn trị, đến lúc hoàn toàn bệnh khỏi, tuy chỉ trong vòng có 3 ngày và uống có 2 thang thuốc mà chính tự chân thân mình đã tốn bao nhiêu lo nghĩ, qua mấy lần hồi hộp... mới thu được chút thắng lợi cuối cùng. Nghề làm thuốc khó khăn và vất vả như vậy đó. Thế mà có lắm người vẫn coi là rất dễ, lại muốn lợi dụng để làm kế sinh nhai... Thật buồn! 

ĐIỀU 12. CHỮA BỆNH KHÔNG NÊN CHỈ DỰA VÀO BÀI THUỐC KINH NGHIỆM 

Chung Thừa Lộ viết bài tựa Bút hoa y kính của Giang Hàm Đôn, đoạn đầu có mấy câu:"... các khí phong hàn thử thấp ở ngoài giới tự nhiên, đều dựa theo thể chất của mỗi người để nhiễm bệnh, lại dựa theo khí hậu của hoàn cảnh địa dư để gây nên chứng trạng vốn không phải cùng chung một lối; ngay như ở 2 người cùng mắc một bệnh, nhưng cái nguyên nhân nhiễm bệnh và hoàn cảnh gây nên chứng trạng cũng phần nhiều không giống nhau...." Chung tuy không phải là thầy thuốc mà còn biết được như vậy, sao thấy có nhiều người chính là thầy thuốc, khi lâm sàng lại cứ dựa vào những bài thuốc đã kinh nghiệm chữa người khác để điều trị, không còn biết "nhân thời, nhân địa, nhân nhân, nhân bệnh” là gì... Thật đáng buồn! 

ĐIỀU 13. CHỮA BỆNH NÊN BIẾN HÓA 

Trong một năm có 4 mùa, mỗi mùa có một khí hậu riêng. Con người ở trong khoảng khí giao, tất phải thích ứng với khí hậu để sinh trưởng; người làm thuốc tất cũng phải theo khí hậu đó để điều chỉnh tật bệnh của con người. Tỉ như mùa Xuân ấm, mùa Hạ nóng, nguyên khí ở con người do đó mà bài tiết mất nhiều, vì nguyên khí bài tiết mất nhiều nên âm tinh thường bị hao tổn. Việc dùng thuốc phải nên chú ý tới dưỡng âm. Mùa Thu mát, mùa Đông lạnh, dương khí ở con người do đó mà cũng phải tiềm tàng, vì dương khí cần được tiềm tàng, không nên khai thông, việc dùng thuốc cũng phải chú ý tới dưỡng dương. Đó là tùy theo khí hậu của từng mùa để ấn định phương pháp trị liệu. Chủ yếu là bổ sung vào chỗ thiếu để cho được điều hòa thích ứng với khí hậu bên 

ngoài. Tuy nhiên, vẫn trong một khí hậu mà ấm lạnh không điều. Tỉ như: gặp ngày nóng nực quá độ, con người phần nhiều bị cảm thử. Nhưng đột nhiên trời nổi cơn giông, mưa đá trút xuống, lúc đó thì lại cảm hàn. Bệnh thử thì cần phải giải thử, bệnh hàn thì cần phải khu hàn... Như vậy là tùy theo khí hậu để dụng dược. Đó chỉ mới là một phương diện; lại cũng còn có khi hoàn toàn không thể dựa theo khí hậu mà cần phải căn cứ vào bệnh tình. Như những người âm hư, dù đương giữa mùa đông, mà âm tinh khuy kiệt, thủy đã không đủ, không chế được hỏa, do đó dương không có nơi nương tựa, tiết ra ngoài thành chứng nhiệt, hoặc lại mồ hôi toát ra đầm đìa,...gặp tình trạng đó, cần phải dùng thuốc để dưỡng âm, những loại thuốc như Địa hoàng, Ngũ vị, Miết giáp, Câu kỷ v.v.... đều cần phải sử dụng. Nếu lại cứ dựa vào thời bệnh mà dùng các vị tân ôn, thì chết như trở bàn tay. Lại như những người dương hư, dù đương giữa mùa Hạ, mà vì dương khí không đầy đủ, không bảo vệ được bộ phận biểu, do đó biểu bị hư, không chịu được phong hàn, sinh ra ghê rợn sợ lạnh rét, muốn được ăn thức nóng và mặc áo ấm. Đó là khí hậu ở bên ngoài tuy nóng, cũng không đủ chống được chân dương hư ở bên trong, nên bệnh mới thuộc hư hàn, mà cần phải dùng thuốc ôn bổ để điều trị. Những loại thuốc như Sâm, Kỳ, Quế, Phụ... không thể bỏ qua. Nếu cứ dựa theo khí hậu mà dùng thuốc khổ hàn, thì cũng chết rất chóng. Đó lại là một trường hợp "bỏ thời để theo chứng”. 

