Logo Website

ĐIỂM QUA CÁC Y GIA CẬN ĐẠI

08/02/2021

ĐIỀU 117. ĐIỂM QUA CÁC Y GIA CẬN ĐẠI 

- Lã Nguyên ưng (1) 

Có làm một bài luận về các danh y đời trước theo thể tài bài "bình luận chữ viết xấu tốt" của Viên Ngang, lập luận và thí dụ cũng hay hay. Xin giới thiệu ra đây để các bạn đồng nghiệp biết qua được điểm "Ưu, Khuyết” của các danh y đời trước. 

- Nghề y của Biển Thước (2) 

Như treo tấm gương sáng để soi mọi vật, xấu hay đẹp không còn giấu được nữa; lại như Dịch Thâu đánh cờ, đi nước nào cũng thần diệu, người xem không thể lượng đoán.. 

- Nghề y của Thương Công (3) 

Như người thợ mộc khéo đẽo gỗ, muốn vuông được vuông, muốn tròn được tròn, nhưng cứ tự trong lòng mà vận ra ngoài tay, không thể đem cái khéo ấy để truyền thụ cho người khác. 

- Nghề y của Trương Trường Sa (4) 

Như toán quân của Thang, Võ lúc nào cũng giữ đúng vương đạo, đối với những phương pháp "công, thủ, kỳ, chính" vô luận là địch mạnh hay yếu, đều có thể thủ thắng. 

- Nghề y của Hoa Nguyên Hóa (5) 

Như anh hàng thịt giỏi mổ trâu, cứ vung dao rạch bừa đi mà đều trúng vào các khớp xương thớ thịt, không chút vướng mắc, cái năng lực như có thần giúp, dù muốn bắt chước cũng không thể được. 

- Nghề y của Tôn Tư Mạo (6) 

Như Trịnh Khang Thành chú giải các sách, chưa rõ hết chế độ tỉ mỉ; về phần "tự đắc" của tác giả chưa dễ ai cũng hiểu thấu, nhưng cứ thưởng thức cái vẻ phong phú, cũng đủ no lòng. 

- Nghề y của Bằng An Thường (7) 

Có thể hiểu thấu được những điểm bí ẩn của Biển Thước, và bắt chước được những diệu pháp của Nguyên Hóa... Khá tiếc qua đời sớm quá, nếu được thọ thêm hơn nữa, chắc thành tựu sẽ không kém người xưa. 

- Nghề y của Tiền Trọng Dương (8)

Không khác dụng binh của Lý Tĩnh, lên, lui, buông, thả, đều đúng phương pháp. Bắt đầu do “Lô Tổng Phương” nổi tiếng ở đời, cũng giống như Biển Thước tùy theo sự ưa thích của người đời mà thay đổi chiến lược đấy thôi. 

- Nghề y của Trần Vô Trạch (9) 

Như viên "lại” già đoán ngục, lý lẽ quá khe khắt, không khỏi nói bỏ tình theo phép, tự mình làm có thể được, nhưng nếu để người khác thay sẽ bối rối không biết lối nào trở tay. 

- Nghề y của Hứa Thúc Vi (10) 

Như Cố Khải vẽ truyền thần, thần khí tuy có thừa, mà chẳng qua chỉ hơi giống, người bắt chước được cũng rất khó. 

- Nghề y của Trương Dịch Thủy (11) 

Như Chu Liêm Khê vẽ Thái cực đồ, chia âm chia dương, bao quát đủ cả lý và khí. Đến như không dùng cổ phương để chữa tân bệnh, tự lấy làm đặc điểm của một mình. Nhưng để người xem, lỡ vô ý chỉ ngay họa đồ đó là Thái cực, thì thật không khắc vẽ rắn thêm chân. 

- Nghề y của Lưu Hà Gian (12) 

Như anh Thác Đà trồng cây nào sống cây ấy, nhưng mượn băng tuyết thay thế cho khí hậu mùa xuân, chỉ lợi cho cây thông cây trác, mà không lợi cho khóm liễu cây bồ. 

