Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA TIẾT TẢ

10/03/2021

ĐIỀU 146. KINH NGHIỆM CHỮA TIẾT TẢ (I) 

Năm 1951, vào khoảng tháng 6, 7. Một thanh niên ở làng Châu Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tinh Bắc Giang (bây giờ là Hà Bắc) đến mời tôi chữa bệnh cho ông bố. Y nói: bố bị đi tả đã hơn một tháng. Lúc bắt đầu bị sốt, kém ăn, ngày đêm đi ỉa chảy 6, 7 lần, đã lấy thuốc ở một lương y người cùng làng, uống tới 12 thang, sốt nóng tuy đã bớt, nhưng ăn càng kém, ỉa ra phân không tiêu, còn nguyên cả thức ăn, ngày đêm ỉa tới 10 lần, có lần lẫn cả máu, có lần chỉ như nước vo gạo. Lại thay một lương y khác tưởng là bớt, không ngờ lại thêm chứng đau bụng, người gầy trơ xương, không ngồi dậy được nữa. Chúng tôi lại đón lương y khác. Cụ này thăm bệnh xong, bảo rằng: Đây là bệnh kiết lỵ, ỉa chảy mà biến thành lỵ. Theo sách không chữa được nữa. Nói rồi, cụ ấy bỏ không chữa. Khi tôi tới chẩn, coi tình hình đúng như lời người con nói. Nhưng nhận định về tinh thần, tuy bị bệnh đã lâu mà tinh thần vẫn còn vượng, mạch Phù Huyền và Tiểu. Nhân nhớ lại trong Mạch yếu tinh vi luận có nói: "Bệnh đã thành mà chuyển biến, nếu do phong mà biến thành hàn nhiệt” - Lại nói: "Bị phong lâu, sẽ là chứng ỉa chảy”. Bởi phong do Mộc hỏa, phong bị quá lâu thì Tỳ thổ bị thương mà ỉa ra nước và phân không tiêu, tức là "sôn tiết". Trong Âm dương ứng tượng đại luận cũng nói: "Mùa Xuân bị thương về phong, sang mùa Hạ sẽ sinh bệnh sôn tiết” cũng thuộc về loại bệnh này. Vả địa thế làng này rất trũng, khí ẩm thấp quá nhiều, phải dựa vào hoàn cảnh để điều trị. Tôi liền cắt bài Nhân sâm bại độc, gia Trần bì, Sinh khương, và gạo "cánh" (sao vàng). Mỗi thang 35đ.c sắc cho uống. Uống liên tiếp 3 thang trong 3 ngày, các chứng hậu khỏi tới 6, 7 phần mười. Liền đổi đơn cho uống Thanh thử ích khí thang gia giảm, mỗi thang đều thêm một nhúm gạo "cánh" sao vàng. Uống thêm 5 thang nữa, bình phục như thường. 

ĐIỀU 147. KINH NGHIỆM CHỮA TIẾT TẢ (II) 

Từ xưa tới nay, tôi chữa bệnh ỉa chảy, phần nhiều dùng thuốc Nam, vừa rẻ tiền vừa chóng khỏi. Những vị tôi hay dùng nhiều là: lá ổi già, vỏ ổi rộp, bã nâu tẩm nước gừng sao, bã sắn dây tẩm nước gừng sao, hạt sen, lá và hoa mã đề, gừng nướng, lá tre bánh tẻ sao giòn, củ sả, vỏ bí đao sao giòn, đất thó vàng và đất lòng bếp. Mà vị chủ yếu nhất là đất thó vàng và đất lòng bếp. Chỉ mấy vị trên đó, thay đổi thêm bớt, có khi dùng 1, 2 vị, có khi dùng 3, 4 vị, đều tùy chứng hậu để thay đổi gia giảm. Nhưng không mấy khi không dùng đến đất thó vàng, hoặc đất lòng bếp. Vậy mà đều thu được kết quả. Có một điều đáng phần nàn là những dược phẩm tôi dùng đó, phần nhiều chỉ được áp dụng với bà con nghèo khổ ở thôn quê, còn các người ở thành thị hoặc có của dư của để, ít khi chịu dùng. Còn một điểm nữa, những dược phẩm tôi dùng, phần nhiều có tác dụng với thực chứng, với bệnh mới phát. Nếu bệnh tà đã sâu, chứng hậu đã nặng, bệnh nhân quá suy yếu. Tất phải dùng tới Linh, Truật, Quế, Phụ v.v... Không thể cố chấp mấy vị kia mà không quyền biến. 

