DANH Y Ở VIỆT NAM
ĐIỀU 114. DANH Y Ở VIỆT NAM
Hiện nay trong giới Đông y nước ta, ai cũng biết: Y giới ta có hai vị Đại tông sư là Tuệ Tĩnh Thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông.
Tuệ Tĩnh sinh vào đời Trần (19) khoảng thế kỷ 13, 14 (?). Lãn Ông sinh vào cuối đời Lê (20) khoảng thế kỷ 17, 18 (?).
So bề gia thế thì Tuệ Tĩnh là con nhà nông, mồ côi cả bố mẹ từ năm lên 7 tuổi, phải nương nhờ cửa Phật để độ thân. Lãn Ông là con nhà khoa giáp công hầu, danh tiếng lừng lẫy khắp miền đông hải (vùng Hải Hưng bây giờ - B.T.)
Về học thức thì: Tuệ Tĩnh đã am tường Phật học lại thông hiểu Nho học và thi đỗ tiến sĩ đời Trần Dụ Tông. Lãn Ông tuy đã làu thông kinh sử, nhưng thi một vài khoa văn không đỗ, rồi xoay sang luyện tập Tôn Ngô để tìm đường xuất thân.
Về thời thế thì: Tuệ Tĩnh gặp cuối đời Trần quân Minh sang xâm chiếm, cả nước rối loạn trong cuộc chiến tranh, con đường thông thương với Trung Quốc bị tắc nghẽn. Nhất là về ngành Dược, bị bọn Hoa thương dựa vào tình thế rối ren, bắt chẹt dân ta một cách vô cùng khốc liệt.
Lãn Ông ở vào lúc ngoài Bắc thì vua Lê chúa Trịnh giữ miếng nhau từng ly từng tý... Toàn thể triều thần và cả tới nhân dân hầu như chỉ còn biết có chúa, không mấy người còn nhớ đến vua; từ Hoan Ái trở vào thì lại có chúa Nguyễn mượn cớ tôn Lê để cùng tranh giành với Trịnh.
Về sự nghiệp thì: Tuệ Tĩnh ngoài việc nghiên cứu Phật học, luyện tập văn chương, lại nghiên cứu thêm cả y học. Nhân thấy thời thế lúc bấy giờ dân ta bị khổ vi ốm đau, bị khổ vì bọn Hoa thương chèn ép liền xướng lên thuyết "Người Nam uống thuốc nam; thuốc nam chữa bệnh người Nam" rồi chuyên tâm nghiên cứu thuốc nam, một tay xây dựng lên 24 ngôi chùa, để làm cơ sở sưu tầm thuốc nam, lại nhân chùa là nơi thiện nam tín nữ thập phương đến đông, có thể truyền bá và bố thí thuốc nam cho được dễ dàng và sâu rộng. Nhân dân vùng Hải Đông hồi đó được thấm nhuần ân trạch của Tuệ Tĩnh rất nhiều, và câu truyền khẩu "nam đánh giặc, bắc thu công" cũng xuất hiện từ đó.
Lãn Ông sau khi đã thôi việc khoa cử và binh nhung, chán bả vinh hoa yên bề ẩn dật; lại qua mấy năm ốm nặng triền miên, chữa hết thầy nọ thầy kia không khỏi.. mới xoay sang nghiên cứu nghề thuốc. Trước chuyên xem Nội kinh và Thương hàn luận của Trọng Cảnh, theo đúng phương pháp lục kinh truyền biến để điều trị, thấy không thu được kết quả mấy, sau đọc tới bộ Cẩm nang của Phùng Sở Chiêm, mới hiểu lẽ âm dương thủy hỏa, và từ đó mới nổi tiếng là danh y.
Về trước thuật và kết quả sự nghiệp: Nhằm mục đích phục vụ nhân dân khi ốm đau được sẵn có "cây nhà lá vườn" vừa khỏi bệnh nhanh chóng, vừa thuận tiện dễ dàng, lại vừa khỏi bị bọn Hoa thương bóc lột... Tuệ Tĩnh đã có óc sáng tạo soạn ra sách thuốc sử dụng toàn thuốc nam. Khá tiếc gặp hồi giặc Minh xâm chiếm, bao nhiêu sách vở cổ truyền của Việt Nam lưu trữ tại kinh đô Thăng Long bị chúng tịch thu mang về Kim Lăng hết sạch. Không biết Tuệ Tĩnh đã soạn ra được bao nhiêu bộ, hiện chỉ còn sót lại có 2 bộ là: Hồng nghĩa giác tư y thư và Nam dược thần hiệu. Tuy trong đó có đủ dược tính thuốc nam và phương pháp trị liệu tuy dựa theo lý luận của Đông y mà thang dược cũng đều bằng thuốc Nam. Nhờ đó mà nhân dân ta còn hiểu biết và sử dung được kho quí báu của dân tộc. Khi Tuệ Tĩnh đã già, danh tiếng lừng sang cả Trung Quốc, gặp lúc Hoàng hậu của Minh Thái tổ bị bệnh sản hậu, các ngự y và cả thầy thuốc Nhật Bản chữa không khỏi, liền đưa chiếu chỉ sang ta vời cụ. Cụ phải sang, kết quả Cụ chữa cho Minh Hoàng hậu khỏi bệnh, do đó, vua Minh liền giữ Cụ ở lại Trung Quốc, không cho về nước nữa. Không biết thời gian Tuệ Tĩnh ở Trung Quốc có soạn thêm được bộ nào nữa không (điểm này cần phải nghiên cứu). Được ít lâu, Tuệ Tĩnh tạ trần. Vua Minh cho chôn cất tại gần Hoàng thành và dựng bia kỷ niệm. Qua triều Lê, có Tiến sĩ là Nguyễn Danh Nho, người cùng làng Cụ, sang sứ Trung Quốc, định xin mang di hài Cụ về nước, vua Minh chỉ cho mang bia về. Hiện tại đền thờ Cụ Tuệ Tĩnh ở làng Nghĩa Phú còn có đôi câu đối thờ như sau:
Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa
Thánh sư diệu dược chấn Nam bang
Tạm dịch:
Hoàng giáp tiếng thơm lừng đất Bắc Thánh sư thuốc giỏi nức trời Nam (B.T.)