Tóm lại, bệnh tình thiên biến vạn hóa, người làm thuốc cũng phải thiên biến vạn hóa. Theo thời, theo chứng, cứu tệ bổ thiên, nguyên tắc tuy nhất định, mà bệnh tình không nhất định... ta có thể cứ dựa vào nguyên tắc mà không hỏi đến sự biến hóa của bệnh tình được sao? 

ĐIỀU 14. TỔ CHỨC PHƯƠNG TỄ 

Về phương pháp tổ chức phương tễ, các y thư phần nhiều căn cứ vào Nội kinh mà nhận định: những vị nào chủ trị vào bản bệnh là "quân", còn các vị giúp “quân" thì là "thần", là "tá, sứ". v.v... nếu chi cá thế thì cũng rất đơn giản, không lấy gì làm khó khăn. Nhưng nếu chịu suy xét kỹ hơn một chút thì thấy nó còn cần phải dựa theo nhiều qui luật khác để phối hợp, thì phương thuốc mới có ý nghĩa và hiệu nghiệm. Lấy bài Tứ thần hoàn làm ví dụ: Tứ bài Tiết thần hoàn (2) sử đụng để chữa Tiết tả về gà gáy (tảng sáng). 

Sở dĩ gây nên chứng tiết tả về gà gáy, đại khái có 4 nguyên nhân: một là do Tỳ hư không "chế” được Thủy; hai là do Thận hư không "hành” được Thủy. Cho nên ở bài Nhị thần hoàn dùng vị Bổ cốt chi khí vị tân táo làm quân, vào Thận để chế Thủy; dùng Nhục đậu khấu khí vị tân ôn làm Tá, vào Tỳ để làm ấm Thổ; lấy Táo nhục làm hoàn, lại là kết hợp với cái nghĩa “Tân cam phát tán thuộc dương”. Đó là về bài Nhị thần hoàn. Đến bài Ngũ vị tử tán thì tuy cũng là "tiết tả về gà gáy" mà nguyên nhân lại khác. Một là Mệnh môn Hỏa suy không sinh được Thổ; hai là Thiếu dương khí hư, không phát triển được công năng "phát trần”. Cho nên dùng Ngũ vị tử dựa vào khí vị toan và ôn của nó để thu lại cái Hỏa bị hao tán ở Khảm cung, nhờ đó, Thiếu hỏa sẽ sinh khí để bồi bổ cho Thổ, dùng khí vị Tân ôn của Ngô thù làm Tá, để thuận theo cái xu hướng "ưa tán” của Can mộc, đồng thời mở một con đường cho Thủy khí thấm nhuần để thích ứng với cái khí Xuân sinh. 

Bốn nguyên nhân kể trên, tuy không giống nhau mà chứng hậu biểu hiện thì như một. Nhưng mà phần chủ yếu của nó thì không ngoài "thủy cang” làm hại. Nhị thần hoàn là một phương theo quy luật "Thừa chế"; Ngũ vị tử tán là một phương theo qui luật "hóa sinh". Cả hai phương hợp một thành bài Tứ thần hoàn là theo qui luật "chế, sinh", "chế sinh" thì "hóa", chứng tiết tả lâu ngày sẽ khỏi. Đó là theo qui luật biến hóa của ngũ hành để tổ chức thành phương. Xem đó, muốn tổ chức một phương để trị bệnh, có phải là việc dễ dàng đâu. 

