Logo Website

SỐT RÉT NGÃ NƯỚC

29/03/2021

ĐIỀU 169. SỐT RÉT NGÃ NƯỚC (I)

Ở ta có một bệnh gọi là "sốt rét ngã nước". Người ở vùng Trung Châu đi lên mạn thượng du như Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, v.v... rất hay bị. Tục ngữ có câu: "Những người lử đử lừ đừ, chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai". Đại Từ, Võ Nhai là hai huyện thuộc Thái Nguyên, ở Thái Nguyên mà nước còn độc đến như vậy, thì ở những nơi xa xôi và nhiều rừng núi hơn Thái Nguyên còn độc đến thế nào! (Đây là nói từ 1940 về trước). Bệnh sốt rét này, tên Trung Quốc gọi là Chướng ngược, vì nguyên nhân chính phát sinh của nó là khí độc của rừng núi, nên dùng chữ "Chướng"; mà chứng trạng biểu hiện cũng rét nóng kịch liệt, nên dùng chữ "Ngược". Chủ yếu là cái độc của hai khí "ôn thấp". Bệnh nguyên hậu của Sào Nguyên phương viết: "bệnh chướng" ở Lĩnh Nam cũng như thương hàn ở Lĩnh Bác". Trong Ngoại đài nói: "Tại Lĩnh Nam đều gọi là Chướng, Giang bắc đều gọi là Ngược". Danh mục của bệnh chướng có rất nhiều, đều tùy theo địa phương và nhận xét thô sơ về bệnh nguyên mà đặt tên, như Hoàng mang chướng, Hoàng mao chướng (Nam phương thảo mộc trạng), Thanh thảo chướng (Sào nguyên), Hoàng mai chướng, Tân hòa chướng (Quí hải tạp chí), Hà Mô chướng, Hác cước chướng, Phương thảo chướng, Phác sà chướng, Tỏa hầu chướng, Sà chướng (Thánh tế tổng lục), Lãnh chướng, Nhiệt chướng, Yên chướng, Lam chướng, Hoàng qua chướng, Ô phong chướng, Giác trường chướng, Hồi đầu chướng (Quản kiến lương phương). Ngoài ra như Chích dĩ, Bác hộ lục, Lĩnh nam vệ sinh phương, Y lâm tập yếu, Chương châu chí, Sứ Điến lục, Thể nhân Vậng biên, Toàn châu phủ chí, Dũng đồng tiểu phẩm v.v... Đều có tên khác nhau, nói không thể xiết. Thực tế thì nó cũng chỉ là loại sốt rét ngã nước, nguyên nhân của nó đều do khí thấp nhiệt và lam chướng của rừng núi. Trần Tam Nông nói: “bệnh Chướng các chứng trạng đại khái như cảm mạo, chỉ có 2 chứng "lợm giọng, no đầy" là khác với cảm mạo”. Lại nói: "Qui luật chữa bệnh, hàn chứng dùng nhiệt dược, nhiệt chứng dùng hàn dược, nhiệt chứng dùng hàn dược, điểm đó ai cũng biết. Nhưng lại còn có những trường hợp ngoài hữu dư mà trong bất túc, trong chân thực mà ngoài giả hư; dương chứng tựa âm, âm chứng tựa dương v.v... phân biệt được rất khó, sai một ly sẽ đi một dặm. Bệnh chứng tuy do khí lam chướng của núi rừng, theo thời lệnh mà phát sinh. Cũng tất phải tùy theo bản thân của người ấy có hư, mới có thể nhiễm bệnh. Nếu là người dương hư hỏa suy, khi mới nhiễm phải chướng khí, bệnh tình còn nhẹ, dễ coi thường, lâu dần Chướng chứng biến thành bản bệnh tất hư hàn, bụng đầy trướng, ỉa chảy, ố hàn, tay chân giá lạnh. Nếu là người âm hư, hỏa vượng, khi mới nhiễm phải chướng khí, cùng nhẹ mà coi thường, lâu dần cũng biểu hiện thành bản bệnh, tất chóng mặt, miệng khát, sốt nóng, bụng trướng, lợm giọng, nước đái đỏ, v.v... Lại phải xét xem trong 5 tạng 6 phủ thiên suy thiên thịnh, như thế nào; cho tới qua các mùa Hạ Thu, lao động hay an nhàn, nắng ráo hay ẩm thấp, gặp phải trường hợp nào. Sau khi nhận định được rành mạch, bấy giờ mới chẩn đến mạch Mạch của bệnh chướng, lúc mới cảm Hồng Sác; người hư thì Đại và Khâu, thực thì Huyền và Hoạt. Lâu dần cũng có thay đổi, nhưng cũng không ngoài "vô lực là hư, có lực là thực”. Trần Tam Nông ở lưỡng Việt rất lâu, hiểu rõ địa dư hai miền đó nên chữa bệnh chướng rất tài tình, nhưng đều "tùy chứng dụng được", không câu chấp thành phương. Như chữa một người bị bệnh tựa kiết lỵ mà không phải kiết lỵ, phân ỉa ra đỏ nhiều trắng ít, ố hàn hơi nóng. Hỏi về dĩ vãng bệnh sử, biết là từ Hạ Thu đến giờ đi lại khá nhiều, đã cảm nhiễm sâu khí thử thấp, rồi do ngoại cảm mà phát bệnh. Trần dùng bài Bình Vị gia Khương, Phòng, Tử tô, Hoắc hương, uống hết một thang, chứng hàn nhiệt lui. Thang thứ hai, gia thêm Binh lang, Mộc hương, uống hết thang, khỏi hẳn. Có người hỏi: bệnh kiết lỵ kiêng dùng táo dược, giờ dùng Thương truật mà lại khỏi là vì sao? Trần nói: Người khác bị kiết lỵ, làm cảm nhiễm cái khí thử bệnh hỏa nhiệt, nên mới không dùng được táo dược. Giờ bệnh này phát sinh bởi nhiễm nhiều thấp khí, lại kiêm cả chứng ngoại cảm của mùa đông, nên dùng Thương truật là đúng. Người xưa nói:"Chữa bệnh phải tìm tới nguyên nhân" là lẽ đó. 

