Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH GÙ

07/03/2021

ĐIỀU 149. KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH GÙ 

Trung Y tạp chí tỉnh Phúc Kiến xuất bản năm 1959 đăng một bài của Trần Long Chấn nói về dùng Thương truật với Mẫu lệ chữa bệnh Gù (câu lâu), tuy cũng dựa theo Bản thảo, nhưng về phương pháp sử dụng cũng có sáng kiến. Long Chấn viết: 

"Bệnh Câu lâu là do chất vôi ở trong xương không đầy đủ mà gây nên. Các trẻ em từ 3 tuổi trở xuống thường hay bị. Nếu bệnh phát sinh tại bộ phận đầu thì Thông môn (thóp thở hay thóp mụ) có khi đến 2 tuổi vẫn chưa kín, đầu thường toát mồ hôi. Trung y gọi là “giải lô” nếu bệnh tại bộ phận ngực thì xương ngực gồ ra, Trung y gọi là "qủy hung”, nếu bệnh phát sinh tại đường xương sống thì lưng gù xuống không ngửa lên được, Trung y gọi là "quy bổi"; nếu phát sinh tại tay chân thì xương tay chân xù ra và mềm, không cử động được. Lại thường kiêm các chứng mồ hôi trộm và sốt nóng v.v... Đối với 3 loại bệnh trên, trong các sách cổ của Trung y, dùng những bài như Cẩu não hoàn, Bổ thiên đại tạo hoàn đều có tác dụng. Nhưng tôi vốn hiếu kỳ, muốn tìm một phương pháp chữa khác với người xưa. Tự nghĩ: nếu trong xương thiếu chất can xi, thì sẽ hóa thành mềm, nếu thiếu vitamin D thì cũng không thu hút đươc chất can xi. Vì vậy tôi mới dùng một vị có hàm chất vitamin A và D là Thương truật với vị hàm có chất canxi là Mẫu lệ để chữa loại bệnh đó, thu được kết quả tốt đẹp. 

Dưới đây là phép bào chế và cách dùng: 

- Đem Thương truật sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 5 phân, trộn với thức ăn cho ăn, ngày 3 lần (bệnh án số 1). 

- Dùng Thương truật nửa cân, tẩm với 1 cân dầu lạc, qua một đêm nấu thật kỹ, bỏ Thương truật, dùng dầu. Mỗi lần cho uống 10 giọt, ngày 8 lần. (Bệnh án số 2). 

- Đem Mẫu lệ nung chín, tán bột, mỗi ngày dùng 3 đồng cân, đun với 3 chén nước cạn còn 2/3 chén, chia làm 3 lần, trộn với thức ăn cho ăn (bệnh án số 1). 

- Đem Mẫu lệ nung chín, tán bột, mỗi lần dùng 2 ly, trộn với thức ăn cho ăn, ngày hai lần (bệnh án số 2). 

Bệnh án số 1:

Em Trần, mới 18 tháng. Đầu bỗng dưng lệch về bên phải, vai bên phải sụt thấp hơn vai bên trái, đi cứ lệch về bên phải, nếu ngã xuống, không dậy được. Hễ ngủ thì ra mồ hôi trộm, ban ngày trên đầu cũng ra mồ hôi. Hỏi trước khi phát bệnh: có phát sốt nóng, và ỉa chảy; lấy tay nắn cổ và gáy đều mềm, vai bên phải cũng mềm; tia mạch ở Hổ khẩu sác xanh nhạt, hơi tía; rêu lưỡi trắng và dày. Đại, tiểu tiện bình thường. Cho uống bột Thương truật và bột Mẫu lệ, theo đúng công thức ở trên, qua một tuần lễ, đầu không lệch nữa, các chứng khác đều khỏi dần. 

Bệnh án số 2:

Em Lâm 3 tuổi, hai bên xương gối cong lại, khó đi. Thể ôn và mạch bình thường, sắc mặt xanh tái. Cho uống dầu Thương truật và bột Mẫu lệ, đồng thời dặn người mẹ lúc em ngủ thì chịu khó nắn hai bên xương gối. Uống thêm và nắn vừa một tháng, xương gối lại thẳng, đi đứng như thường. 

Tôi xét: Thương truật tính chất khổ ôn không độc, có tác dụng chữa phong hàn, thấp, tý, ấm dạ dày, tiêu thức ăn (Bản kinh), chữa gân xương mềm yếu (Nhật Hoa). Mẫu lệ tính chất hàm bình, hơi hàn, không độc. Có tác dụng khỏe các khớp xương (Bản kinh). Long Chấn dùng 2 vị đó để chữa bệnh xương thật rất đúng. Phương pháp bào chế cũng hợp. Riêng về cách uống có lẽ hơi ít, hoặc giả vì chữa cho các em còn bé quá, nên mới dùng ít thế chăng? 

