Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA THƯƠNG THỰC

08/03/2021

ĐIỀU 144. KINH NGHIỆM CHỮA THƯƠNG THỰC 

Năm 1960 một giáo viên ngót 40 tuổi dạy một trường phổ thông cấp II tại Hà Nội. Vốn quê ở huyện Vụ Bản, Nam Định, nay là Hà Nam Ninh. Bố già và vợ con đều ở cả nhà quê. Bỗng một hôm nghe tin ông bố ở nhà quê ốm nặng, vì công tác quá bề bộn, muốn làm gấp đi một số việc cần thiết, rồi mới xin phép về nhà thăm bố. vì một mặt làm việc quá nhiều, một mặt lo về bố ốm, con thơ, vợ lại không phải là người tháo vát, mà số thu nhập của gia đình có hạn, thì lấy chi để phụng dưỡng bố, nuôi nấng con? Do hai nguyên tố trên, thành ra suốt đêm thao thức, không hề chợp mất, uống ăn dần dần kém sút, sắc mặt xanh nhợt. Kết quả khi lên lớp giảng dạy cũng uể oải bợt bạt, nói không thành câu; khi giờ giải lao chỉ ngồi ngủ gật. Nhưng đặt mình xuống nằm lại không sao ngủ được. Dần dần hóa ốm. Ông ta vốn tin Đông y, nên dù ốm, chỉ xin nghỉ ở nhà điều dưỡng, không chịu đi nằm bệnh viện. Khi đến mời tôi chữa thì đã nằm nhà nghỉ một tháng. Tôi chẩn mạch, thấy mạch bên tả Trầm Hoạt, mạch bên hữu Trầm Khẩn, nhưng thỉnh thoảng lại thấy "chỉ". Tôi hỏi về quá trình điều trị ông ta nói: đã uống của cụ lang ở phố 8 thang Qui Tỳ, không công hiệu. Sau mời cụ lang ở phố, cụ ấy bảo tôi nên uống thêm mươi thang Quy Tỳ nữa, chỉ thêm vào đơn cũ hai vị Trần bì, Bán hạ, mỗi vị 2 đồng cân. Nghe xong, tôi nói: Quy Tỳ là một bài chữa về chứng nghĩ ngợi quá độ của Nghiêm Dụng Hòa, ý nghĩa lập phương của bài đó rất hay. Nguyên bài đó trước không có Đương quy và Viễn chí. Sau Tiết Lập Trai gia vào để bổ sung thêm cho Thận khí và Tâm huyết. Lại nhân Vị khí không hòa, nên mới thêm Trần bì và Bán hạ. Cụ lang dụng dược như vậy là đúng. Sở dĩ uống tới hơn chục thang mà vẫn không khỏi chỉ vì các cụ quá chủ quan, chỉ "Văn" mà không chịu Vấn" với "Thiết". Nay tôi căn cứ vào "Vấn" với "Thiết", chủ yếu là "Vấn", biết được rằng: ông vì quá lo bố ốm, khiến Tâm Tỳ bị uất kết, lại công tác bề bộn, muốn được chóng xong, tuy đã mệt không muốn ăn mà cũng cố nhắm mắt nuốt cho bằng được, tưởng rằng ăn được nhiều thì sẽ thêm sức khỏe, có ngờ đâu Tỳ đã yếu, lại cố ăn nhiều, khiến cho Vị bị thực trệ, các luồng khí hóa lại càng thêm vướng mắc. Kinh nói: "Người bị thương thực thì sợ mùi cơm", cái nguyên nhân làm cho uống ăn kém sút là ở đó. Kinh lại nói: "Vị không hòa thì nằm không yên". Giờ mạch bên hữu Trầm Khẩn, tức là cái hiện tượng của "thực trệ" đó. Tiếp đó, tôi cắt bài Hương Sa bình Vị tán gia ổi khương cho uống. Uống hết hai thang, ngửi thấy mùi cơm không sợ nữa. Cách hai hôm sau, tôi lại cắt bài Quy Tỳ thang cho uống. Hết 5 thang khỏi hẳn. 

Khi khỏi, bệnh nhân có ý thắc mắc hỏi lại tôi: cùng dùng một bài thuốc, mà khi khỏi khi không khỏi, là tại sao? Tôi đáp: "Kỳ Bá nói: "Chữa bệnh nên nhận rõ Tạng Phủ, trước trừ bỏ những chứng hậu nhỏ, rồi sau mới điều đến khí. Khí thực thì tả, khí hư thì bổ, đồng thời lại phải biết sự sướng khổ của tình chí để điều trị”. Vì vậy, tôi mới căn cứ vào "Vấn", mà hành khí đạo trệ trước, rồi mới chữa đến bản bệnh sau. Tuy cùng dùng một bài mà công hiệu khác nhau là do đó. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990