Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH CỦA PHI HÀ

01/03/2021

ĐIỀU 139. KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH CỦA PHI HÀ 

Hàn Mâu tự là Phi Hà vừa là một danh y, vừa là một bậc đi ẩn đời Minh bên Trung quốc, soạn bộ Y thống hai quyển. Trong bộ đó có chép một y án rất hay, nội dung như sau: 

"... Một viên Đô ty vì khóc em quá mà sinh bệnh, bỏ cả ăn uống, khắp mình mẩy khớp xương đều đau như dần, đau nhất là chỗ eo lưng. Có người đoán là Thận hư; nên bổ Thận, có người đoán là cảm phong hàn, nên tán hàn. Tới lượt Hàn chẩn, Hàn nói: Cứ kể thì bệnh này rất nguy. Thiết chẩn 6 bộ đều Sắc, đúng như lời bàn của Đông Viên: "Nó không phải là chính bệnh của 12 kinh, mà chỉ là "kỳ tà" của kinh lạc”. Nguyên nhân bệnh này tất do sự ưu sầu, uất ức quá độ mà sinh ra. Nếu giờ mà thêm chứng đờm suyễn, thì đành chịu không thể nào cứu. Bệnh tình nguy như vậy, nhưng nếu dùng bổ thì lại e khí trệ, dùng tán thì lại e khí háo... Liền quả quyết cắt bài Thanh táo thang của Đông Viên, theo đúng nguyên phương, không chút gia giảm. Uống liên tục ba nước, bệnh nhân nằm ngủ thiếp đi, suốt từ chập tối đến gà gáy mới thức dậy, cổ vẫn không có tiếng đờm, tinh thần nghe có vẻ khoan khoái hơn trước; chẩn mạch thấy giảm được 3 phần mười. Rồi cứ cho uống bài đó tiếp luôn 10 thang, các chứng đều khỏi..." 

Tôi xét: Bệnh của viên Đô ty này rất nguy, luận bệnh của Phi Hà rất tinh. Vậy mà chỉ cho uống chuyên bài Thanh táo được khỏi hẳn... là vì sao? Bởi "5 chí" đến tình trạng quá độ, đều biến thành hỏa uất. Trong bài này dùng 2 vị Hoàng liên; Hoàng bá để thanh hỏa, dùng Thương truật, Thần khúc để tán uất; vì khí uất nhiệt cùng kết hợp rất hay sinh ra Thấp, dùng Bạch linh, Chư linh, Trạch tả để thẩm thấp; thấp nhiệt quá nặng, Tỳ thổ sẽ bị suy, dùng Thương truật, Bạch truật và Nhân sâm để giúp Tỳ, bổ ích cho nguyên khí; Thấp nhiệt thắng thì Phế kim bị hại, nên dùng Sâm, Kỳ, Mạch môn, Ngũ vị giúp Kim để chế mộc, cho Mộc có đủ khả năng để sinh hỏa, nhưng nếu hỏa "cang" thì Thủy tất bị suy nên mới dùng cả Qui, Địa để dưỡng huyết; đồng thời kết hợp với tác dụng "thăng thanh" của Thăng, Sài tác dụng "giáng trọc" của Linh, Trạch... để điều chỉnh toàn thân. Tóm lại, học những công năng của các vị trong bài Thanh táo, vừa đúng khớp với các chứng hậu trong "kỳ tà" trong Kinh lạc, nên mới thu được kết quả mau chóng như vậy. (21) 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990