- Nghề y của Trương Tử Hòa (13) 

Như viên tướng già đánh giặc hoặc dựa lưng vào phía nước để bày trận, hoặc quân qua sông rồi bỏ thuyền, tự để mình vào chỗ chết rồi mới sống... Nếu người không biết bắt chước, không bị tan vỡ thì cũng phải chạy dài,khó lòng thu thắng. Còn như "lục môn tam pháp" cũng chỉ là theo di pháp của Trường Sa mà thôi. 

- Nghề y của Lý Đông Viên (14) 

Như dây đồng mới căng, chỉ mới gảy lên một tiếng, mà các tiếng sáo nhị khác đều phải lặng im. Nhưng nếu những người "gán phím" học theo, cung bực sẽ đều sai lạc. Bởi cái tiếng du dương thánh thót, vốn không thể ai nấy cũng đều học được. 

- Nghề y của Nghiêm Dụng Hòa (15) 

Như Âu Dương Tuân viết chữ, ngay thẳng sổ ngay rất đúng khuôn phép, nhưng không có vẻ linh hoạt. Người học tuy dễ bắt chước, mà so với danh bút của Hán Tấn đời trước, thời còn cách xa. 

- Nghề y của Trương Công Độ (16) 

Chuyên học Trọng Cảnh, như Viên Giản Trai làm thơ, thỉnh thoảng cũng có phong cách của Thiếu lăng. 

- Nghề y của Vương Đức Phú (17) 

Như người đi săn chăng lưới tuy chăng khắp cánh đồng, mà những con thỏ lọt lưới mất cũng khá nhiều. Giản hoặc cũng nhờ sự đi ngang đi tắt, mà bắt được đôi con, nhưng cũng không đáng kể. 

PHỤ CHÚ: 

(1). Lã Nguyên Ưng người đời Minh, vì mẹ ốm, chuyên tâm học y, chữa bệnh rất giỏi, gần xa nổi tiếng. Soạn các sách: Nội kinh hoặc vấn, Linh khu kinh mạch tiên, Ngũ sắc chân kỳ huyền, Thiết mạch khu yếu, Dưỡng sinh tạp ngôn, v.v... 

(2) Biển Thước, người quận Bột Hải, nước Trịnh. Học Trường Tang Quân, chữa bệnh có thể trông thấu suốt được hòn cục ở trong bụng bệnh nhân. Soạn bộ Nạn kinh, tổng cộng 81 nạn. Phát minh phép chẩn mạch ở 3 bộ Thốn, Quan, Xích. 

(3) Thương Công: tức là Thuần Vu Ý, người đời Hán, vì làm chức Thái Thương trưởng nên cũng gọi là Thái Thương công, hoặc chỉ gọi là Thương công. Học thuốc ở Công Tôn Quang và Dương Khánh. Thường mộng tới chơi Bồng Lai sơn, uống nước ao Thượng Trì. Tạng phủ trong suốt, chữa bệnh, rất giỏi. Đời vua Văn Đế bị tội phải xử tử, con gái là Đề Oanh dâng thư trần tình, được tha. Văn Đế hỏi về Y thuật. Thương công tâu rành mạch, chép thành y án ở trong sử. 

(4) Trương Trường sa tức Trọng Cảnh, vì sinh thời có làm Thái thú ở quận Trường sa, nên quen gọi làm tên. Trọng Cảnh soạn Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược, làm khuôn phép cho nghề y đời sau. 

(5) Hoa Nguyên Hóa tức Hoa Đà, người cuối đời Hán, sở trường khoa giải phẫu và châm cứu. Bị Tào Tháo giết chết, sách vở thất truyền (các sách có tên Hoa Đà đời sau, phần nhiều là giả tạo). 

