Logo Website

PHÂN TÍCH NHIỆT VÀ HỎA

19/01/2021

ĐIỀU 95. PHÂN TÍCH NHIỆT VÀ HỎA 

Nội kinh nói: "ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa"; ở trên Thiếu âm, nhiệt khí chủ trị; ở trên Thiếu dương, hỏa khí chủ trị. Hai khí đó một là quân hỏa, một là tướng hỏa, đều thuộc hỏa cả, sao một đằng gọi là ''nhiệt", một đằng lại gọi là "hỏa"? Bởi vì hỏa đó, như thứ hỏa của khói lửa, có thể đốt cháy được, thuộc về loại hữu hình. Còn "nhiệt" là thứ hơi nóng bốc lên, không thể đốt cháy, thuộc loại vô hình. Cho nên mới nói: "ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa" cũng như câu nói: "ở trời là phong, là thấp, là táo, là hàn...” đều thuộc về khí và đều là vô hình. Lại nói: “ở đất là Mộc, là Thổ, là Kim, là Thủy..." đều là hữu hình, ở trong thân thể con người, như kinh Thiếu dương Tam tiêu là Tướng hỏa, Đởm là Giáp mộc; mà Tam tiêu là bản khí, Đởm là hỏa khí, mộc với hỏa hợp nhau, thì có thể đốt cháy, nên mới gọi là "hỏa". Như kinh Thiếu âm Tâm là quân hỏa, Thận là Quý thủy, mà Tâm là bản khí, Thận là hỏa khí... Thủy với hỏa phối hợp; có thể làm cho bốc hơi, không thể đốt cháy, cho nên gọi là "nhiệt”. Đó là cái lẽ hỏa với nhiệt không giống nhau. Đến như con người bị bệnh sở dĩ không giống nhau, vì như Kinh nói: "Các bệnh trướng bụng to, đều thuộc về nhiệt; các bệnh đau lở ngứa, đều thuộc về hỏa.." Lại như các chứng miệng lưỡi lở loét, mắt đỏ tai đau... thuộc về hỏa; các chứng nước tiểu vàng, ưa nằm, bực dọc, hay nôn oẹ... thuộc về nhiệt. Những loại bệnh không giống nhau như vậy, y giả cần phải nhận rõ: bệnh nào thuộc nhiệt, thì chữa về nhiệt; bệnh nào thuộc hỏa, thì chữa về hỏa. Nếu 2 phương diện đó nhận không được rành, trông gà hóa cuốc thì giết người dễ như trở bàn tay. 

Lại còn một điểm cần chú ý nữa: hỏa thường kiêm phong mà nhiệt thường kiêm thấp. Cho nên trị hỏa nên tức phong, trị nhiệt nên trừ thấp. Trị hỏa nên dùng hàn lương để dập tắt, trị nhiệt nên dùng phép dưới nồi bớt củi... Giới hạn phân biệt của hỏa với nhiệt như vừa thuật ở trên đây thật là rành mạch, vậy mà đời sau còn có người hoài nghi, dựa vào thuyết trong Âm dương ứng tượng đại luận, ngoài phong, hàn, thử, thấp, táo... không còn có gì gọi là "hỏa", các thiên bàn về "lục khí" chẳng qua chỉ do Vương Băng bịa ra... Thật là sai lầm vô cùng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990