Logo Website

NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (II)

14/12/2020

ĐIỀU 48. NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (II) 

Trong loại tạp bệnh, thường có những bệnh thấy phát sinh ở chỗ này mà lại ứng ra nơi khác, ví dụ: 

- Chứng Thanh thối nha cam, tuy là bệnh ở răng mà lại thấy đau ở bọng chân, và ho luôn không ngớt, hậu môn mọc mụn, mạch không có thân khí... Đó là một hiện tượng “dương cực” ở trên, dồn cả xuống dưới... Rất khó chữa! 

- Chứng Sạ tai (quai bị) khi mới phát, ố hàn, phát nhiệt, mạch Trầm Sác, sưng ở trước và sau tai, sắc hơi đỏ. Khi sưng ở tai sắp dẹp, bỗng dưng hòn ngoại thận sưng to. Phần nhiều do dùng nhầm thuốc phát tán mà thể hư không thể giải biểu mạnh, nhiệt tà thừa cơ lẩn vào trong, truyền vào lạc mạch của kinh Quyết âm. Sở dĩ ngoại thận sưng đau mà chứng sưng đau ở tai khỏi bởi phía sau tai là bộ vị của đường kinh Thiếu dương. Can với Đởm cùng biểu lý. Thiếu dương cảm nhiễm phải phong nhiệt, nhiệt tà liền truyền vào Can kinh. Gặp chứng hòn ngoại thận sưng đau này mà cho là Sán khí để chữa, thì thật là sai lầm vô cùng. 

Theo kinh nghiệm của tôi, thuộc về chứng Sạ tai, nếu bệnh nhân thể thực thì cho uống bài Cam cát thang, gia Ngưu bằng, Đan bỉ, Đương qui... chỉ một vài thang có thể tan được. Nếu bệnh nhân thể hư thì cũng dùng Cam cát thang gia Thủ ô, Ngọc trúc, Đan bì, Đương qui cũng có thể khỏi. Nếu di độc làm hại, thì cần phải cứu âm để thu hồi tân dịch, bổ nguyên để sinh ra Chân khí, khiến cho cái độc của nhiệt tà, dồn cả ra chỗ sưng, nên dùng bài Cứu âm bảo nguyên thang (Hắc đậu 3 đ.c, Thục địa, Mạch đông, mỗi vị 1,5 đ.c., Đan bì, Hoài sơn, Sa sâm, Hoàng kỳ mỗi vị 1 đ.c., Chích thảo 0,8 đ.c. sắc uống). Uống liên tiếp 4, 5 thang mới bảo đảm được an toàn. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990