Logo Website

NHẬN THỨC VỀ BỆNH NGƯỢC

28/03/2021

ĐIỀU 168. NHẬN THỨC VỀ BỆNH NGƯỢC

Ngược là một chứng bệnh rất phổ biến ở nước ta, vì bệnh thế khí phát sinh rất kịch, có vẻ đảo ngược, nên gọi là Ngược. Lại vì nó có cả rét, cả nóng, nên khi lâm sàng rất dễ nhận làm. Thấy phát rét, có khi cho là Thương hàn, thấy phát nóng, thường lại cho là ôn bệnh. Tên bệnh đã nhận sai, phép chữa tất không đúng, do đó mà bệnh nhẹ hóa nặng, bệnh nặng càng khó chữa. Thật đáng tiếc. Muốn khỏi sai lầm, trước hết phải "cố danh tư nghĩa”, thế nào gọi là Ngược? Tuy nó cũng phát rét, nhưng rét một cách khác hẳn với các hiện tượng "ố phong, ố hàn”. Bắt đầu vươn vai, ngáp vặt, có khi ngáp đến mỏi cả quai hàm, chảy cả nước mắt, rồi khắp mình nổi gai ốc, rét run cầm cập, rét từ trong bụng rét ra, bao nhiêu chăn đắp cũng không vừa, dù đổ nước sôi vào cũng không biết bỏng. Đến khi phát nóng thì đầu nhức nhối như vỡ, mình đau như dần, da nóng như đốt, bỏ hết chăn chiếu, bao nhiêu nước uống cũng hết, dù đổ nước đá vào người cũng không thấy dịu. Vậy thấy những biểu hiện đặc biệt như vậy mới có thể gọi là Ngược. Còn nóng với rét, có khi nóng rét nhiều ít khác nhau, có khi lại chỉ rét, không nóng, hoặc chỉ nóng không rét. Không nhất định. 

Nội kinh Tố Vấn và Linh khu bàn về bệnh Ngược rất tường tận. Chỉ vì Kinh văn sâu xa, lời ít ý nhiều, hiểu được không phải dễ, nên phổ biến rất khó. Trương Cảnh Nhạc ngoài việc chú giải, có phụ thêm cả luận trị, tuy chưa được mười phân vẹn mười, nhưng căn cứ vào đó, đã có thể nắm được hệ thống cơ bản. Như nói: “xem các thuyết trên, đều nhằm cả vào "phong, hàn, thử, thấp" đủ thấy rõ cái nguyên nhân của bệnh Ngược là ở đó. Nếu do đó mà chia âm dương, thì phong với thử thuộc về dương tà, hàn với thấp thuộc về âm tà. Nhưng phong là một loại lương khí ở trong dương, Thử là một loại hàn tà ở trong nhiệt. Hợp cả bốn loại chẳng qua cũng đều thuộc về hàn. Cho nên ở Giang Nam gọi là bệnh "Tỳ hàn” là vì hàn tà ngụ tại cơ nhục, mà Tỳ chủ về Nhục. Khi bệnh Ngược sắp phát, tất tay chân lạnh trước, vì Tỳ chủ về tứ chi. Vậy cái danh hiệu "Tỳ hàn" cũng không phải là vô nghĩa. Cho nên khi mới cảm thời hàn tà trước ẩn phục ở tấu lý, khi tới mùa thu khí lạnh ngăn chặn ở bên ngoài, thì "biểu tà" không tiết ra được, khi đó âm muốn vào bị dương ngăn lại, dương muốn ra bị âm chặn ngang, âm với dương cùng va chạm nhau, do đó phát sinh bệnh biến. Nhưng nông thì bệnh ở 3 kinh dương, theo vệ khí để cùng ra vào, thành mỗi ngày một cơn; sâu thì bệnh ở 3 kinh âm, tà khí không thể theo vệ khí cùng ra cho nên hoặc cách một ngày, hoặc cách 3, 4 ngày mới lên cơn. Cơn càng chậm lên, bệnh càng thêm nặng, cho nên bệnh ngược nặng hay nhẹ, chỉ do âm dương nông hay sâu. Nội kinh có chia ra Hàn ngược, Ôn ngược, Đan