ĐIỀU 15. "CANG HẠI, THỪA CHẾ" 

Đã là Đông y, ai cũng biết học thuyết Ngũ hành là một phần rất quan trọng. Trong học thuyết Ngũ hành thì qui luật "Cang hại thừa chế” lại rất phức tạp. Có nắm vững được qui luật đó, khi lâm sàng biện chứng luận trị mới đúng, mà tiến hành liệu pháp mới khỏi sai lầm. Đối với qui luật đó, tôi chưa dám nói là đã nắm vững, nhưng cũng xin thử phân tích sơ qua mấy nét ra sau đây: 

Con người dựa vào khí để thành hình; nếu khí mất sự quân bình thì sẽ sinh bệnh. Cho nên một khi Can mộc vượng quá, Can sẽ thành "cang". Can "cang" thì hại Tỳ; Tỳ bị hại thì không sinh được Kim, đồng thời không phòng được Thủy. Cho nên Mộc "cang" thì Kim Thủy đều bị thương. Lúc đó nên phù Kim làm chủ yếu. Kim được phù thì chế được Mộc mà Mộc sẽ bình; Mộc được bình, thì sẽ hòa với Thổ mà Thủy không tràn lên được; Kim sẽ được sinh. 

Nếu Phế Kim vượng quá, thì Phế sẽ thành "cang". Phế "cang" thì không sinh được Thủy mà hại Mộc. Mộc bị bệnh thì Tỳ cũng bị tổn. Lúc đó, nên phù Hỏa để chế Kim; Hỏa vượng thì Kim sẽ ấm mà bình; Kim bình thì sinh được Thủy, đồng thời lại chế được Mộc; Mộc có sự chế thì sẽ hòa mà không hại đến Tỳ. 

Lại như Tỳ Vị bị thấp nhiệt và ăn uống, nghĩ ngợi quá độ thì khí của Tỳ Vị sẽ "cang"; Tỳ Thổ "cang" thì sẽ làm hại đến Thận mà không sinh được Kim, Kim yếu thì "hóa nguyên" của Thủy sẽ bị tuyệt, do đó Thận lại càng suy. Lúc đó nên "sơ" Mộc để chế Thổ, Thổ được bình thì Kim với Thủy đều được bình. 

Lại như Thận bị "cang" thì Thủy tràn; Thủy tràn thì sẽ mất cái chức năng lưu hành của nó mà không sinh được Mộc, Mộc bị thương thì "tà" sẽ xâm phạm sang Thổ, do đó Tỳ Vị cũng bị thương. Lúc đó nên bổ Hỏa để sinh Tỳ; Tỳ vượng thì Thủy có cái chế mà được bình. 

Tóm lại, Hỏa cang, Thủy cang, Mộc cang, Kim cang... đều có thể làm lụy đến Tỳ. Tỳ bị lụy thì khí của Hậu thiên sẽ bị thương; khí của Hậu thiên bị thương, thì Tiên thiên cũng không hoàn thành được cái nhiệm vụ "sinh sinh". Cần phải dùng phương pháp nạp khí để điều trị. Bởi Vị khí là dương của Trung Thổ, Tỳ khí là âm của Trung Thổ. Tỳ không nhờ được dương của Vị khí, thì phần nhiều "hạ hãm"; Vị không nhờ được âm của Tỳ khí thì không lấy gì vận hóa mà "chuyển du" tới 5 tạng. Tỳ đã không "chuyển du”, thì Tâm cũng không lấy gì phụng dưỡng để hóa thành sắc đỏ; Tâm không hóa được thành sắc đỏ, thì Tâm Hỏa yếu không chế được Kim; Kim không có cái chế, thì cái chức năng hạ giáng không tiến hành được... đến lúc đó thì trong 5 tạng sẽ có thể đều mất mức độ quân 