và 4 chữ trên bức hoành phi là: VIỆT NAM Y THÁNH
Sau khi đã sáng tỏ được thuyết Âm Dương Thủy Hỏa, ngoài những thời gian hành nghề, để phục vụ bệnh nhân, Lãn Ông lấy trước thư lập ngôn làm mục đích. Lãn ông đi đến đâu đều được nhân dân đón tiếp và mến phục. Lãn Ông tuy cũng làm thuốc như các ông lang khác, nhưng mục đích chỉ là đem cái "sở học" của mình "thố vu sở hành" (thi thố điều mình đã học được. B.T.) để phục vụ bệnh nhân được tốt. Nếu gặp thời kỳ nhân dân ít bệnh tật lại mừng, chứ không như các ông lang khác sợ dao cầu bị mạng nhện chằng thì sẽ bị treo niêu, nên Cụ đã có câu thơ:
Trường nguyện thế gian nhân bất bệnh
Ngâm thi trước tửu dã y nhàn.
Tạm dịch:
Chỉ muốn người đời không tật bệnh Ngâm thơ uống rượu gảy đàn chơi.
Lãn ông tuy quê ở làng Liêu Xá tỉnh Hải Dương, nay là Hải Hưng, nhưng thời gian hành nghề đều ở làng Hương Trà tỉnh Hà Tĩnh, nay là Nghệ Tĩnh, tức là quê của bà mẹ. Gặp khi Trịnh Cán bị
bệnh nặng, đưa chiếu chỉ vời Lãn ông tới phủ Chúa để điều trị cho Thế tử (tức Cán) nhưng vì bệnh đã khá nặng, dù có tài Hoa, Biển cũng không thể hồi sinh. Tuy vậy Lãn Ông cũng được Chúa Trịnh tiếp đãi tử tế. Cũng nhân dịp đó, Lãn Ông được giao thiệp với bọn quan lại của triều đình Lê Trịnh và các thân sĩ ngoài Bắc khá nhiều, nên danh tiếng rất lừng lẫy. Ở Thăng Long ít lâu, ông lại trở về Hà Tĩnh, lại làm thuốc và chuyên tâm trước thuật.
Bộ sách của Lãn Ông soạn, tổng danh là Hải Thượng y tông tâm lĩnh, trong đó chia ra rất nhiều loại như: Nội kinh yếu chỉ, Y gia quan niệm, Bách bệnh cơ yếu, Bách gia chân tàng, Ngoại cảm thông trị v.v... Tổng cộng tới 66 quyển. Tựu trung có quyển Ngoại cảm thông trị là một quyển có ý kiến sáng tạo nhiều... Như Lãn Ông đã nói "ở Lĩnh Nam ta không có bệnh Thương hàn.." và " ở nước ta tuyệt đối không nên dùng bài Ma hoàng, Quế chi" v.v... Mặc dầu thuyết "Lĩnh Nam không có bệnh Thương hàn" là của Phùng Sở Chiêm viết ở trong bộ Cẩm Nang, mà cái tên Lĩnh Nam là gồm cả khu vực Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc... chứ không chuyên chỉ về Việt Nam ta... Nhưng Lãn ông đã tự chế ra 3 phương pháp Giải biểu và 6 phương hòa lý, vừa giản dị vừa thích hợp với thể chất của người Việt Nam mình, nên thu được công hiệu rất chóng. Ngoài ra, Lãn Ông cũng hay sử dụng thuốc Nam, chịu nghiên cứu những vị thuốc tuy gọi là thuốc Bắc mà ở Việt Nam mình di thực được. Soạn ra bộ Lĩnh Nam bản thảo, trong đó có ghi rõ cả tên Trung Quốc và tên Việt Nam, rất thuận lợi cho người sau nghiên cứu. Lãn Ông cũng rất quan tâm đến nỗi nghèo khổ của nhân dân, nên đối với những vị thuốc đắt của Trung Quốc như Sâm, Lãn Ông đã dùng cách chế Sâm nam để thay thế. Lại luôn luôn sử dụng Sâm Bố chính để cho nhân dân khỏi bị tốn tiền. Bộ Tâm Lĩnh của Lãn Ông, tuy khi Lãn Ông còn sống chưa ấn hành được, nhưng sau khi Lãn Ông qua đời, các thân sĩ gần miền và các nhà sư mộ đạo đều tiếp tục khắc bản ấn hành. Cho tới hiện nay, vẫn còn là một tài liệu rất quý, cần được tham khảo và học tập cho toàn thể giới Đông y ở Việt Nam.
Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