Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA CHỨNG GIẢN

06/03/2021

ĐIỀU 143. KINH NGHIỆM CHỮA CHỨNG GIẢN 

Diệp Ứng Long đăng bài "Một trị nghiệm về chữa chứng tựa bệnh giản mà không phải bệnh giản" ở Chiết Giang Tạp chí. Bài thuốc giản dị mà có ý nghĩa rất hay. Nội dung bài viết như sau: 

“Trương Bính Hoàng năm lên 10 tuổi, bị một bệnh: mỗi ngày lên cơn 4, 5 lần. Khi lên cơn, mắt đờ ra, miệng há hốc, đờ đẫn, không nói, không ngã lăn, không sè giãi, như bệnh "giản" mà không phải là "giản”. Tôi (tức Ứng Long) bấy giờ cùng là bạn học, thường trêu ghẹo, hoặc lấy lá cỏ để vào miệng, hoặc lấy bút mực vẽ vào mặt hắn vẫn cứ đứng trơ không hề động đậy. Một lúc sau, hắn tỉnh lại, đều biết cả tình hình vừa qua, nói rõ được những đứa nào trêu ghẹo và lại nói thêm: chỉ vì miệng cứng, tay chân đều cứng nên đành chịu đấy thôi. Nhà anh ta chạy chữa đã khá nhiều, thay đổi tới 9, 10 lương y. Có ông chữa về mặt kinh giản, có ông chữa về mặt phong đờm, có ông chữa theo phương pháp bổ tâm an thần đều không công hiệu. Tiên quân tôi (tức ông bố của Ưng Long) tới thăm, nói: "Người không ngã ngất, tay chân không co duỗi, trong họng không tiếng đờm khò khè, miệng không sè bọt giãi, không phải giản mà cũng không phải phong đờm, miệng há, tay không nắm chặt. Đó là cái hiện tượng hư chứng chứ không phải thực chứng. Dùng những loại thuốc hóa đờm chấn kinh, chỉ làm tổn hại nguyên khí, thật không ích gì. Tri thức của con người, do não trông coi. Một khi khí âm dương ở trong não mất sự điều hòa, sẽ phát sinh bệnh biến. Liền dùng một bộ óc lợn (dùng dao nứa cắt bỏ những gân đỏ) cùng nấu với một đồng cân rưỡi Đông trùng hạ thảo (sâu chít) (nấu cách thủy cho thật chín) cho ăn. Mỗi ngày ăn 1, 2 lần. Chuyên ăn như vậy, hết chừng bốn chục bộ óc, bệnh khỏi hẳn. Tôi (Ứng Long) xét: dùng Đông trùng hạ thảo với óc lợn mà chữa khỏi chứng bệnh lạ lùng như trên, các phương thư chưa từng nói tới. Cũng không có một y án nào chữa loại bệnh như thế cả. Hỏi về ý nghĩa sử dụng 2 vật đó, Tiên quân tôi nói; Đông trùng hạ thảo là một giống mùa đông là con sâu, mùa hạ là cây cỏ; theo khí hậu để biến hóa, rễ nó tính ôn mà thân nó tính lương, có hàm cái ý nghĩa "âm dương hỗ căn", và cái tác dụng của nó để làm cho khí âm dương ở trong óc cũng được biến hóa tiếp tục. Còn như dùng óc lợn cũng chỉ là theo cái lẽ "lấy óc bổ óc" cho dẫn tới nơi bị bệnh thôi, không có ý nghĩa gì cả." 

Trên đây là lời chép của Diệp Ứng Long. Tôi xét: bệnh "tựa giản không phải là giản” thuật ở trên, mà họ Diệp trách vào óc là đúng. Nhưng sao không truy nguyên thêm: óc bởi đâu mà có? Não là bể của tủy, tủy sinh ra bởi Thận. Vậy bệnh đó có thể chỉ chuyên bổ não mà không bổ Thận được chăng? Nói đến bổ Thận, lại phải nên phân tích là nên bổ Thận thủy hay bổ Thận hỏa? Như: bệnh trên mà dùng Đông trùng hạ thảo chữa khỏi, tất là do “Thận mệnh hỏa suy" vì căn cứ vào Dược tính khảo thì: Đông trùng vị cam tính ôn, có tác dụng "bí tinh, ích khí, chuyên bổ mệnh môn". Bản thảo tòng tân cũng chép: "Đông trùng vị cam bình, có tác dụng bảo Phế, ích Thận bổ tinh tủy v.v... Xem đó, cơ thể đoán định được rằng: bệnh tuy tại óc, mà gốc ở Tủy, nên bổ Tủy, bổ mệnh môn mới khỏi. Còn như dùng óc lợn mà họ Diệp chỉ cho là dùng óc để dẫn tới đc cũng quá sơ sài. Căn cứ vào Bản thảo thì: óc lợn vị cam hàn, chủ trị chứng phong huyễn (đầu choáng váng), ù tai v.v... Vậy dùng óc lợn hợp với Đông trùng, một đằng trị tiêu, một đằng trị bản, cả tiêu bản đều trị nên bệnh đó mới khỏi, chứ không phải là việc ngẫu nhiên, vì họ Diệp tuy chữa khỏi bệnh mà phân tích chưa được thật rõ, nên bổ sung thêm. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990