bình. Lại như: Tỳ khí do Tâm mà đến Phế; Phế được khí sẽ phát triển được cái chức năng "hạ giáng”, vào Tâm thành huyết, vào Can và Tỳ cũng thành huyết, vào Thận thì thành tinh, ở chính bản tạng thì thành "dịch" - (tức chất lỏng, cũng là huyết). Năm tạng đều hòa mới có thể cùng sinh khấc lẫn nhau, cùng sinh, khắc, chế, hóa mà không có "quá" và "bất cập”, như vậy gọi là khí được quân bình. Sở dĩ có sự không được quân bình, hoặc do cảm nhiễm phải lục khí, thì là "ngoại thương" mà mất sự quân bình, hoặc do uống ăn, tình dục và thất tình thì là "nội thương” mà mất sự quân bình. Tiên thiên mất sự quân bình, sẽ ảnh hưởng đến Hậu thiên; Hậu thiên mất sự quân bình sẽ ảnh hưởng đến Tiên thiên. Hễ có sự ảnh hưởng, thì phần nhiều đi đến tình trạng Thận không "nạp khí” Cho nên y giả trước hết phải xét rõ nguyên nhân phát bệnh đồng thời lại phải xét xem tạng nào "cang”, tạng nào yếu. "Cang” thì lấy "thừa” để chế, bởi con có thể báo được thù cho cha; "yếu” thì tìm về phương diện "sinh hóa", bởi "chế” thì sẽ sinh ra hóa, mà lấy Tỳ làm chủ chốt. Vì khí của 5 tạng, đều phải dựa vào Tỳ Thổ để dồn khí tới nơi nguồn gốc của Tiên thiên, do đó mà mọi bệnh đều tiêu tán. 

ĐIỀU 16. BỆNH TÁI PHÁT KHÓ CHỮA 

Những bệnh phát sinh bởi thất tình - nhất là nộ - sau khi đã khỏi, phải hết sức giữ gìn, mới khỏi tái phát. Nếu lại tái phát thì cứu văn rất khó, xin dẫn một kinh nghiệm của tôi làm thí dụ: Anh Nguyễn Tiến Thành, 20 tuổi, bị bệnh ho thổ ra huyết. Cứ đến quá trưa về chiều thì da nóng hầm hập, đêm thường mộng di. Một lương y dùng bài Tứ vật, gia Thiên đông, Mạch đông, Tri mẫu, Hoàng bá... Chữa tới hơn nửa năm, lại thêm chứng đau và trướng bên sườn trái, không nằm nghiêng sang bên trái được. Tiếng nói dần dần khàn đi; khi ăn uống thường hay "lợm giọng” muốn nôn; thân thể gầy róc sáu bộ mạch đều Huyền Sác... Thấy bệnh tình như trên, lương y ấy từ chối không chữa nữa. Bấy giờ người nhà mới mời tôi đến chẩn trị. 

Tôi trông sắc mặt trắng bợt, lại lờ mờ có kèm thêm sắc xanh; hỏi đến sự đi lại, thì nói là yếu quá không đi lại được. Tôi nghĩ bụng: đây là một chứng khí hư huyết nhiệt. Can mạch lại rất Huyền. Huyền là do Mộc khí quá vượng, Tỳ Thổ lại bị thương không thống được huyết... Lúc bắt đầu tất do có việc gì uất ức cáu giận mà phát sinh bệnh; rồi lại do loại thuốc hàn lương làm hại, nên mới đến nỗi ăn vào thì lợm giọng, và thân thể gầy còm. Kinh nói: "Tỳ Vị một khi bị hư, Phế khí sẽ bị tuyệt trước...” Vì Phế Kim bất túc, nên Can Mộc lại càng không có gì "chế”. Do đó, trọc đờm, ứ huyết, đều kết đọng tại Phế khiếu, cho nên mới ho và khàn tiếng; vì ứ đọng tại Can, nên sườn bên trái không thể nằm áp xuống giường được... Bệnh tình tuy nguy ngập nhưng may là thanh niên, nên còn có hy vọng, liền dùng: 

Sâm đại quang 2 đ.c. Miết giáp 5 đ.c. Bạch thược, Bạch truật, Phục linh, Trần bì, Thông thảo, Bối mẫu, mỗi vị 0,7 đ.c. Cát cánh 0,5 đ.c. 