ngược và các bệnh ngược thuộc 6 kinh Tạng, nghĩa là đầy đủ. Về sau Dương Nhân Trai, Chu Đan Khê lại chia ra Đờm ngược, Thủy ngược và Thủy ẩm, bại huyết v.v... Chẳng qua chỉ là "kiêm chứng” của bệnh Ngược, bệnh Ngược không phải là do đó mà phát sinh. Ngoài ra lại còn có Chướng ngược, chỉ vùng Lĩnh Nam, lam chướng nhiều mới có cũng là một loại "thấp tà" do từ ngoài phạm vào. Lại có tên là Tẫn ngược, chỉ rét không nóng, cũng chỉ dương khí bất túc, tức là âm tà thắng mà sinh ra. Có tên là lao ngược, gặp khi nhọc mệt thì bệnh phát, cũng chỉ vì biểu lý khí hư nên tà khí cảm nhiễm vào dễ. Có tên là Quỉ ngược, thực ra thì không có gì là ma quỉ, chỉ vì tinh thần bị bệnh tà làm rối loạn mà sinh ra. Tóm lại, dù đầu mối rậm nhiều, chẳng qua cũng chỉ là một "hàn tà" mà thôi. Phàm tà từ ngoài phạm vào, chỉ theo mồ hôi để giải tán. Nên Nội kinh nói: "Mùa Hạ nắng, mồ hôi không ra được, đến mùa Thu thành bệnh phong ngược". Lại nói: "khí nắng với mồ hôi, nên cùng bài tiết ra, đừng cầm lại". Lại nói: "Mình nóng như than, mồ hôi toát ra sẽ khỏi." đều cùng một nghĩa đó. Cho nên chữa bệnh ngược, chỉ nên xét là nông hay sâu, chứng thuộc âm hay dương, cần phải làm cho từ Tạng chuyển ra Phủ, từ lý chuyển ra biểu, dẫn ra cho tan đi, thì bệnh sẽ khỏi. Về trị pháp, người xưa nói: "Có mồ hôi cần làm cho khỏi mồ hôi, lấy phù chính làm chủ mà kiêm cả phát tán; không mồ hôi cần làm cho có mồ hôi, lấy tán tà làm chủ mà phải kiêm bổ." câu đó rất đúng. Nhưng tà ở dương phận, phát hãn dễ; tà ở âm phận, phát hãn khó. Vì vậy bệnh phát về mùa Xuân Hạ dễ chữa, bệnh phát về mùa Thu Đông khó chữa; bệnh ở bộ phận trên dễ chữa, bệnh ở bộ phận dưới khó chữa. Phải làm cho âm khí đi được thông suốt, mồ hôi mới tới được khắp bộ phận dưới. Miễn sao được từ âm ra dương, từ muộn tới sớm, mới là điềm hay. Lại như: ngoài bị phong hàn, trong bị sinh lãnh, biểu lý đều mắc bệnh, thì Ngược với Lỵ đều phát sinh. Bệnh Ngược do kinh, bệnh Lỵ do Tạng, chỉ nhằm đúng biểu lý mà trừ bỏ cái "bản" là "hàn thấp" thì bệnh sẽ khỏi, đến như Đờm, Thực, Huyết, Khí và nội hãm nội nhiệt, chỉ nhằm điểm nào nặng hơn thì kiêm trị trước, không được coi nó làm chủ chứng. Đó là một đại pháp chữa về bệnh Ngược. Đoạn biện chứng và phương pháp điều trị bệnh Ngược của Cảnh Nhạc trên đây đối với bệnh Ngược đã nêu được những nét chính về bệnh nguyên và phương pháp trị liệu. Riêng về kinh nghiệm của tôi, nhận thấy có mấy điểm như sau: Sách cổ có chỗ nói: "hằng ngày lên cơn thì nhẹ, cách nhật lên cơn thì nặng". Thuyết đó cũng không phải là tuyệt đối. Nếu hằng ngày lên cơn mà cơn rét nóng ngắn; và không rét nóng lắm, thì nhẹ thật. Nếu rét nóng nhiều, mà thời gian lại lâu, thì lại không bằng cách nhật còn được một ngày yên nghỉ, sao lại có thể cho là nhẹ? Chỉ có lên