(6) Tôn Tự Mạo, người đời Tùy, Đường. Tùy Văn Đế triệu cho làm Quốc tử Bác sĩ không làm; Đường Thái Tôn vời đến Kinh sư cho làm quan cũng không nhận. Thọ linh trăm tuổi. Soạn Thiên kim phương (30 quyển), Phúc dư luận (3 quyển), Nhiếp sinh chân lục và Trẩm trung Tố như hội, Tam giáo luận... (mỗi loại 1 quyển). 

(7) Bàng An Thời, tự là An Thường, người đời Tống, đọc sách qua mắt là thuộc. Sách thuốc đọc hầu hết. Rất tin phục Nạn kinh, cho rằng: phép xem mạch không gì bằng Nhân nghinh, Thốn khẩu. Hai mạch đó âm dương cùng ứng, ngang như cán cân, nếu bị bệnh sẽ biểu hiện ra bên nặng bên nhẹ. Dựa vào đó mà suy xét cho tinh, bệnh không còn trốn vào đâu được nữa. An Thường chữa bệnh, rất tinh về môn Thương hàn, người đến xin thuốc thường chật nhà. Ông thọ 58 tuổi, có soạn các bộ: Nạn kinh biện, Chủ đối tập, Thương hàn tổng bệnh luận, Bằng thị gia truyền bí bảo phương v.v... 

(8) Tiền Ất, tự là Trọng Dương, người đời Tống. Cha là Dĩnh, giỏi nghề thuốc, lại nghiện rượu, ham đi chơi. Rồi một lần đi miền biển phương đông, không trở về nữa. Khi Ất mới lên 3 tuổi, mẹ lại chết, người cô lấy chồng họ Lã, thương tình đem về nuôi. Khi lớn dạy học nghề thuốc. Dần dần bảo cho biết gia thế, Ất 

khóc với cô, xin đi tìm cha, trước sau tới 8, 9 lần, quả nhiên đón được cha về. Khi đó Ất đã được 30 tuổi. Người làng cảm lòng hiếu của Ất, cùng làm thơ để ca tụng. Ất thờ chồng cô như thờ cha. Chồng cô không có con trai, khi chết Ất chôn cất trọn lễ như con đẻ. Bắt đầu Ất chữa về "tông lô" (tức khoa thuốc cho trẻ con) nổi tiếng. Sau tới Kinh sư, chữa bệnh cho con gái của Trường công chúa, được phong chức Hàn lâm y học. Gặp khi hoàng tử bị bệnh kinh giật, Ất dâng bài Hoàng thổ thang lại khỏi. Tống Thần tông vời hỏi bài Hoàng thổ thang vì cớ gì khỏi bệnh? Ất nói: vì thổ thắng thủy, khi thủy đã được yên lặng thì phong tự dẹp... Thần Tông vui lòng, thăng lên chức Thái y thừa và cho Kim tử. Từ đó các bực công khanh, quí thích mời đón không ngày nào vắng, hiệu hiệu rất nhiều, chết năm 82 tuổi. Soạn các sách Tiểu nhi dược chứng trực quyết (4 quyển); Thương hàn chỉ vi, Anh hài luận, v.v... Tiền Ất là một nhà đại phát minh về nhi khoa. Như nói: "Can có tướng hỏa, chỉ nên tả mà không nên bổ, Thận có chân thủy, chỉ nên bổ mà không nên tả...", đều phát huy được nghĩa bí ẩn của Nội kinh, các đại danh y đời sau như Trương Nguyên Tố, Lưu Thủ Chân, Trương Tòng Chính, v.v... đều tuân theo. 

(9) Trần Vô Trạch tức Trần Ngôn, người đời Tống. Soạn Tam nhân cực nhất bệnh chứng phương luận 18 quyển và Sản dục bảo khánh tập phương 2 quyển. 