Các vị làm một thang, cho uống luôn 30 thang, các chứng đều giảm, tiếng nói đã trong, và đã nằm nghiêng về bên trái được. Kế đó, tôi lại luyện cho 1 cân bài Đại tạo hoàn để điều dưỡng. Sau khi nghỉ thuốc, tôi dặn lại: "Bệnh khỏi tuy đáng mừng, nhưng mạch Huyền chưa hết hẳn. Cần phải tránh mọi sự lao tâm, lao lực một thời gian lâu. Nếu lỡ lại kinh động, làm cho huyết lại dồn ra, 

không còn cách nào ngăn được đâu...” Anh ta vâng lời. Từ đó tinh thần ngày càng vượng, thân thể ngày càng béo, sức lực ngày càng khỏe, qua 6 năm bình an vô sự. Một hôm vì việc "kết toán” quá lao tâm, đồng thời lại xẩy ra một việc cáu giận. Tức thời huyết lại trào ra, đầy mấy bát lớn... Tức thời môi trên xạm xịt và sưng vều, mồ hôi toát ra đầm đìa... Khi tôi tới chẩn, mạch rối loạn không còn thứ tự gì nữa. Anh ta gọi người nhà đòi đi ngoài. Tôi bảo mọi người xung quanh: Dấu hiệu chết đã rõ, âm dương đã ly tuyệt rồi! Nói xong quay ra, mới đến cửa thì anh ta đã chết. 

Đôi khi nhớ đến cái chết của anh Tiến Thành mà cứ giật mình sợ thay cho những người quá buông thả, coi nhẹ lời dặn dò của thầy thuốc phải kiêng kỵ sau khi khỏi bệnh. 

ĐIỀU 17. KINH NGHIỆM HỌC TẬP 

Tôi làm thuốc chỉ là tự học, chứ không được thầy truyền thụ, nên khi mới học, vớ được bộ nào là học ngay bộ ấy, không biết nên học bộ nào trước, bộ nào sau, Sau khi đã đọc qua mấy bộ như Thọ Thế bảo nguyên, Vạn bệnh hồi xuân, Thạch thất bí lục v.v... Mới mượn được bộ Thương hàn luận thiển chú của Trân Tu Viên, thấy từng chữ, từng câu đều có bao hàm một ý nghĩa rất sâu, khác hẳn với loại sách mình đã đọc qua mấy năm trước. Liền đâm ra say mê, suốt năm, suốt tháng, không mấy lúc là không nghiên cứu Thương hàn, Tôi lại theo phương pháp đọc sách của Chu Hy: chép riêng chính văn ra, đọc đi đọc lại, tự mình suy nghĩ, bao giờ không thể hiểu được bấy giờ mới dở đến chú giải ra để coi... Tôi cứ nghiền ngẫm như thế tới 2, 3 năm. Trong thời gian đó, đôi khi ngẫu nhiên xem đến các loại sách khác... Cả những bộ sách vĩ đại như Cảnh nhạc toàn thư, Lục khoa chuẩn thằng v.v... đều có cảm giác như hoàn toàn là phù phiếm... chỉ mươi lăm phút đã chán không muốn xem. Tôi mê Thương hàn, tin Thương hàn, đã thể hiện ra ở đôi câu đối: 

Tập quần thánh chi đại thành, y gia Khổng tử; 

Tổng lục kinh chi chứng trị, pháp bị Thương hàn. 

Mãi tới năm 1935, 36... tôi mới mua được bộ Nội kinh, do Mã Nguyên Đài và Trương Ẩn Am chú giải... Trong thời gian đọc Nội kinh thì trái lại, không thấy có cảm giác chán như đọc các loại sách khác. Nhất là sau khi đọc thiên Dị pháp chương nghi luận trong Tố Vấn thì tư tưởng lại tụ thấy khác hẳn. Trong đầu óc bao giờ cũng thấy lởn vởn mấy vấn đệ: nước Việt mình ở về phương Nam;... Nước Việt mình ở vào khoảng giữa ôn đới và nhiệt đới...; con người tùy thổ nghi, khí hậu mà phú bẩm khác, đã do Thổ nghi, khí hậu và phú bẩm khác, nên nguyên nhân phát bệnh cũng khác; do nguyên nhân phát bệnh khác nên phương pháp điều trị và dụng được tất cũng phải khác"... Mấy vấn đề đó lưởng vưởng một thời gian khá lâu, mãi sau mới tìm ra được phương pháp giải quyết, tức là: "Trên tinh thần biện chứng luận trị, phải theo đúng nguyên tắc của Trọng Cảnh, còn dụng dược sử phương phải nhằm theo thổ nghi, khí hậu và phú bẩm của từng người.” Do đó, tôi đã dựa theo địa lý của nước ta mà chia ra thượng du, trung du và hạ du là ba khu vực dụng dược khác nhau; trong mỗi một khu vực lại chia ra đồng chiêm, đồng mùa, người ngoài bãi, người trong đồng, người ven sông, người trên đồi... cũng đều phải sử dụng dược vật và trị liệu bằng phương pháp khác nhau. Từ đó về sau, khi lâm sàng mới có đường hướng dễ dàng, không đến nỗi 