Năm 1960- 1961, tôi chữa một người tên là Nguyên Thị Sào, 21 tuổi, đã có một con 4 tuổi, làm bí thư thanh niên huyện Quảng Oai, Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì - Hà Nội, chính quê ở làng Cố pháp, nay là Phong Vân. Sào bị qua mấy cơn sốt nóng xoàng đã khỏi, tự nhiên thấy đau nhức tại đốt xương sống thứ 7, rân ràn toàn thể đốt xương lồi hẳn lên gân bằng nắm tay, đồng thời tay chân bên trái bị co lại không duỗi ra được, tức là đã bị bán thân bất toại. Bệnh viện Sơn Tây giới thiệu về Bệnh viện Bạch Mai, qua sự chẩn đoán của các bác sĩ cho là đốt xương bị mục, tức là bị bệnh cốt lao (lao cột sống), bảo phải bó bột một năm, may ra mới khỏi. Người nhà đưa về. Có người mách nên uống cao hổ cốt, lại giới thiệu cho đi mua, hết 90 đồng, được 3 lạng. Không rõ uống bằng cách nào, chỉ biết là sau khi uống hết 3 lạng cao, co rụt và tê liệt nốt tay chân bên phải, trong ruột lại nóng nảy bào hao rất khó chịu. Bấy giờ người nhà mới đưa đến tôi, yêu cầu chẩn trị. 

Tôi trông thị Sào người mập mạp, sắc mặt hơi xanh. Hỏi đến sự uống ăn, đại tiểu, vẫn được bình thường. Duy có ăn phải bón; nằm muốn trở mình phải người đỡ; đại, tiểu phải người bế. Chẩn mạch Quan Thốn Trầm Huyền, xích Trầm Nhược. Nhận định là Thận suy, thủy không dưỡng mộc; đường xương sống thuộc về Đốc mạch, Đốc mạch có nhiệm vụ đốc xuất các kinh dương; giờ Đốc mạch là nơi bị bệnh nên các kinh dương đều ảnh hưởng. Can chủ cân, Can không được sự nuôi dưỡng của Thận thủy, nên gân mới bị bệnh mà sinh co quắp. Tôi liền chủ trương dùng phương pháp bổ Thận bình Can, lấy bài Tam giáp phục mạch hợp với Nhị diệu tán làm chủ dược, rồi tùy trường hợp gia giảm thêm một vài vị. Các vị Mẫu lệ, Qui giáp, Miết giáp đều dùng sống không nung. Đó là tôi theo thuyết "có dùng sống thì khí lực mới được toàn" của Trương Sơn Lôi trong Trúng phong giác thuyên. Ngoài việc thuốc uống trong, tôi lại kiêm dùng cả ngoại trị, tức là châm cứu, chuyên sử dụng các huyệt: Đại chùy, Thân trụ, Đại chữ, Hoàn khiêu, Thứ liêu, Dương lăng, Âm lăng, Thận du, Mệnh môn, Đại đôn v.v... các huyệt đó hoặc châm hoặc cứu, thay đổi sử dụng, mỗi lần chỉ dùng 3, 4 huyệt là cùng. Tôi kiên trì chữa như vậy hết 6 tháng, khôi phục lại thể trạng như thường. Các vị của bài Tam giáp và Thương truật, trước sau dùng hết tới 9, 10 kg. Châm và cứu chừng 80, 90 lần. 

Bệnh của thị Sào tôi sở dĩ chữa được hiệu quả, việc dùng thuốc và châm cứu được đúng là một phần, mà việc nuôi nấng châm nom thì chiếm một phần trọng yếu. Thật thế. Từ Phong Vân tới Hà Nội một con đường hơn 60 km không phải là gần. Mà người nhà bệnh nhân cứ thay đổi nhau đến nuôi, không bỏ một ngày nào vắng. Họ chia nhau: Người chồng ở nuôi 15 ngày, đến lượt mẹ đẻ 15 ngày, rồi đến mẹ chồng 15 ngày, lại bắt đầu đến người chồng. Nhất là tôi thấy mẹ chồng mà hàng ngày bế con dâu đi ỉa đi đái đến 4, 5 lần, không hề tỏ vẻ khó nhọc vất vả. Suốt trong 6 tháng trời, tôi không thấy bệnh nhân có lúc nào bị phải buồn rầu khó chịu, không thấy những người nuôi có lúc nào có vẻ bực dọc phần nàn. Thật là một gia đình hiếm có. Do đó, càng làm cho tôi phải quyết tâm kiên trì, không nỡ vì lâu khỏi mà nản lòng. Do đó mà suy, việc chữa bệnh có thể chỉ chuyên dựa vào thuốc mà được đâu. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990