Logo Website

SẢN HẬU PHÁT CUỒNG

04/04/2021

ĐIỀU 176. SẢN HẬU PHÁT CUỒNG 

Năm 1950, tôi tản cư sang làng Mai đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (bây giờ là Hà Bắc) chữa một người là Tạ Thị Hảo 39 tuổi. Mới đẻ được 2 ngày, đến ngày thứ ba bỗng dưng sốt nóng, kêu la ầm ĩ, chạy đi khắp xóm, đã thành hẳn là chứng cuồng. Người nhà bắt về trói trong buồng kín. Đến sáng hôm sau đã đỡ kêu, đến mời tôi thăm bệnh - khi đó, tôi tuy tản cư, nhưng vẫn có thuốc mang theo. Tôi chẩn mạch thấy Tế Sác mà ngoài da chỉ hơi nóng. Hỏi kỹ người nhà về quá trình phát bệnh? Người nhà cho biết: khi đẻ huyết ra mất quá nhiều. Tôi nghĩ: huyết ra mất quá nhiều, nên Can mất sự nuôi dưỡng, phong mộc do đó không được yên. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận trong Tố Vấn nói: "ở Tạng là Can, ở tiếng là hô"; thiên Ngũ thường chính đại luận trong Tố Vấn có câu: "ở Tạng là Can, ở bệnh sẽ là chứng dao động sợ sệt”; thiên Sinh khí thông thiên luận trong Tố Vấn lại có câu: "âm không thắng được dương, thì mạch đi nhanh chóng, dồn cả lại sẽ phát cuồng”. Thiên Binh nhiệt luận trong Tố Vấn cũng nói: " Nếu âm hư, dương sẽ lấn vào”. Xem vậy thì bao các chứng như điên rồ, chạy chọt, kêu la ầm ĩ, sốt nóng v.v... của thị Hảo đều không ra ngoài phạm vi mấy câu đó. Bệnh tình tuy biểu hiện ra 3 trạng thái khác nhau mà gốc thì chỉ là Một (tức âm hư). Tôi liền dùng các vị Câu kỷ, Thục địa, Đương quy, Đảng sâm, Huyền sâm, Mạch môn, Trúc nhự, Bạch vi cắt thành một thang lớn cho uống. Uống hết một thang, mười phần bớt được 6, 7. Uống hết thang thứ 2, khỏi hẳn. Trong bài thuốc tôi cắt trên, dùng vị Huyền sâm làm chủ dược là tôi căn cứ vào lời chú giải vị Huyền sâm của Từ Hồi Khê: "Sau khi đẻ, huyết thoát thì âm hư, do đó hỏa không còn gì kiềm chế được. Nhưng cái hỏa đó không thể dùng loại thuốc hàn lương dập tắt, mà trong khi khí huyết còn chưa yên, cũng không thể tiếp thụ được loại thuốc bổ mạnh. Chỉ có vị Huyền sâm vừa có tác dụng dẹp yên được hỏa, đồng thời cũng có ghé bổ ít nhiều." Đây là lần đầu tiên tôi dùng Huyền sâm để chữa chứng huyết thoát của sản phụ mà thu được kết quả nên chép để rút kinh nghiệm. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990