Logo Website

NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (I)

13/12/2020

ĐIỀU 47. NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (I) 

Phàm các tà về lục dâm, không riêng gì về Thử, Táo, Hỏa thuộc Nhiệt, mà đến Phong, Hàn, Thấp cũng biến thành nhiệt. Kinh nói: "Phàm các bệnh phát nhiệt đều thuộc về loại Thương hàn”. Lại nói: "Con người bị thương về hàn tà, sẽ phát sinh bệnh nhiệt”. Cho nên đối với bệnh ngoại cảm, phải lấy "tán nhiệt" làm chủ yếu. Duy có chứng Thương hàn "trực trúng âm kinh” tất phải có những hiện tượng mạch Khẩn, phân xanh, sợ hàn, nằm co, không muốn uống nước, lưỡi không có rêu... đều là những hiện tượng hàn. Đối với bệnh đó, cần phải dùng phương pháp "ôn tán”... Nhưng rất hiếm có người bị phải chứng hậu như vậy. Duy có một điều đáng lạ là các y giả đời nay đối với các bệnh "hàn nhiệt tạp cảm", hễ thấy bệnh tình hơi nặng, thời cho ngay là "âm chứng”, mà dùng ngay Quế, Phụ cho uống. Sau khi uống thuốc, nếu thấy bệnh thế nặng hơn, không nghĩ gì đến việc mình dùng nhiệt dược có đúng hay không, lại dùng ngay các vị như Thục địa, Mạch môn.. mà đặt cho một cái khẩu hiệu rất kêu là phương pháp "bổ âm để phối dương"... Quên đứt mất cái chứng bệnh mình đương chữa đó thuộc về loại bệnh ngoại cảm! Có biết đâu rằng: Đã là âm chứng không bao giờ có tình trạng phát nhiệt. Giản hoặc cũng có trường hợp "hàn cực tự dương” (hoặc chân hàn giả nhiệt) mà bên ngoài biểu hiện ra nhiệt chứng, nhưng dù sao bên trong cũng có hiện tượng chứng hậu của hàn; thì tất phải dồn bỏ hàn trước đã, dùng những bài như Ma hoàng Phụ tử Tế tân thang v.v... chứ không có lý nào lại bổ hàn bao giờ. Vậy mà các vị đó dám đem cái bệnh tà thuộc loại ôn nhiệt gán bừa làm âm chứng để dùng thuốc ôn bổ... Thật là một hiện tượng sai lầm đáng trách. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990