Logo Website

ĐÔNG ĐỒ BÀN VỀ CHẨN ĐOÁN

29/12/2020

ĐIỀU 63. ĐÔNG ĐỒ BÀN VỀ CHẨN ĐOÁN 

Trong Minh biện loại hàm của Thiềm Đông Đồ cố đoạn nói: "Y giả nhận xét bệnh, chủ yếu là vọng, văn, vấn, thiết. Đó là lấy thiết mạch để nghiệm cho vọng, văn, vấn. Bắt đầu xét từ chỗ có hình có tiếng, cuối cùng xét tới chỗ không hình không tiếng... Như vậy thì trong ngoài, gốc ngọn đều biết dược rõ ràng. Mạch có các hiện tượng Phù, Trầm, Huyền, Sác... thì ai cũng đã rõ. Nhưng trong cái hiện tượng Phù, Trầm, Huyền, Sác đó lại còn có rất nhiều chi tiết phiền phức, nếu không dựa vào "vấn" để chứng thực cho "văn"; dựa vào "văn" để chứng thực cho "vọng" để tìm cho được đầu, đuôi, gốc, ngọn, mà chỉ bằng cứ vào một sự mập mờ ở dưới 3 đầu ngón tay... thật khó lòng đạt được yêu cầu. Người xưa đặt "thiết" ở dưới vọng, văn, vấn, không phải là nói bao các chứng hậu có thể đoán cả ở mạch, mà chính là tỏ cho ai nấy đều biết "thiết mạch" không thể bỏ qua được vọng, văn, vấn...". 

Lại nói: "Thiết mạch mà đoán bệnh được đúng, là nhờ ở vọng, văn và vấn". Nhưng theo thiển ý tôi thì "vấn" lại càng là điểm cần thiết hơn hết. Muốn biết được hiện trạng của tật bệnh ra sao, và nguyên nhân của tật bệnh là gì. Tất phải nhờ vào "vấn". Vậy mà y giả đời nay, có nhiều người tự phụ thông minh(?), cố ý không vấn mà chỉ thiết, hoàn toàn dựa vào mạch để đoán bệnh. Dù cho bệnh nhân có muốn kể bệnh kỹ càng, y giả lại tỏ ra vẻ kiêu hãnh, nói một cách tự đắc: đã biết rồi, không cần nói nữa! Như vậy mà đoán được đúng bệnh, cũng không khỏi là "gặp may" nếu không may mà không đúng thì đối với bệnh nhân ra sao? Cho nên, phàm y giả tự phụ thông minh, không chịu hỏi kỹ, thật là một lỗi lớn. Mệnh người rất trọng, sống chết ở tay có thể làm liều như thế được chăng? 

Trong Hồ hải Lưu kỳ của Vương Triệu Vân cũng nói: "Nói về mạch lý, tôi rất lấy làm ngờ. Ngẫm từ Thái sử công soạn Sử ký đã nói: "Biển Thước uống nước ở ao Thượng Trì, sau 30 ngày, có thể cách tường trông thấy được suốt nội tạng của con người, nhưng chỉ nổi tiếng về việc thiết mạch"... Xem đó đủ rõ bản ý của soạn giả ra sao. Giờ chỉ dùng 3 đầu ngón tay để lên 3 bộ ở cổ tay bệnh nhân, mà nói lên được là Tạng ấy, Phủ ấy bị bệnh, rồi phân tích nào là "thất biểu, bát lý, cửu đạo..." không sai mảy may,.. Không những ở đời này không có người có tài như vậy, mà đến đời xưa cũng rất hiếm, chẳng qua chỉ người nọ nói dối người kia đó thôi". 

Xem 2 đoạn văn nói về chẩn mạch của Thiềm Đông Đồ và Vương Triệu Vân vừa dẫn ở trên, tưởng các bạn đồng nghiệp chúng ta cũng nên suy nghĩ. 

Nguồn trích: CHƯƠNG V: CHẨN ĐOÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990