như thời kỳ đương say mê về Thương hàn, hễ gặp một bệnh sốt nào người ta mời đến chẩn trị, đều tưởng tượng ngay là Thương hàn, đem các triệu chứng gán cho vào kinh Thái dương không đúng, thì lại gán cho vào kinh Thiếu dương, Dương minh, v.v... Cũng như thời kỳ nghiên cứu Ôn bệnh, hễ gặp một bệnh sốt nào cũng tưởng tượng ngay là thuộc khí phận hoặc huyết phận v.v... Lắm lúc ngẫm nghĩ: học không có thầy thật là gian nan vất vả.. Uổng phí mất bao nhiêu năm! 

ĐIỀU 18. TẠP LUẬN VỀ Y DƯỢC 

Thiên "Thập di tạp luận" trong Đan Khê tâm pháp có những câu rất hay. ví dụ: 

1. Phàm dùng thuốc dẫn kinh, chính được 6 lạng, chỉ nên dùng thuốc dẫn kinh nửa lạng. 

2. Chữa chứng khí từ dưới bốc lên, nên dùng các loại thuốc như Hương phụ, Hoàng liên, Hoàng cầm, Sơn chi... 

3. Bạch thược tẩm rượu sao, cùng dùng với Bạch truật thì bổ Tỳ, cùng dùng vời Xuyên khung thì tả Can, cùng dùng với Sâm, Truật thì bổ khí; nó chỉ chữa chứng đau bụng do huyết hư, còn các chứng đau bụng khác đều không nên dùng. 

4. Người sắc mặt đen, không nên uống nhiều Hoàng kỳ, vì là người đó khí đã thực mà lại bổ thêm (tức là thực thực). Người sắc mặt trắng không nên uống nhiều thuốc phát tán, là vì người đó khí đã hư (tức là hư hư). 

5. Bài Nhị trần thang chữa bệnh "trọc", gia loại thăng đề, có tác dụng làm cho đại tiện nhuận và tiểu tiện đầy bãi. 

6. Bệnh ố hàn lâu ngày, cũng có thể dùng phương pháp giải uất để điều trị. 

7. Những người ốm lâu, ở mặt bỗng thấy nổi những điểm đỏ, phần nhiều chết. 

8. Phàm chữa bệnh phải chiếu cố chính khí trước. 

9. Con người khi nằm thì khí dồn lên Phế. 

10. Phàm ở Trung tiêu có thực tích và đờm mà sinh bệnh, nếu Vị khí không hư, thì ít khi nguy hiểm. 

11. Châm hoàn toàn là tả mà không có bổ; lúc châm cần phải miết mạnh vào chỗ định châm, thì huyết sẽ dãn ra, mà châm không đau. 

12. Phép cứu có bổ, có tả. Muốn bổ Hỏa, cân cứu sát vào thịt; muốn tả Hỏa, không nên cứu sát vào thịt, khi cứu xong nên thổi một hơi mạnh vào chỗ vừa cứu. 

13. Hàng ngày dùng Kim thoa Thạch hộc chừng 3 đồng cân, thái vụn,rửa sạch, cùng mấy lát gừng, đun sủi kỹ, trước bữa ăn 5, 6 phút, uống một chén tống, có tác dụng bổ Tỳ thanh Phế rất hay. 

14. Muốn chế Huyền minh phấn, dùng Phác tiêu 1cân, La bặc (củ cải) 1 cân,bỏ vào nồi đất, đổ nước xăm xắp, bắc lên bếp đun, khi nào La bặc thật chín thì thôi, bắc ra, bỏ La bặc lấy giấy bản trải lên rá mà lọc cho chảy xuống chậu sứ, lọc xong, để phơi sương một đêm, hôm sau gạn bỏ nước trong, lấy thứ lắng xuống đáy chậu phơi khô, sẽ thành Huyền minh phấn. 

