Logo Website

ĐIỀU KINH VÀ DÙNG THUỐC

22/12/2020

ĐIỀU 54. ĐIỀU KINH VÀ DÙNG THUỐC 

Chữa bệnh phụ nữ lấy điều kinh làm chủ yếu. Tiêu Thận Trai từng nói: “Phụ nữ có khi bị một bệnh gì trước, rồi sau mới sinh ra kinh nguyệt không điều; phép chữa, hãy chữa khỏi bệnh đã, bệnh khỏi thì kinh tự điều. Nếu do kinh không điều mà sinh ra các chứng bệnh khác, thì cần phải dùng phương pháp điều kinh đã, khi kinh điều thì các chứng hậu kia sẽ không phải chữa mà tự khỏi..." ý kiến của họ Tiêu rất đúng. Nhưng khí là lãnh đạo của huyết, khí hành thì huyết hành, khí thuận thì huyết thuận, nên muốn điều kinh cần phải lý khí; muốn lý khí phải dùng loại thuốc có khí vị "tân hương", cùng phối hợp với loại thuốc "điều can lương huyết" thì công dụng mới đầy đủ. Do đó, lâu nay tôi chuyên dùng 2 vị Hương phụ, ích mẫu phối hợp làm thuốc điều kinh, tùy theo kinh huyết hàn nhiệt mà thay đổi quân thần, kết quả rất tốt. Nhân xem trong Phụ khoa y yếu, có bài "Bát chế Hương phụ hoàn", tuy dược vị và phương pháp bào chế có phiền phức hơn bài của tôi, nhưng cũng đều là những dược vị bình thường dễ kiếm, đồng thời cũng có thể "chiếu cố" được nhiều mặt hơn. Xin giới thiệu và giải thích thêm về phương pháp bào chế như sau: 

Bài thuốc: Dùng Hương phụ làm quân, sau khi đã qua lần chế, phối hợp với Đương qui, Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung, Hồng hoa, Bán hạ, Tần giao, Đan bì, Thanh bì. Cộng cả 9 vị, cùng tán bột, luyện với hồ (không dùng mật) làm hoàn. 

Chủ yếu của bài này là vị Hương phụ, tôi chỉ xin giải thích riêng phương pháp chế Hương phụ. 

Chữa bệnh phụ nữ, muốn điều kinh cần phải điều Can. Dùng Hương phụ làm quân, để giải Can uất, lý Can khí. vì e nó có vẻ "tân, táo", nên mới tẩm nước gạo cho chế bớt tính táo, đồng thời cũng là mượn thêm "cốc khí" cho dẫn vào Vị ; thứ hai là tẩm rượu sao, để cho nó dẫn khắp toàn thân và thông hành cả tam tiêu; thứ ba là tẩm dấm thanh sao, để cho dẫn vào kinh Quyết âm Can; thứ tư là tẩm đồng tiện sao là mượn cái khí vị "hàm hàn" của nó để cho dẫn xuống phận dưới; thứ năm là tẩm với nước Đỗ trọng sao, để cho dẫn tới bộ phận eo lưng và đầu gối. Sau khi đã chế qua 5 lần, chia làm 3 phần. Một phần tẩm với nước Hồng hoa để giúp thêm tác dụng hành huyết; một phần tẩm với nước Hoàng liên để thanh nhiệt; một phần tẩm với nước Bán hạ để cho tróc đờm. Sau khi đã chế qua 8 lần rồi, lại phối hợp bài Tứ vật và Hồng hoa, Xuyên liên... đối với các phương diện điều chỉnh khí huyết, dồn bỏ đờm thấp... đều đầy đủ. Theo ý tôi, bài thuốc trên này, nếu người có hoàn cảnh làm được cả thì càng hay; không thì chỉ chế riêng một vị Hương phụ mà dùng cũng được. Hoặc dùng vị Hương phụ 8 chế, phối hợp với ích mẫu làm hoàn cũng không kém phần công hiệu. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990