Logo Website

CHUYỆN TRÒ VỀ MẠCH (I)

30/12/2020

ĐIỀU 65. CHUYỆN TRÒ VỀ MẠCH (I) 

Dương Nhân Trai nói: "Phàm các loại mạch như Trầm Tế, Trầm Trì, Trầm Tiểu, Trầm Sác, Trầm Vi... đều thuộc âm.. các loại mạch như Trầm Hoạt, Trầm Sác, Trầm Thực, Trầm Đại... đều thuộc về dương. Nếu vô ý chữa lầm, sống chết như trở bàn tay... "Nhưng theo thực tế cũng có khi không hoàn toàn như vậy. Môn Hỏa nhiệt trong Danh y loại án chép: "Hồ tiên ông chữa chứng phong nhiệt không giải, mạch ở hai tay đều phục. Hồi đó bệnh ôn dịch đương lưu hành. Mấy lương y khác đều nói: "Dương chứng mà biểu hiện ra âm tượng, khó lòng chữa được. Muốn dùng bài Dương độc thăng ma thang để thăng đề lên... Tiên ông nói: “đây là chứng phong nhiệt tới cực độ, hỏa thịnh thời phục, có phải là thời dịch đâu mà thăng để giải độc. Bệnh nhân nếu cho uống thăng đề, thì sẽ chết ngay không thể cứu. Rồi ông cho uống Liên kiều Lương cách hợp tễ gia giảm, chỉ uống hết một thang là bệnh khỏi. Lại xét trong Mạch quyết ca có đoạn nói: bị thương hàn mà một bên tay mạch phục gọi là "đơn phục", cả hai tay đều phục gọi là "song phục", không thể coi là dương chứng âm mạch; đó là do hỏa tà bị uất ở trong, không phát ra ngoài được, dương cực tựa âm, nên mạch mới phục. Sẽ có lúc mồ hôi toát ra đầm đìa mà khỏi... Phàm thời chứng biểu hiện loại mạch này không phải ít. Người làm thuốc cần phải nhận xét cho tinh, không nên cố chấp thuyết của Dương Nhân Trai mà dùng thuốc sai lầm không thể gỡ. 

ĐIỀU 66. CHUYỆN TRÒ VỀ MẠCH (II) 

Trong Thương hàn luận của Trọng Cảnh: chứng kết hung nhiệt thực, mạch Trầm và Khẩn, tâm hạ đau, ấn tay vào rắn như đá, chủ dùng bài Đại hãm hung thang. Trong Kim quỹ chữa chứng hàn sán đau quanh rốn. Mỗi khi lên cơn đau nước miếng ứa ra, tay chân quyết lãnh, mạch Trầm Khẩn... chủ dùng bài Đại ô đầu tiễn. Cùng một loại mạch Trầm Khẩn, mà một đằng thuộc nhiệt, một đằng thuộc hàn... Vậy khi lâm sàng, ta có thể chỉ chuyên bằng cứ vào mạch được chăng? 

ĐIỀU 67. CHUYỆN TRÒ VỀ MẠCH (III) 

Mạch tượng "hư" và "thực” khi mới chẩn rất dễ lầm lẫn. Diệp Tư Liên viết trong y án chữa một người phụ nữ, nói: "Diệp chẩn mạch thấy biểu hiện cực đại hoặc cực vi, cần phải suy xét cho kỹ. Nếu cực đại mà vô lực, nên đề phòng dương khí phù tán ra bên ngoài; nếu thấy biểu hiện ra cực vi, nắn mãi mới nhận ra được, khi đó dần dần ấn nặng đầu ngón tay xuống tới áp xương thấy mạch càng tỏ ra "kiên lao"... ta không thể coi đó là hiện tượng hư hàn. Chứng này, trong 6 bộ đều không có mạch, mà về phía sau xích bộ thì lại Sác mà có lực... Như vậy là thuộc về lại mạch "phục nặc" (ẩn nấp). Dương bị ẩn nấp ở dưới, là đã bị "cang” tới cực độ rồi. Còn câu nệ sản hậu cấm dụng hàn lương được sao?..." 

Nguồn trích: CHƯƠNG V: CHẨN ĐOÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990

Copyright © 2018. All Rights Reserved by Thuốc đông dược