Logo Website

NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (III)

15/12/2020

ĐIỀU 49. NHẬN THỨC VỀ TẠP BỆNH (III) 

Đối với tạp bệnh, khi lâm sàng chủ yếu là phải phân biệt Âm chứng với Dương chứng cho rành mạch, tuyệt đối không được một chút hàm hồ. Thí dụ: 

- Dương chứng ra mồ hôi, da thịt tất phải ấm nóng. 

- Âm chứng ra mồ hôi, da thịt tất phải mát lạnh. 

- Dương chứng quyết nghịch, tất phải đầu ngón tay lạnh trước, bộ phận "Nhân vương" tất hiện sắc xanh mờ, mặt đỏ mà bóng loáng. 

- Âm chứng quyết nghịch, mu tay tất phải lạnh; lúc bắt đầu mặt không đỏ, khi đới dương mặt mới đỏ; tại nhân vương không có sắc xanh, trên đầu tất có mồ hôi. 

- Dương chứng phiền táo, mặt đỏ, lưỡi đỏ tía, mồ hôi nhiều, khát uống nước nhiều, mạch Hoạt. 

- Âm chứng phiền táo, trịnh thanh (nói nhịu, nói lắp) bợt bạt, tay chân mát, mạch Trầm Vi... 

Trên đây là những yếu điểm phân biệt Dương chứng và Âm chứng. Trong trường hợp các chứng, hậu của Dương chứng và Âm chứng còn đương lẫn lộn, chưa rõ hẳn về phía nào, cần phải chú trọng tới âm chứng. Đới Bắc Sơn có câu: "Khắp mình thấy hữu dư, chỉ một điểm thấy bất túc, nên trị liệu theo về âm chứng; khắp mình thấy bất túc, chỉ một điểm là hữu dư, nên trị liệu theo về dương chứng"... thật là một câu rất chính xác. Khi thấy bệnh nhân da dẻ mềm mại mịn màng, trịnh thanh, nằm co, trán mát, chân tay lạnh, mạch Trì Hoãn, Trầm Phục... đều là âm chứng. Dù cho đồng thời có biểu hiện mắt đỏ, lưỡi khô cũng không nên ngộ nhận là dương chứng mà điều trị. Đó là một điểm mấu chốt, cần phải nhận rõ. 

Thuộc về âm chứng lại còn một đặc điểm nữa: tức là "tự lợi hoàn cốc” nghĩa là ăn vào thức gì lại ỉa ra thức ấy, lại lẫn cả thứ nước màu hơi đen, chứng này tục danh Trung y gọi là "lậu để” - có nghĩa là dò trôn - Đối với chứng hậu này, kíp dùng Phụ tử. Sau khi uống thuốc, nếu thấy ngủ ngon, khắp mình ôn hòa, khí hóa ở Bằng quang lưu hành được, đái được nhiều, chứng "lậu để” sẽ khỏi. Nếu sau khi uống Phụ tử hồi dương, thấy lưỡi khô, ố nhiệt, mặt đỏ,nói sảng, từ 2-3 ngày đến 10 ngày không đại tiện, đó là âm chứng "lậu để", đã biến thành dương chứng "Phủ thực", thuật ngữ Trung y gọi là "Trúng âm lưu phủ". Bởi âm chứng dùng Phụ tử, nên mới dẫn bệnh từ âm ra dương; 

âm là Tạng, dương là Phủ nên mới gọi là "Trúng âm lưu phủ”. Thuộc về loại Phủ chứng đó, có thể dùng bài Hoàng long thang để hạ, hoặc dùng Bán lưu hoàn để thông hạ. 

Đối với âm chứng, cần phải dùng Phụ tử để hồi dương, như những bài Tứ nghịch, Lý trung v.v., Điểm đó đã thành nguyên tắc nhất định. Sau đây tôi xin nêu thêm một số điểm về nguy chứng của âm chứng, để độc giả tham khảo, tức là chỗ dựa để dùng Phụ tử cho chính xác. 

1. Biện về mạch: "luồng mạch cứng rắn và có mồ hôi" là đặc điểm thứ nhất. Mạch Khẩn không ra mồ hôi, là hàn tà tại biểu thuộc chứng của kinh Thái dương. Mạch Khẩn mà đến nỗi cứng rắn, lại ra mồ hôi, đó là hiện tượng Thiếu âm vong dương rất nguy (chứng của Thiếu âm phần nhiều là mạch Vi, Trầm, Tế; nếu lại Khẩn và cứng rắn, bệnh tình càng nặng).

2. Bệnh về lưỡi: "sắc lưỡi khô ráo” là đặc điểm thứ hai. Sắc lưỡi khô ráo như vỏ quả vải khô; nếu sắc tía sẫm như vẻ tân dịch bị kiệt... đó là do Thận dương không dẫn lên được; khác với hiện tượng sắc lưỡi khô và đỏ do dương chứng nhiệt thịnh, tân dịch bị hút... Kết hợp với chứng trạng có thể quyết đoán là Âm chứng. 

3. Biện về chứng: "Da thịt mềm nhuận” là đặc điểm thứ ba. Rêu lưỡi có vẻ tân dịch bị kiệt... đồng thời lại thấy tay chân lạnh, đầu ra mồ hôi, da thịt mềm nhuận. Như vậy là âm chứng. Dương chứng tân dịch bị kiệt, da thịt khô ráo, không mồ hôi. Âm chứng tân dịch bị kiệt, da thịt mềm nhuận, toát mồ hôi... Đó là những đặc điểm phân biệt rất rõ. 

Âm chứng dùng Phụ tử có thể vãn hồi, nhưng nó chỉ ở trong giới hạn: Mạch chưa rối loạn, mặt không sưng, hơi thở không gấp; đầu chưa đẫm mồ hôi... Nếu 4 điểm trên, bị một điểm tức là khó chữa; bị 2 điểm, tức là không thể chữa. Sở dĩ như vậy là vì: Phụ tử tuy có năng lực ôn Thận hồi dương, làm mạnh cơ năng gạn lọc... Nhưng cũng phải dựa vào chính khí (tức là sức mạnh) ở bên trong chưa kiệt, năng lực của Phụ tử mới có thể dựa vào đó để phát huy. Nếu 4 điểm trên mà sai sót tới 2 điểm, thì là chính khí đã kiệt. Phụ tử cũng không làm trò gì được nữa. 

Về bệnh cơ của chứng vong dương, cũng có thể chia làm 4 giai đoạn: bắt đầu lạnh từ mu tay đến cổ tay (phía trên); rồi đến mồ hôi toát ra, cả bàn tay và cổ tay đều lạnh; rồi đến chân đều lạnh, tay lạnh tới khuỷu, chân lạnh tới gối; cuối cùng đến thể ôn tan ra ngoài hết, da thịt đều lạnh, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa. 

Giai đoạn thứ nhất là cái dấu hiệu của chứng vong dương; giai đoạn thứ hai là chính chứng hậu của chứng vong dương, ở giai đoạn này dùng Phụ tử rất tốt. Giai đoạn thứ ba, chứng vong dương đã lâm tới thế nguy, kíp dùng Phụ tử họa may còn có thể cứu vãn. Đến giai đoạn thứ tư, Phụ tử không còn chỗ dựa, không còn tác dụng nữa. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990