Logo Website

KINH NGHIỆM CỦA LƯƠNG Y TRẦN CUNG

04/03/2021

ĐIỀU 141. KINH NGHIỆM CỦA LƯƠNG Y TRẦN CUNG 

Bạn đồng nghiệp của tôi là Trần Cung, ngót 70 tuổi, người miền Nam tập kết ra Bắc. Ông rất tinh thông y lý, biện chứng luận trị tinh tường. Về phần dụng dược, phần nhiều tùy chứng sử phương, ít theo thành phương cổ. Thỉnh thoảng ông cũng có nói là dùng bài nọ bài kia v.v.., chẳng qua cũng chỉ là nói cho đẹp câu chuyện, thực tế thì tuy gọi là dùng bài đó mà tựu trung ông đã gia giảm mất quá nửa... Nhất là cách dụng dược của ông cũng rất táo bạo, Phụ tử có khi dùng tới 1 lạng, lạng rưỡi trong mỗi thang, có người thấy ông kê đơn đều phải lè lưỡi! Nhưng vì ông chẩn bệnh rất đúng, nên cương quyết dụng dược, không chút rụt rè... do đó đối với loại bệnh mạn tính, ở người khác có khi phải chữa đến 30, 40 thang, mà đến tay ông chỉ mươi thang đã thu được kết quả. Hiện nay (1964) ông phụ trách bệnh viện Hòa Bình tại Hải Phòng, tức là một bệnh viện Đông y có sớm nhất ở miền Bắc (không kể Viện Nghiên cứu Đông y do Nhà nước thành lập). Tại bệnh viện Hòa Bình, ông đã chữa lành được rất nhiều bệnh do Tây y chuyển đến. Các bệnh nhân khỏi được bệnh kinh niên, sướng quá nói: "Bác Cung thật là Thánh sống...!”. Ngày 18, 19- 5 - 1964, ông lên Hà Nội họp Đại hội Ban chấp hành Hội Đông y Việt Nam mở rộng.. Ngoài công việc của Hội, ông có đưa cho tôi xem một tập có chừng trên hai chục y án, có ghi rõ bệnh sử của từng người và phương pháp điều trị. Đồng thời lại ghi cả thư cảm tưởng của bệnh nhân khi ra viện. Tôi xem nội dung các y án, phần nhiều là loại bệnh đau dạ dày, loét tá tràng, phiên Vị và thần kinh suy nhược v.v... Xin trích mấy y án ra đây để học tập và kỷ niệm. 

Y án số 1 Trương Văn Hai, 46 tuổi, quản đốc Mỏ đá Tràng Kênh, chữa ngoại trú từ 2-1-1964 

Tây y chẩn đoán: Dạ dày, đường ruột bị tắc; viêm túi mật. Đã chữa: 

năm 1959 tại bệnh viện Cầu Rào, 8 tháng
năm 1961 tại bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp 6 tháng năm 1962 tại bệnh viện Việt Đức 1 tháng. 

Chiếu quang tuyến X: Dạ dày, đường ruột bị tắc, viêm túi mật kèm theo kiết lỵ. 

Hiện chứng: đau dạ dày, đau tại Cưu vĩ, âm ỉ cả ngày, nhiều lúc có cơn đau dữ dội, ăn chậm tiêu, đại tiện táo; 5,6 ngày mới đi đại tiện 1 lần mà rặn ra máu, cơ thể suy nhược, sắc da tráng nhợt. 

Mạch: 6 bộ Trầm, Tế, Hư. 

Định bệnh: Can khí uất kết, Tỳ khí hư hàn, dạ dày, đường ruột bị hàn đàm, thấp nhiệt ngưng trệ, khí không lưu thông. 

Hướng chữa: Sơ can, hành khí, tiêu đàm, thanh nhiệt, đạo trệ, khai thông uất kết. 

Phương thuốc: 

Sài hồ 1 lạng, Đại táo 2 đ.c. Cam thảo 1,5 đ.c. 

Sinh khương 1 lạng, Phòng sâm 2 đ.c. Bán hạ 1 lạng 

Hoàng Gầm 5 đ.c. Ô dược 1 lạng Hương phụ 1,5 đ.c 

Mộc hương 2 đ.c. Tô diệp 1 lạng, Thanh bì 1 lạng 

Bạch thược 3 đ.c. Hậu phác 4 lạng Phác tiêu 3 đ.c. 

Tổng cộng 11,2 lạng, thuốc bắc chỉ có 5 lạng, uống 8 chén, số tiền hết 8,88 đồng, các chứng đều khỏi hẳn, lên được 3 cân. Cuối y án có ghi cả thư cảm tưởng của Trương, lược trích mấy câu: 

(...) "Bệnh viện lao động cũ 4 tháng, bệnh viện Việt Tiệp 6 tháng, bệnh viện A 8 tháng, lại qua bệnh viện Việt Đức. Mỗi bệnh viện, tốn phí của Nhà nước tới 5,6 trăm đồng mà kết quả tay vẫn ôm bụng, tôi tự nghĩ bệnh tôi chỉ có đến bệnh viện "gần đất xa trời" là hết bệnh... Đến ngày 2- 1-1964 tôi đành đến bệnh viện Hòa Bình... Bác đồng ý cho một đơn 3 thang về uống thấy đỡ. Lúc ấy tôi mới tin là rễ cây của mình hay hơn thuốc khoa học. Tôi tiếp tục uống 5 thang, thấy trong người tôi như không có bệnh gì... lại lên thêm 3 cân thịt. Thật là thuốc cây lá của ta rất quý. Giờ tôi không còn mơ mộng bệnh viện” gần đất xa trời "nữa...”. 

