Logo Website

PHÊ BÌNH Y ÁN

28/01/2021

ĐIỀU 105. PHÊ BÌNH Y ÁN 

Vương Mạnh Anh phê bình Y án của Từ Hồi Khê tựu trung có điểm hình như không được xác đáng lắm. Xin trích dịch ra sau đây và phụ thêm ý kiến nông hẹp của tôi để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo. 

"Một người bán hàng hương ở Xương môn bị chứng thử nhiệt. Lúc bắt đầu uống thuốc đã nhầm. Chỗ nằm lại ở trên một gác nhỏ chứa toàn hương liệu, mùi "hương táo” bốc lên suốt ngày, làm khô ráo hết tân dịch, nhân đó mà bị chứng "quyết” (9) bất tỉnh nhân sự, lưỡi khô, mắt đỏ và đuôi mắt rách nứt... nhà riêng của hắn cách cửa hàng hơn ba dặm. Người nhà hàng muốn khiêng hắn về nhà riêng, để hoặc có chết cho tiện... Hồi Khê bảo: "Đã đành rằng chứng hậu rất nguy. Nhưng nếu uống thuốc được đúng phép, còn có hy vọng sống. Nếu giờ lại khiêng đi dưới trời nắng chang chang như thế này, nhất định sẽ chết ở dọc đường. Mọi người nghe lời, bắt đầu cho uống một liều Chí bảo đan tiếp theo cho uống bài Hoàng liên Hương nhu ẩm (10) hợp với Trúc điệp thạch cao thang (11) gia thêm Lô căn (12) và các vị thanh lương khác. Đổ thuốc cho uống dần dần từng hớp nhỏ. Qua một đêm, mắt đỏ bớt, đã nói lên được thành tiếng, thần khí đã hồi phục và đã trở mình được. Qua 2 ngày mình đã mát, ăn được cháo loãng... Bấy giờ mới đưa về nhà điều dưỡng, vài ngày, sau khỏi hẳn".

Lời phê bình rằng: Chứng bệnh trên, tân dịch đã bị khô ráo và lưỡi khô mắt nứt, thì dùng Chí bảo đan không bằng dùng Tử tuyết (13) mà vị Hương nhu cũng nên tránh...” 

Tôi nghĩ: theo như chứng hậu nói trên, thì không nên dùng vị Hương nhu dù người mới hơi hiểu y lý, cũng biết được lẽ đó. Vậy mà Hồi Khê lại cứ dùng, chắc là phải có nguyên nhân. Bởi lập phương chữa bệnh, tuy đều phải đối chứng để dùng thuốc, nhưng tựu trung vị nọ đối với vị kia lại còn phải có một điều kiện phối hợp và kết cấu riêng. Như bài Sinh địa hoàng ẩm trong Ngoại đài, chủ yếu là chữa hư tổn. Vậy sao đã dùng Sinh địa hoàng trấp (14), Tảo cao (15), Bạch mật, Ngưu tô (16), Lộc giác giao (17) lại còn dùng rượu và nước gừng sống, hạt Tử tô...? Ta nên biết: sở dĩ dùng 3 vị đó, là vì Tảo cao và Lộc giác giao "béo và trệ" quá, nếu không có rượu để cho dẫn lên trên, không có Tô tử để cho dẫn xuống dưới, không có nước gừng sống để cho dẫn tới tứ chi.. thì các vị "béo và trệ" kia, thấm nhuần thế nào được tới tứ chi, để gây nên hiệu quả? Chứ có phải là ba vị đó có bổ ích cho chứng hư tổn mà dùng tới đâu. Bài Lục vị hoàn của Tiền thị mà trong đó có Đan bì, Trạch tả cũng cùng một nghĩa, sở dĩ nói: vị nọ đối với vị kia phải có phương pháp phối hợp và kết cấu, chính là ý nghĩa đó. Xem vậy thì Hồi Khê sở dĩ dùng vị Hương nhu lẫn vào trong các loại thuốc “tư nhuận" cũng là rất hợp, có chi là nhầm? 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990