Logo Website

SUY NGHĨ VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN

07/12/2020

ĐIỀU 36. SUY NGHĨ VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN (I) 

Từ xưa đến nay, các y gia đều một chiều cho bệnh Thương hàn là nguy hiểm và khó chữa. Tôi nghĩ: nhận định như vậy có lẽ chưa thật đúng. 

Chẳng qua thấy Trọng Cảnh là một bậc y thánh, động cơ lúc soạn ra bộ Thương hàn là do cảm nỗi họ hàng chết về bệnh đó quá nhiều.. Mà nội dung bộ đó có tới 397 pháp, 113 phương; các y giả đời sau có tới linh 100 nhà chú giải, mà vẫn "ông nói ông phải, vãi nói vãi hay”, chưa có ai dám tự nhận là đã bước vào được trong nhà của Trọng Cảnh... nên mới cùng phàn nàn là khó. 

Thực ra thì khi hàn tà mới phạm vào kinh Thái dương, phát hiện ra các chứng trạng "phát nhiệt, ố hàn, không mồ hôi, lưng đau, gáy cứng và mạch Phù Khẩn” và sau khi đã nhận được đúng các chứng trạng đó, không một chút hàm hồ, thì có thể cát ngay bài Ma hoàng thang, rồi từ phép sắc, phép uống đều theo đúng như lời Trọng Cảnh đã dặn, thì nhất định chỉ uống một nước, hoặc hai nước... bệnh sẽ khỏi. Như vậy thì có chi là khó? 

Sở dĩ có sự khó, chỉ vì lúc đầu nhận bệnh không được đúng đến khi cắt thuốc, sắc thuốc, uống thuốc lại không đúng... Đầu không chạy thì đuôi không lọt, nên mới xảy ra cái tình trạng truyền kinh, hợp bệnh, tính bệnh, thiên hình vạn trạng về sau. 

Nên tôi nói: “Chữa Thương hàn không khó, chữa biến chứng của Thương hàn mới khó”. 

Bộ Thương hàn luận của Trọng Cảnh, sở dĩ nội dung có tới 397 pháp và 113 phương, chỉ là chữa biến chứng của Thương hàn. Nói một cách khác: chính là những phương pháp gỡ tội sai lầm cho các nhà lang sai lầm đời sau mà thôi. 

Nguồn trích: CHƯƠNG III: SUY NGHĨ VỀ THƯƠNG HÀN-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990