Logo Website

ĐIỀU TRỊ ĐỜM ẨM

14/03/2021

ĐIỀU 153. ĐIỀU TRỊ ĐỜM ẨM 

Mâu Trọng Thuân và Kha Vận Bá đều có bài nói về hai chứng "Đờm và ẩm cần phải chữa riêng", lý luận đó rất đúng. Nhưng lập luận có nhiều điểm còn chưa được rành mạch, sáng tỏ, người xem khó tránh nhầm lẫn. Tiện đây, tôi dựa vào lý luận của hai vị tiền bối đó, bàn bạc cụ thể thêm: 

"Ẩm" tức là "thủy", chất trong mà không dính, nó là một thứ sẽ hóa ra mồ hôi, hóa ra tiểu tiện mà chưa thành. 

Đờm, chất đặc và dính, nó là một thứ sẽ hóa ra "dịch" (nước màu), hóa ra huyết mà chưa thành. 

Chứng ẩm sở dĩ sinh ra, bởi khí hóa của Tam tiêu mất sự vận hành, khí hóa của Tam tiêu không vận hành được là do mệnh môn hỏa không đầy đủ. Nội kinh nói: "Tam tiêu là cơ quan quyết độc, là con đường dẫn đi của nước; Bàng quang là cơ quan Châu đô, là nơi chứa tân dịch, nhờ có "khí hóa" mới phân tán ra được”. Xem câu đó, ta nhận thấy: khi nước vào tới Vị, do sự vận hóa của Tỳ đưa các chất tinh vi lên Phế, đó tức là "tân"; còn các chất cặn thì dồn xuống Tam tiêu, nhờ khí nóng nung nấu, thì dù chưa kịp dồn xuống làm tiểu tiện, cũng bài tiết ra ngoài làm mồ hôi (cho nên những người ra mồ hôi nhiều sẽ ít đi tiểu). Còn một phần xuống được tới Bàng quang cũng phải nhờ khí nóng của Tam tiêu, mới bài tinh xuống được. Nên mới nói: "nhờ có khí hóa mới phân tán ra được". Khi còn ở Tam tiêu thì gọi là "thủy", xuống tới Bàng quang thì gọi là tân dịch. Vậy chính bản chất của tân dịch cũng chỉ là "thủy”. Hỏa của Mệnh môn không đủ sức bốc nóng, thì Thủy sẽ đọng lại ở Trung tiêu, mà xông hơi lên Phế. Về phần trị liệu dùng phương pháp "bổ hỏa, lý khí” tức là "trị bản", còn phát hãn và lợi tiểu tiện là "trị tiêu". 

Đờm thì vô luận là táo đờm hay thấp đờm đều do Tỳ khí không đầy đủ, không vận hành được mạnh mà gây nên. Bởi chất tinh vi của thủy cốc, nhờ công năng truyền hóa của Tỳ, đạt ra ngoài cơ nhục, thì là huyết để thấm nhuần cho sự khô ráo, đạt tới gân xương thì sẽ là chất "dịch" để làm cho sự co duỗi được dễ dàng. Giờ Tỳ khí không đầy đủ, thổ không sinh được kim, khí ở Đản trung không đủ sức đạt ra cơ nhục, mà ứ đọng lại ở Trường Vị, sẽ thành ra đờm. Cho nên mới nói: "đờm do khí trệ mà sinh ra”. Phương pháp chữa đờm, chủ yếu là kiện tỳ và "sơ lý" Tam tiêu, để cho sự vận hòa của khí được dễ dàng, như vậy là trị bản. Còn như tuyên uất, phá ứ là trị tiêu. Nếu là táo đờm thì phải kiêm cả thanh nhiệt sinh tân. Đến như phải dùng đến phương pháp "phá ứ" là vì đờm cũng thuộc về huyết loại, nên chỉ "đình đờm" với "ứ huyết" thường cùng một phương pháp điều trị. Trị liệu chứng đờm, không nên bổ hỏa mà cũng không được lợi thủy. Nếu bổ hỏa lợi thủy, thì dù là thấp đờm cũng bị hỏa nhiệt nung nấu, càng thêm nhiều, càng rít chặt, không sao bài trừ được nữa. Trên đây là chủ yếu về phương pháp đờm và ẩm phân trị. 

Đến như người bị chứng ẩm, tất kiêm có đờm; người bị chứng đờm thường cũng kiêm ẩm. Hai chứng đó phần nhiều lẫn lộn nên chi trị pháp của người xưa thường không phân biệt. Nhưng xét cho kỹ thì mọi bệnh đều có nguyên nhân riêng mà chứng hậu cũng đều có "sở chủ". Người bị bệnh ẩm mà có kiêm đờm, thì chỉ chữa chứng ẩm mà đờm sẽ tiêu; nếu chứng đờm có nặng thì chữa cả chứng đờm cũng được. Vì chứng đờm mà sinh ra chứng ẩm, thì chỉ chữa đờm, chứng ẩm cũng sẽ khỏi. Nếu chứng ẩm nặng thì chữa cả chứng ẩm cũng được. Đó là hoạt pháp, là quyền biến. Người làm thuốc có biết được như vậy, mới tránh khỏi nạn "cố chấp" làm ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990