Logo Website

SÁCH Y HỌC VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

03/02/2021

ĐIỀU 111. SÁCH Y HỌC VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN 

Nhật Bản là một đảo quốc, cách xa Trung Quốc cũng như nước ta. Về y học, cũng học theo Trung y như ta. Nhưng xét về phần đi sâu nghiên cứu có lẽ hơn ta nhiều, nói như vậy không phải là không có bằng cứ, chỉ xem về phần tác phẩm, ở nước ta ngoài hai bộ Tuệ Tĩnh và Tâm linh ra phỏng còn được là bao? nếu tính cả những loại sách bị quân nhà Minh tịch thu, và một số sách hiện còn tản mác tại dân gian, chưa có phương tiện ấn hành... Chẳng qua cũng chỉ được chừng vài ba chục bộ... so với Nhật Bản thì có chăng chỉ bằng một phần ba. Chỉ xem một bộ Hoàng hán y học tùng thư cũng đã thấy phong phú lắm rồi. Ngoài bộ đó ra lại còn rất nhiều bộ chưa áp vào trong tùng thư, như các sách về khoa châm cứu của Đại điền Văn chí, Văn sơn phú nhất lang... các sách về y lý, bệnh lý và trị liệu như Hoàng hán y học của Thang Bản Cầu Chân, Hán y nội khoa cương lĩnh của Sơn Điền Mai Khanh v.v... Đây mới chỉ là những loại sách mà tôi đã được xem qua. Lại còn các loại mà ở trong các sách đó đã nêu tên dẫn chứng, thì lại nhiều vô kể. Xét về nguyên nhân sự chênh lệch đó, một phần là do nghề ấn bản của ta còn kém,một khi in ra được một bộ sách, tốn kém không phải ít; mà các lương y có tài biên soạn, lại phần nhiều là quá nghèo. Ta cứ xem những bằng ghi tên các vị giúp tiền cho thuê khắc bản in ở cuối bộ Y tông tâm lĩnh, cũng đủ thấy rõ nỗi khó khăn ấy. Nếu không may mà về đời Tự Đức, không gặp được một người vừa hiếu học, vừa tận tâm như Vũ Xuân Hiên ở Đường Mi, và các vị sư chùa Đông Nhân xã Đại Tráng, thì biết đâu bộ Hải thượng không cùng một số phận như các bộ y môn hội anh, Vệ sinh yếu chỉ của Bùi Thúc Trinh ở làng Quỳnh Anh! Đây là một nguyên nhân. Lại còn một nguyên nhân nữa là do cái học khoa cử đã trói buộc hết cả tài năng của những người có tài xuất chúng. Chỉ những người bất đắc chí về khoa cử, không thể nhờ khoa cử để đưa đến vinh thân phì gia... Bấy giờ mới bất đắc dĩ xoay sang nghề thuốc để làm kế sinh nhai. Khi bắt đầu bước vào nghề, đã do sự "bất đắc dĩ", mà cái mục đích cũng chỉ là "làm kế sinh nhai", thì một khi "sinh nhai” đã đầy đủ tức là mãn nguyện, thì tha hồ mà rượu sớm trà trưa, ngắm trăng đợi gió, cho thỏa cái thèm muốn của con người trần tục, còn tâm đâu mà nghiên cứu, mà trước thư lập ngôn. Đó là nguyên nhân thứ hai. Do hai nguyên nhân trên nên sách thuốc ở ta mới hiếm. Ngẫm về dĩ vãng đã như vậy, trông về tương lai thì như sao? ở đời chúng ta hiện nay, không còn khoa cử trói buộc nữa rồi; nghề ấn loát cũng nhanh chóng hơn trước nhiều, lại được sống ở dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, muôn hoa đều có thể nảy nở tốt tươi cả rồi... Hay hay dở, hơn hay kém, đều do sự phấn đấu nỗ lực của chúng ta thôi.” 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990