Y án số 2: Hoàng thị Ngọc Tuyết, 24 tuổi, cán bộ nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà Nội). Giấy giới thiệu số 8 của bệnh viện Bạch Mai ngày 2-2-60. Đã chữa các bệnh viện C (Hà Nội) 3 

tháng, bệnh viện 108 nửa tháng, bệnh viện Bạch Mai 1 tháng. Các bác sĩ định bệnh là "thần kinh suy nhược”. 

Đông y chẩn đoán: 

Vọng: Người gầy, sắc da trắng nhợt, lưỡi nhớt, miệng nhớt. 

Văn: Tiếng nói nhỏ, hơi thở yếu. 

Vấn: Nhức đầu, đầu nặng như đội một vật gì 3,4 cân, mũi ngạt, khó thở. Từ 7 giờ sáng đến 2,3 giờ chiều phát sốt nóng bừng bừng khó chịu, tay chân đều lạnh, ăn cơm hay ăn cháo chừng một giờ lại nôn ra cả. Đại tiện một ngày 8,9 lần, chất thải ra toàn nước mà giang môn nóng như bỏng, và vần phải rặn; bạch đới ra liên miên không mấy lúc ráo. Cơ thể rất suy nhược 

Thiết: Hai bộ quan đều Trầm Tế; hai bộ Thốn và xích đều Trầm. 

Định bệnh: Chứng Phiên Vị (Tỳ Vị hư hàn) 

Bệnh lý phân tích: 1) Chân hỏa hư không sinh Tỳ Thổ, nên công năng vận chuyển của Tỳ Vị đều suy yếu, nên ăn vào lại nôn ra. 

2) Tỳ thổ hư không tụ nạp được nguyên dương nên phát sinh chứng nóng bừng bừng như lên cơn sốt. 

3) Chân dương hư nên âm phong (?) hợp cùng trọc khí của Thận xông lên não phát sinh chứng đau đầu và ngạt mũi. 

4) Tay chân là nơi tụ hội của khí dương, dương hư nên tay chân lạnh. 

5) ỉa chảy mỗi ngày 8, 9 lần mà giang môn nóng là do Can hỏa dồn mạnh xuống Đại trường mà sinh ra. 

6) ỉa ra nước mà phải rặn, là do Phế kim thu sáp, vì thù mẹ nên con của Thổ là Kim phải đấu tranh, mặc dầu Kim yếu. 

Phân tích theo quy luật sinh khắc chế hóa của Ngũ hành: 

  • -  Mệnh môn hỏa suy không sinh Tỳ thổ. 
  • -  Tỳ Thổ suy yếu không sinh được Phế kim, 
  • -  Phế kim suy yếu không chế được Can mộc. 
  • -  Can mộc hoành hành lại "thừa tập" thổ. 
  • -  Tỳ Thổ bị Can mộc "thừa tập” lại càng thêm suy yếu, biến sinh các chứng. 

Hướng chữa: Bổ hỏa, kiện Tỳ, bình Can.
Sử phương:
Hắc phụ 1,5 lạng Can khương 1,5 lạng Sa nhân 1,5 lạng 

Bạch truật 1 lạng Thương truật 1 lạng Thần khúc 4 đ.c. Hậu phác 4 đ.c. Phòng sâm 5 đ.c. Đinh hương 1 đ.c. Xuyên liên 2 đ.c. Nhục khấu 2 đ.c. Chích thảo 2 đ.c. Chỉ xác 4 đ.c. 

Ý nghĩa bài thuốc: 

- Hắc phụ bổ chân hỏa, trừ chứng âm phong (?) hợp cùng trọc khí của Thận xông lên não làm đau đầu ngạt mũi, và trừ chứng tay chân lạnh. 

- Sâm, Truật, Khương, Thảo bổ trung thổ, làm cho Thổ vượng liễm nạp được nguyên dương, trừ chứng nóng bừng như sốt. 

- Gia Thương truật, Thần khúc kiện Tỳ táo thấp, giúp sự tiêu hóa của dạ dày. 

- Sa nhân bổ Tỳ tiêu tích và ấm Thận, Nhục khấu, Đinh hương trừ chứng nôn ọe. 

- Chỉ xác, Hậu phác khai thông đường ruột, làm cho dưới đại tràng thông đạt thì cửa trên của Vị dễ thu nạp không còn ăn vào lại nôn ra nữa. 

- Hoàng liên làm mát dịu Đại trường, trừ chứng viêm ruột, đại tiện phải rặn và giang môn nóng. 

Phân tích theo quy luật Ngũ hành: 

Phụ tử bổ hỏa sinh Thổ; Sâm, Truật, Khương, Thảo bổ Thổ sinh Kim, Kim vượng sẽ ức chế được Can mộc; Mộc sợ con của Thổ là Kim lại trả thù cho mẹ không dám thừa tập Thổ nữa; Thổ vượng sẽ vận chuyển được tinh hoa của thức ăn để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể, khí huyết do đó mà đầy đủ và điều hòa, các bệnh sẽ đều khỏi. 

Kết quả điều trị: một tháng rưỡi, các chứng khỏi hẳn, lại trở về cơ quan làm việc. * 

Trên đây là hai y án của bạn đồng nghiệp Trần Cung. Mặc dầu bạn dụng dược có phân quá táo bạo, và cũng không khỏi "tham đa vụ đắc", hình như bạn muốn dập theo phương pháp Hàn Tín tướng binh của Đông Viên, nên hơi xa với sự "tinh giản" của Trọng Cảnh, tuy vậy, bệnh vẫn được lành mạnh hoàn toàn, thật là một điểm đáng ghi để rút kinh nghiệm. Riêng về phần tôi đối với bạn, tôi còn mong bạn thuần thục thêm chút nữa, cẩn thận và tinh tế thêm chút nữa, thì bước tiến của bạn sau này còn vô cùng rực rỡ. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990