cơn sớm dần là chung khỏi, muộn dần là chưa khỏi, đó là qui luật nhất định. Nhưng tựu trung lại còn có điểm cần bàn. Như lên cơn sớm dần mà thời gian cắt cơn vẫn như cũ, vậy là cái cơn rét nóng lại kéo dài thêm; càng kéo dài thêm thì chính khí càng hư mà bệnh càng nặng. Lại như lên cơn muộn dần mà cái thời gian rét nóng vẫn như trước, vậy là cái cơn rét nóng cũng ngắn dần; ngắn dần thì tà khí càng suy mà tự khỏi. Đó là tuy nhất định mà vẫn không thật là nhất định. Cách hai ngày mới lên cơn gọi là "Tam âm ngược". So với các loại Ngược khác nặng hơn hết. Có khi tới 2, 3 năm chưa khỏi, cũng có khi 2, 3 tháng đã khỏi. Chỉ nhận ở cơn hàn nhiệt ngắn hay dài, nhẹ hay nặng, để phân biệt bệnh thế nông hay sâu. Nhưng Tam âm ngược không mấy khi chết ngay, khác với ngày một cơn, hoặc cách ngày một cơn. lại có thể chết một cách đột ngột. Lại như: Phàm bệnh Ngược phát sinh bởi phong hàn, phần nhiều lúc bắt đầu không có mồ hôi, cần phải phát tán, dùng những loại thuốc như Khương, Tô, Phòng, Cát; có mồ hôi thì dùng những loại thuốc như Quế chi, Bạch thược. Có kiêm cả hiện tượng nhiệt thì Quế chi Sài hồ các bán thang. Cuối Thu sang Đông, rét nhiều không mồ hôi, miệng không khát, mạch không Sác, dùng Ma hoàng thang cắt nhỏ cho uống. Có kiêm nhiệt thì gia Thạch cao, tức là theo phương pháp bài Việt tỳ. Biểu chứng lại kiêm lý chứng, đồng thời lại có cả đờm và thực, gia thêm các loại Hậu phác, Bán hạ, Mạch nha v.v... Các sách cổ có thuyết: "không có đờm không thành bệnh Ngược; không có thực không thành bệnh Ngược" cũng rất đúng, nên tin. Lại như bệnh Ngược phát sinh bởi thử, tất nhiệt nhiều hàn ít, có mồ hôi và miệng khát, nên chọn dùng các bài Quế chi Bạch hổ thang, Trúc diệp Thạch cao thang, v.v... Thử kiêm thấp, thì chọn dùng các bài Thương Truật Bạch hổ thang, Quế linh cam lộ ẩm, v.v... Bệnh ngược mỗi khi phát sinh phần nhiều có kèm theo các chứng ẩu nghịch bỉ muộn, lại nên dùng các vị như Thảo quả, Tri mẫu, Hoắc hương, Chỉ xác, Hậu phác, Bạch khấu, Khương trấp, Can khương, Trúc nhự, Lô căn v.v... tùy bệnh tình hàn nhiệt mà thêm vào. Các vị thuốc nói trên đều dùng về loại Ngược thực chứng. Nếu là vốn người hư, hoặc sau khi mụn vỡ mủ, sau khi đẻ v.v... không thuộc phạm vi đó. Xưa có câu nói: "không mồ hôi cần có mồ hôi, lấy tán tà làm chủ yếu. Có mồ hôi cần cầm mồ hôi, lấy phù chính làm mục tiêu." Một vấn đề mồ hôi còn phải phân biệt cẩn thận như vậy, huống chi là chứng hư, mạch hư mà lại làm cho hư thêm. Các bài như Bổ trung ích khí thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Sâm nhung qui quế ẩm, Lý trung, Bát vị, Chân vũ v.v... Tuy ôn bổ, ôn thông, bổ Tỳ, bổ Thận, phương nghĩa có khác nhau nên chọn bài nào hợp với mạch và chứng mà dùng. Phàm bệnh thuộc về đại hư tất phải kèm