Logo Website

HỌC TẬP QUAN ĐIỂM CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

12/02/2021

ĐIỀU 121. HỌC TẬP QUAN ĐIỂM CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (I) 

Hải Thượng Lãn ông soạn cuốn Ngoại cảm thông trị, trong đó có bài: "Luận về Lĩnh Nam ta không có chứng Thương hàn" v.v... Tuy là dựa theo thuyết của Phùng sở Chiêm, nhưng không khỏi có "ngữ bệnh” (khuôn sáo, bắt chước). Nếu đổi là: "ở Việt Nam ta không có chứng Thương hàn nặng như ở phương Bắc; tuy cũng cần phải phát hãn, nhưng chỉ dùng Thông, Tô cũng đủ, không phải dùng tới Ma hoàng thang"... Nói như vậy có lẽ thỏa đáng hơn. 

ĐIỀU 122. HỌC TẬP QUAN ĐIỂM CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (II) 

Tại bài "Tân bổ Thương hàn trị pháp" trong Ngoại cảm thông trị đoạn đầu nói: "... tới nay khí hóa đã mỏng, lại bị trác táng (lược) đến nỗi khí huyết tinh thần đã giảm, âm dương tạng phủ do đó cũng suy, tà khí dù nhẹ cũng dễ thương cảm, nếu không dùng thuốc bổ mạnh, thì khu trừ sao được...". Dùng thuốc "bổ mạnh", chữ "mạnh" ở đây dùng cũng hơi "mạnh". Nếu đổi là dùng thuốc "ghé bổ” thì hợp lý hơn. Vì còn đương ở vào trường hợp "vừa phù chính, vừa khu tà", nếu lại bổ mạnh thì tránh sao khỏi vạ "bế môn lưu khấu" (đóng cửa giữ giặc trong nhà)? Vậy cần phải thận trọng từng bước, cũng như phương pháp "bổ âm tiếp dương" ở trên, mới thật vững vàng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990