Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH

05/04/2021

ĐIỀU 177. KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH 

Chữa bệnh có khi dùng thuốc đúng với chứng bệnh mà bệnh lại nặng thêm. Về điểm này, nếu y giả không có định kiến và lập trường vững, rất dễ bị bệnh lừa dối, rồi vội đổi hướng, đi đến kết quả không tốt. Thiên Kim phương nói: "Phàm uống loại thuốc chi lỵ, lúc mới uống, lỵ thường đi nhiều hơn. Người nông nổi không hiểu vội thôi không cho uống nữa như vậy là lầm. Nên nhận định: thuốc của mình đã thích ứng với bệnh tình rồi thì dù có đi nhiều hơn, cũng cứ cho uống, dần dần sẽ khỏi. Chỉ có trường hợp là thuốc không thích ứng với bệnh, mới phải bỏ". Thận nhu ngũ thư nói: "Uống loại thuốc hàn lương nhiều, dương khí bị uất hãm, nên đổi cho uống các bài Tứ quân, Bảo nguyên để ôn Tỳ lý Phế, dương khí sẽ thăng cử, tà khí dần dần lui ra biểu; khi lui tới khu vực Dương minh tất sẽ phát sinh các chứng nôn mửa, ỉa lỏng hoặc ỉa tháo; khi lui tới khu vực Thiếu dương, tất sẽ phát sinh các chứng nhức đầu và hàn nhiệt vãng lai; khi lui tới khu vực Thái dương, tất sẽ phát sinh các chứng phát nhiệt, ố phong hàn, gáy cứng, lưng đau, v.v... Lúc đó, nên chú ý vào việc bổ chính, tùy chứng mà trị liệu, sẽ thu được kết quả. Đừng có tưởng lầm ngoại cảm mới bị. Hoặc tưởng lầm là mình dùng thuốc làm mà vội đổi phương hướng. Nếu đổi phương hướng, sẽ thành hoại bệnh.". Nhân thuyết của Thận Nhu trên, tôi liên hệ tới y giới ta hiện nay, có cái tình trạng rất sợ chứng "Can dương” (Cao huyết áp), nhiều khi gặp chứng nhức đầu phát sinh bởi thương phong. Cũng đã vội nhận ngay là "Can dương" bốc lên rồi! Tức thời dùng loại thuốc thanh lương cho uống. Uống mãi tới khi chân hỏa hạ hãm, khí âm hàn tràn khắp mọi nơi, biến thành chứng "đầu trọng, lô trướng". Đến lúc đó vẫn còn đổ cho Can dương thái quá.” Nếu có người hiểu rồi, kíp dùng loại thuốc "thăng dương, trục âm" để vãn cứu. Sau khi uống thuốc, dương khí đã có chiều đạt lên được, thấy biểu hiện ra chứng miệng khô hơi khát thì đã băn khoăn là dùng nhầm dương dược! Rồi lại quay lại vết bánh xe cũ, vô tình càng làm cho dương khí của bệnh nhân tiêu diệt. Thật là oan uổng! 

Thí dụ: chữa bệnh ngoại cảm, mà biểu chứng giảm dần, nhưng lý chứng lại thêm kịch, như vậy là ngoại tà đã hãm vào lý. Chữa chứng ngoại tà hãm vào lý, làm cho nó có thể dồn đạt ra biểu, do đó, biểu chứng sẽ thêm lên, mà lý chứng thì giảm dần; đó là dấu hiệu chính khí đã dần hồi phục. 

Chữa chứng phát nhiệt ố hàn, nếu phát nhiệt ố hàn nhẹ đi, mà lại thêm chứng hung mãn, nôn mửa không muốn ăn. Như vậy là phong hàn đã hãm vào lý. Nếu trước thì hung phúc đầy trướng, sau khi uống thuốc, chứng "đầy trướng” giảm hẳn, mà lại phát sinh chứng "đại tiện hoạt thoát, bất cấm". Như vậy là chính khí đã đi đến tình trạng hạ thoát. Suy đó, ta nhận thấy: có khi ngoại chứng nặng thêm, mà chính là dấu hiệu bệnh khỏi; cũng có khi ngoại chứng giảm nhẹ, mà lại biểu hiện bệnh nguy. Y giả, bệnh gia, gặp trường hợp đó, phải có bản lĩnh đoán định mới tránh khỏi sai lầm. 

Chu Thận Trai nói: "Những bệnh Tỳ khí hư mà mạch Huyền, sau khi uống Bổ trung ích khí thang, tất phát sinh chứng Ngược; Tỳ khí hư mà thấp thắng, sau khi uống Bổ trung ích khí thang, tất phát sinh chứng lỵ. Đó là bệnh tà tìm lấy lối thoát. Cứ kiên tâm cho uống bài trước, sẽ khỏi. Chu Đan Khê chữa một người thể chất hư yếu bị chứng kiết lỵ, cho uống bài Lục quân. Thuốc càng uống, bệnh càng kịch. Đan Khê không hề thay đổi. Mãi tới khi chẩn thấy chính khí đã đầy đủ, bấy giờ mới cho uống thuốc trừ lỵ. Chỉ một thang, bệnh khỏi. Xem đó, đủ nhận thấy bản Lĩnh đoán định của Đan Khê thật ít người bì kịp. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990