Chị Hoàng Thị Tố Nga, ngoài 20 tuổi, bị bệnh đường tả (ỉa chảy), ngày đêm hơn 20 lần. Chữa chạy hơn 1 tháng, mà bệnh ngày càng nặng thêm. Tới khi mời đến tôi, thì bệnh tình đã khá nặng, gia đình đã chuẩn bị việc ma chay. Người nhà sở dĩ mời tôi, chẳng qua cũng chỉ là còn nước còn tát: Lại thường nghe đồn tôi có thể căn cứ vào mạch để quyết tử sinh, nên mới mời tôi, mong tôi nói rõ để kíp lo liệu. Khi tôi chẩn mạch thấy: hai bên Quan bộ đều Trầm Phục, hai bên Thốn bộ thì lờ mờ như có như không, nhưng trọng án còn có căn để chưa đến nỗi rỗng không. Đoán là Phế Tỳ đều hư, chưa phải là chứng chết. Liền sử dụng phương pháp bổ Phế, bổ Tỳ, kê đơn cho uống. Uống hết 2 thang, không chút công hiệu. Đến ngày thứ 3, tôi chẩn lại, đương lúc chẩn thì bệnh ho, muốn khạc đờm, tôi muốn nhận xem khí lực còn khá hay không, liền cứ dùng dằng chưa buông bỏ tay chẩn, bệnh nhân có vẻ không chờ được, nhổ ngay đờm xuống đất, cách giường nằm tới hơn một thước. Thấy hành động đó, biết bệnh nhân chỉ Tỳ hư, chứ không phải Phế hư. Liền bảo người chồng: bệnh nhân Phế còn vượng, chỉ có một mình Tỳ thổ bị bệnh. Tỳ ghét thấp mà ưa táo, ra vào lên xuống đều nhờ khí của Tỳ dương để chuyển vận. Giờ vì tiết tả quá nhiều, Tỳ dương đã bị hư tổn. Các lương y trước thấy có chứng ho, lại dùng thuốc nhuận Phế luyện với mật cho ăn, thấy tiết tả quá lâu, lại dùng thuốc phân lợi và chỉ sáp, do đó Tỳ dương đã bị thương, Tỳ âm lại thêm tổn, tuy muốn chỉ tả, mà kết quả vẫn không ngừng. Nói rồi, tôi liền sử phương: dùng Đảng sâm 6đ.c để bổ Tỳ dương, Hoài Sơn (sao) 4đ.c để bổ Tỳ âm; Bạch truật 6đ.c để trừ Tỳ thấp; Bạch linh 3đ.c để khơi thông thủy đạo; Cam thảo 2đ.c để giữ vững Trung châu, ngoài ra lại dùng Hoàng thổ 4 lạng, trộn lẫn với các vị trên cùng sao kỹ, đem ra lọc bỏ Hoàng thổ; dùng Hoàng thổ đó hòa vào nước đun sôi, để lắng trong, lấy nước ấy để sắc thuốc. Uống hết 1 thang, bệnh giảm, hết 2 thang bớt nhiều, chuyên uống 6 thang bệnh khỏi hẳn. Có người thấy tôi dùng Hoàng thổ để sao thuốc, rồi lại hòa nước để sắc thuốc cho là hiếu kỳ lập dị. Nhưng thực không phải, tôi dùng như vậy chỉ là bắt chước Dụ Gia Ngôn, tuân theo phương pháp của Trọng Cảnh, lấy phương pháp chữa hạ lỵ để chữa Đỗng tiết mà dùng bài Xích thạch chi Võ dư lương đấy thôi. Có phải là lập dị đâu. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990