Logo Website

NHẬN THỨC VỀ THUYẾT "BỔ DƯƠNG ĐỂ SINH ÂM

04/12/2020

ĐIỀU 33. NHẬN THỨC VỀ THUYẾT "BỔ DƯƠNG ĐỂ SINH ÂM

Xưa có thuyết: "bổ dương sẽ sinh được âm...", tôi suy đi tính lại, có lẽ thuyết đó chưa thật ổn. Như con người đã âm hư hỏa táo, giờ lại đi bổ dương, thì dương càng vượng bao nhiêu, âm lại càng kiệt bấy nhiêu, huống chi dương phải nương tựa vào âm, âm hư thì dương không còn nơi nương tựa, nơi nương tựa đã không còn, thì còn sinh âm làm sao được? Ví như lúa phải nhờ nước để nuôi dưỡng, nếu nước đã cạn khô mà lại thêm ánh nắng dọi xuống, thì lúa tất chết khô. Trong thời gian đó, chỉ còn có một cách là đổ xuống một trận mưa rào, thì lúa mới có thể mọc lên được... Đó là một lẽ bình thường dễ hiểu. Riêng cổ thuyết “bổ khí có thể sinh huyết”, tức là theo cái nghĩa "kim sinh được thủy”, khác hẳn với thuyết "dương sinh được âm". Nên biết rằng: "bổ khí với bổ dương vốn có phân biệt...” Nội kinh nói: "Lao giả ôn chi", chữ ôn ở đây có hàm nghĩa là ôn tồn chứ không phải là "ôn nhiệt”, cùng một chữ mà nghĩa khác nhau rất xa. Theo tôi thì âm dương không thể chỉ bổ một phía, âm không thể tách rời dương, dương không thể tách rời âm, âm dương cùng phối hợp với nhau, muôn vật nhờ đó mới sinh sôi nẩy nở. Như các phương thuốc có: Lục vị hoàn, Phục mạch thang đều là loại thuốc bổ âm. Mà trong đó có phối hợp với Thù du, Quế chi là dương dược; Kiến trung thang, Phụ tử thang... đều là loại thuốc bổ dương, mà cả hai phương đều dùng Thược dược là âm dược... Các phương thuốc như vậy có rất nhiều, nói không kể xiết. Đến như các bài Tứ nghịch thang, Ngô thù du thang v.v... đều chữa những chứng có âm không có dương, nên chủ yếu của các bài đó là cứu dương chứ không phải là bổ dương; lại như các bài Bạch hổ thang, Hoàng liên thang v.v... chủ yếu là chữa chứng âm thịnh dương tiêu, cũng chỉ là cứu âm chứ không phải là bổ âm. Cũng như câu nói: "dương bị âm bức, không chạy thì bay; âm bị dương tiêu không khô thời héo...” Vậy những người chỉ chuyên về bổ âm chưa hẳn là đúng, mà những người chỉ chuyên về bổ dương cũng chưa hẳn là đã hay. 

Nguồn trích: CHƯƠNG II: LÝ LUẬN VỀ ÂM DƯƠNG-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990