ĐIỀU 170. SỐT RÉT NGÃ NƯỚC (II) 

Nhân dân ở miền Trung châu nước ta, hồi xưa bệnh sốt rét khá phổ biến (từ 1935 - 1940 - trở về trước), phần nhiều là nhân dân lao động; ngoài ra còn có các hạng người buôn ngược bán xuôi, nhất là dân buôn bè. Tuy họ kiếm được lợi nhuận rất nhiều, nhưng cũng không sao tránh khỏi được thần "lam chướng" hành hạ. Do đó, môn thuốc chữa sốt rét ngã nước ở dân gian rất phát triển. Tôi còn thấy có người chỉ chuyên có một môn thuốc ngã nước mà làm nên giàu có, lầu cao nhà rộng, vô cùng lộng lẫy. Mà bài thuốc chỉ vẻn vẹn có mấy vị như Thạch cao, Thảo quả, Binh lang, Thường sơn, Cam thảo, v.v... Mỗi thang họ chỉ cắt chừng 2 lạng, bằng 1 giá tiền là 1 hào (tiền hồi trước, mỗi hào được chừng 3, 4 kg gạo); thế mà mỗi khi có dân buôn bè buôn nâu ngược chợ Bờ, hoặc Tuyên Quang v.v... có người họ lấy sẵn 2, 3 chục thang, để dự phòng cho bản thân họ và anh em cùng nhóm. Họ cho là dùng loại thuốc đó ngăn ngừa được cơn sốt nhanh chóng hơn uống ký ninh của Pháp nhiều (Môn thuốc này thịnh hành nhất là anh em ông lang Dũa ở phố Hàng Giấy Hà Nội). Lại như thuốc của nhà Phúc Đình cũng nổi tiếng, tiêu thụ khắp trong Nam ngoài Bắc. Đã có lần tôi giở một gói thuốc ra xem, trong gói có chừng 5, 6 chục viên, mà viên to viên nhỏ viên tròn viên méo trông lại không bằng thuốc viên của các bà bán thuốc lá ở đầu chợ, không có gì là kỹ thuật, ở làng tôi cũng có một dòng nhà ông lang họ Vương, cha truyền con nối, tới 3 đời chuyên môn cắt thuốc tiệt ngược. Các vị thuốc họ sử dụng cũng chẳng qua có mấy vị như Nam Sâm, Quế chi, Binh lang, Hoàng cầm, Trần bì, Cam thảo, Thảo quả, Thường sơn v.v... Có một điều khác là: họ dùng lá Thường sơn tươi hái ngay trong vườn,sau khi cắt xong thuốc, bỏ vào cối đá, bấy giờ mới bỏ nắm lá Thường sơn tươi vào, giã trệu trạo cho nát hết lá, thành một thang thuốc toàn màu xanh dù có ai tò mò muốn dở thang thuốc ra để xem, cũng chịu không nhận rõ là những vị gì. Có một điều dù họ cho uống Thường sơn tươi mà bệnh nhân rất ít bị Thổ. Những bà con lao động đi về mạn ngược, lấy thuốc sẵn đem đi cũng rất nhiều. Nhưng khác với cánh ở Hà Nội, đằng này họ lấy 3 hào 1 thang (tiền hồi trước); nếu ai vì túng thiếu, hoặc có tính có kè, đưa 2 hào, họ cũng cắt, nhưng phải uống 2 thang mới khỏi. Còn người đưa cả 3 hào, khi đưa thang thuốc, họ còn dặn: "Đem về, chỉ uống một nước sẽ khỏi, còn bã thì phơi khô, cho người khác, hoặc lần sau có sốt lại uống. Mà thật đúng như lời dặn của họ. Lại còn một điểm: nói ra giống như mê tín. Vì phương thuốc do từ ông tổ 3 đời truyền lại, các con cháu phần nhiều đều biết, mà chỉ có người kế thừa dòng trưởng cát là được công hiệu, còn các chi kia tuy cũng cắt nhưng kết quả rất ít. Hiện giờ người cháu 4 đó cũng là hội viên Hội Đông Y Việt Nam cũng làm trong tập đoàn Đông Y của xã (1960, 1961-1964). Trên đây là nói về mấy nhà chuyên môn làm nên giàu có. Ngoài ra còn rất nhiều bài thuốc độc đáo rải rác khắp nông thôn nói không kể xiết. Còn nhớ hồi năm 1948, 1949 tôi cũng đã dùng vỏ cây sữa, sao vàng, tán bột, luyện với hồ, viên bằng hạt ngô, cấp cho anh em trong công binh xưởng (hồi đó xưởng phải dời vào khu vực Hòa Bình), dùng thay ký ninh, thu được kết quả rất tốt. Ngoài ra, như giã lá Đu đủ vắt lấy nước phơi sương, uống đón cơn, khỏi cũng chống. Tóm lại, bệnh sốt rét ngã nước, nguyên nhân chính không ngoài hơi lam chướng và khí thấp nhiệt của rừng núi, nên dù uống thuốc hay uống lá cũng phải dùng những vị có tác dụng thanh nhiệt, thẩm thấp và giải độc mới thu được công hiệu. Hiện nay do chính sách vệ sinh và điện khí hóa của Đảng và Chính phủ, "ma thiêng nước độc” đã biến thành “Đất lành chim đậu” môn thuốc đó cũng ít phải dùng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990