Logo Website

PHÂN TÍCH BỆNH ÁN KHÓ CHỮA

27/01/2021

ĐIỀU 104. PHÂN TÍCH BỆNH ÁN KHÓ CHỮA 

Trình Hạnh Hiên chữa một người họ Uông, mùa Hạ, bị chứng hàn nhiệt, thổ tả, tự ra mồ hôi, rức đầu. Một lương y khác cho uống loại thuốc "sơ biểu hòa trung”, thổ và tả đều cầm được. Nhưng vẫn phát nhiệt không lui, mồ hôi ra nhiều, miệng khát, rêu lưỡi hơi vàng mà nhuận, mạch Hư Tế. Trình căn cứ vào Nội kinh có câu: "Mạch hư, mình nhiệt, gây nên bởi thương thử” liền cho uống bài Thanh thử ích khí thang (7). Ngày hôm ấy uống hết một thang, đến đêm lại càng nóng nhiều, mê man rồ dại trằn trọc không yên... Sớm hôm sau chẩn lại, mạch lại càng Tế, rêu lưỡi đỏ sẫm chất lưỡi như nứt, có vệt máu đọng, khát uống nước lạnh. Trình đoán là nhiệt tà phục ở bên trong chưa đạt ra ngoài được. Cần phải "bỏ mạch theo chứng". Đổi cắt bài Bạch hổ thang gia Sinh địa, Đan bì, Sơn chi, Hoàng cầm, Trúc diệp, Đăng tâm. Uống hết một thang, khắp mình ra mồ hôi, tuy không rồ đại nữa nhưng lại cứ đờ ra như người ngây, chân giá lạnh, án tay tới tận xương không thấy mạch. Hễ nhắm mắt lại là mê man không biết gì nữa. Coi tình trạng đã hoàn toàn là chứng nhiệt quyết. Lại xem lưỡi thì rêu ít, và dày, khắp miệng nổi lên những nốt đỏ tía, có cái bằng hạt ngô, lại có những sắc xanh, vàng, đen, biếc óng ánh phủ lên bên ngoài... Thật là một chứng hậu hết sức nguy hiểm... Liền từ chối không chữa. Người mẹ cố nài mãi, bất đắc dĩ bảo lấy Tử tuyết (8) bôi lên khắp lưỡi, đồng thời vẫn dùng bài trước, gia thêm Tê giác, Hoàng liên, Huyền sâm để thanh nhiệt; gia Kim trấp, Nhân trung hoàng, Ngân hoa, Lục đậu để giải độc, lại dùng nước tuyết để sắc thuốc. Uống hết một thang, quyết đã hồi, mạch đã có, các nốt trong lưỡi đều tiêu, rêu cũng không còn... Cho uống luôn một thang như thế nữa, mọi chứng đều khỏi hẳn. 

Chữa xong bệnh này, Trình tự cho là mãi về sau mới nhận ra được là “Dương chứng tự âm", mà không biết được "thực chứng tự hư" ngay từ lúc đầu, tự trách mình học lực còn kém. 

Tôi xét: Trình cho lúc đầu chữa nhầm là vì dùng bài Thanh thử ích khí thang. Thật thế, bài đó không thể phóng tay dùng liều. Nhất là đối với các chứng vì thương thử mà mạch Hư, bên ngoài biểu hiện các chứng mồ hôi ra nhiều, miệng khát, lại càng nên thận trọng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990