ĐIỀU 19. TẠP THUYẾT (I) 

Quả dâu chín đối với người già bị bệnh tiện bí dùng rất có công hiệu. Nhưng nếu nấu được thành cao mà dùng thời vừa tiện, vừa bổ. 

ĐIỀU 20. TẠP THUYẾT (II) 

Những người da mịn, lỗ chân lông nhỏ, lông tóc không nhẫy bóng,... người ấy Phế khí tất yếu; những người cổ ngẳng và dài, rất dễ bị bệnh ở Phế (phổi). 

ĐIỀU 21. TẠP THUYẾT (III) 

Màng trắng trong vỏ quít không những có tác dụng hóa đờm, lại có cả tác dụng kiện Vị. 

ĐIỀU 22. TẠP THUYẾT (IV) 

Bán hạ phối hợp với Bối mẫu, lực lượng hóa đờm càng thêm mạnh. Cổ có bài "Bán bối hoàn", tôi thường dùng để điều trị về đờm, rất công hiệu. 

ĐIỀU 23. TẠP THUYẾT (V) 

Bệnh thủy thũng bỗng dưng phát sinh, dùng Phù bình (bèo cái) phối hợp với Trạch tả để điều trị, rất hợp. Vị Phù bình là loại phong dược ở trong Thấp; còn Trạch tả tuy có tác dụng lợi thủy mà không thương âm. 

ĐIỀU 24. TẢN MẠN VỀ LÀM THUỐC (I) 

Một người lương y, trong khi chẩn trị tật bệnh, trong đầu tuyệt đối không nên lưởng vưởng có một bộ sách; nhưng ngoài khi chẩn trị, thì lại tuyệt đối không nên vắng sách. Từ Linh Thai có câu: "Không xem rộng hết các sách, không thể làm thuốc", câu nói đó thật ý vị vô cùng. 

ĐIỀU 25. TẢN MẠN VỀ LÀM THUỐC (II) 

Thường thấy nhiều người: vừa bị bệnh ở Phổi, vừa bị bệnh Trĩ. Hễ khi bệnh ở Phổi phát triển thì bệnh Trĩ giảm nhẹ; khi bệnh Trĩ phát triển thì bệnh ở Phổi giảm nhẹ.. Xem đó đủ chứng tỏ thuyết "Phế với Đại trường có quan hệ biểu lý" của người xưa là không phải nói mồ. 

ĐIỀU 26. TẢN MẠN VỀ LÀM THUỐC (III) 

Gặp chứng hôn mê bất tỉnh, lưỡi cứng, cấm khẩu, hai hàm răng nghiến chặt... Ngoài việc châm các huyệt Nhân trung, Dũng toàn, lại nên cứu các huyệt Quan nguyên và Khí hải, rất chóng hồi tỉnh. Nếu vẫn chưa tỉnh, nên thích Thập tuyên hoặc 12 Tỉnh huyệt... Như vậy mà vẫn chưa hồi tỉnh, thì e khó lòng cứu sống. 

ĐIỀU 27. TẢN MẠN VỀ LÀM THUỐC (IV) 

Chứng lên đinh sưng đầu ngón tay cái (xà đầu đinh) châm 2 huyệt Vân môn và xích trạch, dùng thủ thuật tả, có thể khỏi ngay. 

ĐIỀU 28. TẢN MẠN VỀ LÀM THUỐC (V) 

Hai huyệt ở dưới huyệt Quan nguyên, công dụng chủ yếu của nó là “tả". Dưới huyệt Quan nguyên 1 tấc là Thượng Huyết hải, chữa phụ nữ kinh bế (huyệt này ít người để ý nên ít khi dùng); dưới Thượng Huyết hải 1 tấc tức là Trung cực, có tác dụng chữa chứng “long bế” rất hay. Ba huyệt ở trên huyệt Quan nguyên, công dụng chủ yếu là bổ. Nhất là huyệt Khí hải, đối với các bệnh són đái, di tinh, băng lậu, đái hạ... công hiệu rất rõ rệt. 

Nguồn trích: TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI - 1990