Logo Website

PHÂN TÍCH HƯ CHỨNG

24/12/2020

ĐIỀU 57. PHÂN TÍCH HƯ CHỨNG 

Chu Khanh Tử ở Kiến Giang, mới 23 tuổi, bị bệnh phát nhiệt, thân thể gầy còm, tay chân mỏi mệt, chỉ ưa nằm, hễ chợp mắt là toát mồ hôi trộm, bụng sủi, ỉa lỏng, biếng ăn biếng nói, lưỡi không biết vị... Bệnh tình cứ lúc nặng lúc nhẹ dai dẳng như thế tới nửa năm không khỏi. La Khiêm Phủ chẩn mạch Phù Sác, ấn mạnh vô lực... Nhận thấy đúng như câu ca về mạch Phù trong mạch quyết: "Trong tàng tích lãnh trong doanh nhiệt, muốn được sinh tân phải bổ hư". Liền cứu huyệt Trung quản là Mộ của Vị, để dẫn thanh khí đi lên, làm cho tấu lý được dày đặc, lại cứu huyệt Khí hải, khiến cho phát triển nguyên khí, thấm nhuần ra các luồng mạch, nở nang cơ nhục, cứu cả huyệt Túc Tam lý, huyệt đó là Hợp của Vị, để giúp Vị khí, và rút nhiệt từ bộ phận trên xuống với âm phận. Đồng thời dùng loại thuốc cam hàn để tả hỏa nhiệt, dùng loại thuốc cam ôn làm tá để nuôi trung khí. Lại bảo ăn gạo cánh, thịt dê để bổ thêm cho Vị khí. Lại bảo phải ít nói năng, dè ăn uống, ít giận dữ, kiêng phòng dục... Không bao lâu bệnh khỏi hẳn. Tới năm sau, thân thể lại béo gấp bội khi chưa mắc bệnh. 

Có người hỏi Khiêm Phủ: người đời chữa bệnh hư lao phần nhiều dùng loại thuốc khổ hàn đằng này lại dùng cam hàn; thịt dê có tính chất trợ nhiệt, người ta điều kiêng; đàng này ông lại cho ăn... là cớ sao? La đáp Nội kinh có câu; "Chủ của hỏa phải dùng cam để tả....”; thiên Tạng khí pháp thời luận cũng nói: "Tâm khổ về hỏa, kíp ăn vị toan để cho thu lại, dùng vị cam để tả..? Cán cứ vào thuyết trên, muốn tả nhiệt bổ khí, không dùng vị cam hàn sao được? Nếu lại dùng khổ hàn để tả Thổ, khiến Tỳ thổ càng hư, hỏa tà sẽ lại càng thêm mạnh, không những vô ích mà còn có hại. Trong Nội kinh lại nói: "Hình không đầy đủ, lấy khí dược làm cho ích. Dùng chất bổ có thể khỏi được yếu đuối, tức là ôn; tinh không đầy đủ lấy hậu vị để bồi bổ. Bị nhọc mệt thì làm cho ôn, bị hao tổn thì làm cho ích. Dùng chất bổ có thể khỏi được yếu đuối, tức là những vị như Nhân sâm và thịt dê. Vậy thì tôi cho ăn thịt dê có hề chi..". 

Tôi xét: La Khiêm Phủ chữa cho Sử hầu ỉa ra máu, và bệnh Tâm Tỳ thống của con trai Thôi Vận sứ... đều cứu 3 huyệt trên, mà những lời giải về tác dụng của các huyệt cũng giống nhau. Xem đó, có thể lượng biết là họ La thu được kết quả về 3 huyệt đó không phải là ít. Liễu cống Độ thường nói: "Tôi trước kia vốn hay ốm, mỗi khi ốm thường bị khí lực kém sút, hơi thở rất ngắn. Nhân đó cứu huyệt Khí hải, tức thời thở được dễ dàng. Từ đó về sau, cứ mỗi năm tôi cứu huyệt 2,3 lần...” Xem 2 thuyết của hai ông La, Liễu. thì bệnh hư tổn dùng thuốc khó khăn không gì bằng đổi sang dùng phép cứu, có phần vừa giản tiện, vừa công hiệu hơn. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IV: ÔN BỆNH VÀ TẠP BỆNH-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990