Logo Website

MỐI LIẾN QUAN GIỮA Y DƯỢC VÀ CHÂM CỨU

07/01/2021

ĐIỀU 80. MỐI LIẾN QUAN GIỮA Y DƯỢC VÀ CHÂM CỨU 

Có người quan niệm là châm cứu với y dược không liên quan gì với nhau, nên khi nghe chữa bệnh bằng châm cứu vừa nhanh chóng, vừa giản tiện, thích hợp với mục đích "nhanh, nhiều, tốt, rẻ" thì phấn khởi muốn theo học, còn nói đến học y lý thì lắc đầu, lè lưỡi, cho là khó khăn man mác, học làm sao được. Quan niệm như vậy là lầm. Về hình thức trị liệu thì dù là hai khoa khác nhau; mà về phần lý luận cơ bàn thì vẫn chỉ có một, vẫn dùng chung một học thuyết Âm dương, Ngũ hành, Tạng phủ, Kinh lạc. Không khoa nào có thể tách rời được. 

Từ năm 1955, tôi bắt đầu đi sâu vào khoa châm cứu, vừa đồng thời hành y vừa châm cứu, tôi nhận thấy lắm lúc hành y gặp trường hợp bí phải nhờ tới học thuyết của khoa châm cứu mới tháo gỡ bí tắc.

Thí dụ: 

Năm 1962, tôi chữa một người ở Vân Hồ là Đào Thị Du, đã ngoài 30 tuổi và góa chồng đã 2, 3 năm. Một hôm, vào khoảng 12 giờ trưa, bỗng dưng thố ra hàng mấy bát nước chua, tới chừng khoảng 14 giờ bắt đầu đau bụng, đến 15 giờ thì đau kịch, đến nỗi ngất đi, mãi tới 18-19 giờ mới hồi tỉnh. Thuốc Tây thuốc ta đã dùng khá nhiều mà vẫn không chút công hiệu. Khi người nhà đến kể bệnh và xin đơn, tôi kê bài Nhị trần làm chủ dược, gia thêm mấy vị giáng khí, hành khí và sơ can, Bình Vị v.v... bảo cắt luôn 2 thang về sắc cho uống. Đến ngày thứ ba, người nhà đến nói bệnh không chuyển chút nào và yêu cầu tôi tới chẩn. Khi tới nơi, trông thấy bệnh nhân sắc mặt tiều tụy, thân thể mỏi mệt, mạch 6 bộ đều Trầm Sác... Hỏi lại quá trình tật bệnh, thì người nhà nói: hôm nào cũng bắt đầu thổ nước chua và ngất một cơn, mà đều vào khoảng 14-15 giờ, tôi xem lại đơn của các lương y trước, đã có đơn chữa về mặt đờm khí và kiêm thấp nhiệt; cũng có đơn chuyên chữa về mặt hàn thấp... Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi, không biết dùng phương pháp gì để điều trị. Bỗng nhớ đến câu: "Vị Thân thì khí hành Bàng quang” ở trong Giáp ất kinh liền liên tưởng đến chứng hậu của bệnh nhân đau kịch vào khoảng 14-15 giờ tức là khoảng 2 giờ Thân Vị... lại liên tưởng đến mạch Trầm Sác mình vừa chẩn xong, nhân nghĩ: có lẽ là vì có ứ huyết tụ đọng tại kinh Bàng quang, nên cứ đến lúc bấy giờ thì đau chăng? Nghĩ vậy, tôi liền dùng các vị: Qui Vỹ, Hồng hoa, mỗi vị 3 đ.c. Can tất 5 đ. c, Cam thảo 1 đ. c., bốn vị làm một thang cắt cho uống. Uống hết một thang, hết thổ, đỡ đau, cả chứng ngất cũng ngắn hơn trước. Ngày hôm sau uống thêm thang nữa, 10 phần khỏi 8, 9. ngày thứ 3 vẫn dùng mấy vị trên, gia thêm Đại hoàng, Đào nhân mỗi vị 2 đ.c., uống hết thang thứ 3, đái ra 2, 3 bãi toàn máu đặc, sắc đỏ sẫm... Rồi các chứng hậu đều khỏi hẳn. 

Sau khi chữa khỏi, tôi lại tự nhủ: "Nếu trường hợp đó mà không nhớ được câu ở trong Giáp ất kinh, thì không biết mình sẽ xoay xở ra làm sao? 

Nguồn trích: CHƯƠNG VI: KINH LẠC VÀ CHÂM CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990