hàn. Người xưa cho biết: "Chữa bệnh ngược lâu ngày dùng phương pháp bổ, nên gia thêm một ít Phụ tử, rất công hiệu". Cho nên đối với hư ngược mà dùng Quế, Phụ; với Tam âm ngược mà dùng Đinh hương đều có công hiệu, rất nên ghi nhớ. Lại như có hiện tượng tuy hư ngược mà không có chứng hàn, lại có chứng nhiệt, mạch Huyền Sác hoặc Hồng Sác, hông thể dùng ôn dược, phải dùng những vị cam hàn sinh tân như Giá tương, Lô trấp, Ngẫu tráp; các vị tráng thủy chế hỏa như Nhị địa, nhị đông, A giao và Sinh mạch tán, Hà nhân ẩm, v.v... Nếu nửa hư nửa thực mà thuộc nhiệt thì nên dùng những bài như Tiểu sài hồ thang, Nhân sâm bạch hổ thang, Bán hạ tả tâm thang, Hoàng liên thang, v.v... Nếu nửa hư nửa thực mà thuộc hàn, thì càng dễ dàng hơn, khỏi phải tường thuật. Tuy vậy, nhận xét được hai điểm "hàn, nhiệt" cũng không phải dễ. Chủ yếu là phải căn cứ vào mạch. Mặc dầu bệnh nhân nhiệt nhiều, hoặc chỉ nhiệt không hàn mà mạch lại Tế Nhuyễn, phải coi là hư để điều trị, không nên vội dùng Bạch hổ. Nếu hàn nhiều, hoặc chỉ hàn không nhiệt, mà mạch lại Hồng thực, nên theo nhiệt để điều trị, không nên vội dùng Khương Quế. 

Lại còn có hiện tượng chỉ lên cơn về ban đêm, người xưa cho là tà vào huyết phận, nên dùng huyết dược để dồn bỏ tà." Thuyết đó cũng phải. Đối với bệnh hậu đó, nên dùng những bài như Qui sài ẩm của Cảnh Nhạc, Hương hồng ẩm của Cao Cổ Phong rất hay. Nhưng lúc bắt đầu lên cơn về đêm, từ đó về sau, vẫn cứ lên cơn về đêm, không chút thay đổi thì mới đúng. Nếu sớm lên một chút về quá chiều, hoặc muộn lại một chút tới mặt trời mọc cũng có thể coi là "dạ ngược" nữa. Ngoài ra còn có phép "Tiệt", tức là uống thuốc cho chặn đứng hẳn cơn. Như vị Thường sơn dùng để tiệt "tam ngược" rất công hiệu. Sau khi tiệt phải điều dưỡng cẩn thận, nếu không sẽ tái phát. Đối với- loại ngược mỗi ngày một cơn, hoặc cách một ngày một cơn. Vốn không cần tiệt. Nếu muốn tiệt, chỉ dùng bài Lộ khương ấm rất hay. Nếu hư gia Nhân sâm càng hay. Mâu Trọng Thuần nói là: bệnh Ngược do Thử phát sinh, thử khí gặp "lộ” (sương mác) thì dịu đi. rất đúng. Ngoài ra còn có các bài như Đởm trấp nhị khương hoàn, Thảo quả chưng sâm, Thường sơn sao sâm. Và Cảnh Nhạc nói: "bài Tiểu sài gia Thường sơn 2đ.c tiệt ngược rất hay." Chỉ cốt ở khi lâm sàng, sử dụng linh hoạt, sẽ thu được kết quả. Lại còn một loại Mẫu ngược (tục gọi là sốt rét có báng-hòn) tất phải dùng tới Miết giáp tiễn hoàn của Trọng Cảnh. Nhưng bài đó thiên về hàn trị, nếu người dương hư không nên dùng. Chỉ có bài Ngược mẫu hoàn của Mâu Trọng Thuần trong có dùng Sâm Quế, đối với chứng dương hư rất thích hợp. "Tam ngược" tuy thuộc Tam âm, cũng chỉ cần nhận rõ hàn, nhiệt, hư, thực, để dùng ôn, lương, bổ, tả cho đúng khớp là được. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990