Logo Website

PHÉP CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI GIÀ

01/04/2021

ĐIỀU 173. PHÉP CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI GIÀ 

Con người sở dĩ sống được lâu tất phải có một phần nào "trội” hơn các phần khác. Như dương trội hơn thì nên bổ âm, âm trội hơn thì nên ích dương. Nhưng về phần âm trội, thì trong 10 người họa chỉ có 1,2 người; còn về phần dương trội thì trong 10 người có đến 8, 9 người. Nếu dương lại trội đến quá mức, thì không những chỉ nên bổ âm, đồng thời lại còn phải thanh hỏa để bảo vệ lấy âm. Cho nên các người già, phần nhiều là cổ tình trạng đầu nóng, tai điếc, mặt đỏ, phân táo, hoàn toàn biểu hiện dương chứng. Vậy mà các y giả kê đơn cho người già, vô luận là có bệnh hay không có bệnh, đều lấy "bổ dương" làm thượng sách. Dùng mãi nhiệt dược, nhiệt thịnh tất phong sinh, thế nào cũng phát sinh các chứng trạng "loại trúng". Như vậy có khác chi là tự đi rước lấy bệnh? Do ý kiến nông nổi của tôi: đối với người già, đôi khi có bị các chứng phong hàn đờm thấp càng cần phải khu trừ bỏ bệnh tà ngay. Vì người già khí huyết kém phần lưu lợi, nếu bó chặt tà lại, nó rất dễ cùng với khí huyết cấu kết, để gây nên vạ lớn. Cho nên chữa chứng ngoại cảm của người già có thể cũng coi như chữa người tráng kiện, duy có khác là dược vật nên dùng những vị có tính chất khinh đạm, đồng thời cũng ghé bổ, nhưng phải châm chước bổ cho khéo, hết sức tránh các vị tân nhiệt. Vì người già âm đã kém, nếu lại trợ dương thì dương càng cang, sẽ đưa đến tình trạng mặt đỏ bừng, mắt đỏ ngầu, thở nghẽn, đờm nghẹt, da rộp, mạch Hồng không bề cứu chữa. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990