(10) Hứa Thúc Vi người đời Tống, đỗ Tiến sĩ, tinh thông nghề y, soạn Thương hàn Phát vi luận, Thương hàn cửu thập, Loại chứng phổ tế bản sự phương 10 quyển, Thương hàn bách chứng ca 5 quyển, Trị pháp 81 thiên, Trọng Cảnh mạch pháp 36 bản đồ, Dực Thương hàn luận 2 quyển, Biện loại 5 quyển. 

(11) Trương Dịch Thủy tức là Trương Nguyên Tố, tự là Khiết Cổ. Rất tinh nghề y. Thường nói: “Vận khí không đều, xưa nay khác lối; bài xưa bệnh mới không thể dùng được”. Cho nên chữa bệnh tự đặt thành gia pháp, không dùng cổ phương, nổi tiếng một thời. Soạn Chân châu nang dẫn kinh tá sứ 1 quyển, Bệnh cơ khí nghi Bảo mệnh tập 3 quyển, Tạng phủ tiêu bản dược thức 1 quyển và Y học Khải nguyên, Khiết Cổ gia chân, v.v... 

Tôi xét: Khiết Cổ là một đại danh y đời Kim Nguyên, kiến giải của ông rất có lý, các y giả sau này tuân theo khá nhiều. Xem lời phà phê bình của họ Lã hình như chưa được thỏa mãn, có lẽ là do ý kiến của cá nhân chăng? 

(12) Lưu Hoàn Tố, tự Thủ Chân, người Hà Gian, sinh đời Kim Nguyên. Ông rất tinh nghề y. Ông cho rằng "dương thường hữu dư, âm thường bất tức" cho nên chuyên dùng hàn lương, lấy trừ Tâm hỏa, ích Thận thủy làm chủ. Soạn Vận khí yếu chỉ luận, Tinh yếu Tuyên minh luận, Thương hàn trực cách phương, Thương hàn tiêu bản tâm pháp loại tụy, Tố Vấn huyền cơ nguyên bệnh thức, v.v... 

(13) Trương Tử Hòa tức là Trường Tòng Chính, hiệu là Đới nhân, rất tinh nghề y, tôn theo Lưu Thủ Chân, dùng thuốc thường thiên về hàn lương: đối với 3 phép hãn, thổ, hạ, vận dụng rất tinh vi. Soạn Nho môn sự thân (15 quyển), Thương hàn tâm kính (1 quyển) và Lục môn nhị pháp (1 quyển). 

(14) Lý Cảo, tự Minh Chi, hiệu Đông viên lão nhân, sinh đời Kim Nguyên, học trò Trương Nguyên Tố, chữa bệnh lấy Tỳ Vị làm trong, càng sở trường về thương hàn, ung thư và bệnh ở mắt. Soạn Dụng dược pháp tượng, Bản thảo mạch quyết, Tạp bệnh phương luận, Y học phát minh, Nội ngoại thương biện hoặc luận, Tỳ Vị luận, Lan thất bí tàng, v.v... Lại chú thích Thôi Chân nhân mạch quyết, Thang dịch bản thảo, Cách trí dư luận, Cục phương phát huy, Ngoại khoa tinh nghĩa và Y kinh tố hồi tập, v.v.... 

(15) Nghiêm Dụng Hòa tự Tử Lễ, người đời Tống, soạn Tế sinh phương 8 quyển, phân biệt môn loại, nghị luận tinh đáng. Dụng ý cẩn nghiêm, có thể điều hòa với các ông Trương Tòng Chính và Lưu Hoàn Tố cho khỏi sự thiên lệch. 

(16) Trương Công Độ, người đời tống, sinh nghề y, chủ ý là để cứu người, không mưu lợi 

(17) Vương Đức Phu tức Vương Thạc, người đời Tống. Soạn Giản dị phương 1 quyển. 

Án: Danh y của Trung Quốc rất nhiều. Đây Nguyên Ưng vì theo thể tài bài, nên chỉ phê bình có 17 người. Nhưng do ý kiến riêng của một mình, nên sự phê bình cũng không được hoàn toàn chính xác. Độc giả khi xem, cần phải tham khảo thêm. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990